Hơn một tuần trước ngày 11/11, các ứng dụng mua sắm lớn tại Việt Nam bắt đầu thay hình biểu tượng trên điện thoại. Lazada, Shopee, Tiki, Robins...đều thêm dòng "11.11".
Các ứng dụng mua sắm bày ra hàng loạt trò chơi để "lên tinh thần" khách hàng như lắc điện thoại lấy xu (điểm thưởng mua hàng), quay số trúng thưởng, chém giá, bản đồ khám phá mã giảm giá...
Hiếm đơn vị nào giải thích vì sao ngày 11/11 được chọn để tổ chức khuyến mại dù có đơn vị còn tuyên bố là "lớn nhất trong năm". Tuy nhiên, người tiêu dùng và giới kinh doanh online thừa nhận là các nhà bán lẻ năm nay "đua" khá quyết liệt trong ngày này.
Chạy đua khuyến mại
"Chơi lớn" nhất là Lazada với tuyên bố tung ra 110.000 phiếu mua hàng trị giá đến 10 triệu USD và hơn 1,1 triệu khuyến mại, giao hàng miễn phí 8 tỉnh thành.
Cách tổ chức sự kiên này của Lazada khá giống với ứng dụng mua sắm C2C xuyên biên giới AliExpress. Lý do đơn giản bởi cả hai đều thuộc Alibaba - tập đoàn đã tạo ra ngày mua sắm Single Day (Lễ độc thân) tại Trung Quốc.
"Chỉ huy trưởng" chiến dịch của Lazada Việt Nam là Tổng Giám đốc Zhang YiXing. Ông không ai khác là cánh tay đắc lực của Jack Ma khi triển khai chiến dịch Single Day từ năm đầu.
"Đây là lần thứ 10 tôi tham dự Single Day nhưng vô cùng phấn khởi như 9 năm trước tại quê nhà Trung Quốc, vì đây là sự kiện 11/11 đầu của tôi tại Lazada Việt Nam", ông Zhang YiXing cho biết đã chuẩn bị suốt 3 tháng qua để tinh chỉnh ứng dụng và làm việc với nhà bán hàng. Ngoài ra, hệ thống kỹ thuật nền tảng và logistics đã được nâng cấp suốt một năm.
Không cần lý do hay có mối liên hệ cụ thể với Alibaba, hàng loạt trang thương mại điện tử khác cũng không bỏ qua dịp này. Những người trong ngành nói rằng, với cuộc cạnh tranh gay gắt, các "anh lớn" đang đi theo chiến lược "Anh làm gì, tôi làm đó. Anh có gì, tôi có đó".
Cụ thể, các doanh nghiệp không muốn đứng ngoài bất kỳ dịp tăng lượng truy cập và doanh thu nào của đối thủ. Điều này góp phần lan truyền hiệu ứng Single Day rầm rộ ở Việt Nam. "Thương mại điện tử đang là ngành phát triển nhất nhưng cũng cạnh tranh nhất ở Việt Nam", ông Trần Ngọc Thái Sơn - Nhà sáng lập kiêm CEO Tiki nói.
Trên trang Tiki, hãng gọi 11/11 là "Mùa sale huyền thoại" với trò chơi quay số trúng laptop, điện thoại, phiếu mua hàng...với tổng trị giá tuyên bố lên đến 10 tỷ đồng.
Trong khi đó, Shopee gọi ngày này là ngày "Siêu sale". Hãng cũng mở game lắc điện thoại lấy điểm thưởng và mỗi ngày khuyến mại một dòng sản phẩm để gây chú ý trước thời điểm chính thức.
Không kém cạnh, Lotte.vn đặt tên sự kiện là "Đại chiến mua sắm 11/11" trong khi Adayroi tung ưu đãi cả tuần từ 1/11 đến 11/11 bằng tên gọi "Sale Season".
Riêng Robins nêu rõ tổ chức "Tuần lễ sale độc thân" từ trong giai đoạn 5-11/11. Trước ngày khuyến mại chính, nhà bán lẻ đã tổ chức các chiến dịch như săn voucher, giảm giá tăng dần theo số lượng mặt hàng...
Theo đánh giá của chuyên gia, ngoài đánh vào giá, các đơn vị chạy đua khuyến mại năm nay tập trung vào hàng có thương hiệu và dịch vụ hậu mãi.
"Công nghệ bây giờ không còn là thách thức của thương mại điện tử Việt Nam mà là niềm tin người tiêu dùng. Bây giờ chọn sản phẩm, đối tác để khuyến mại rất quan trọng chứ không chỉ riêng về giá.
Ngoài ra, dịch vụ đơn hàng và hậu mãi là lợi thế cạnh tranh không thể bỏ qua trong cuộc đua này", ông Lê Hải Bình - Phó chủ tịch Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) nhận xét.
Doanh thu béo bở
Không rầm rộ như năm nay nhưng thực tế ngày 11/11 năm ngoái tại Việt Nam cũng đã mang về thành quả "béo bở", thúc giục các hãng tăng cường đầu tư cho chiến dịch vào 2018.
Theo dữ liệu vừa được Criteo công bố, doanh thu bán lẻ của các trang thương mại điện tử Việt Nam trong chiến dịch 11/11/2017 tăng đến 245% so với ngày thường, lượng truy cập cũng tăng đến 70%.
Trong ngày 11/11, lưu lượng truy cập tăng mạnh nhất buổi tối, từ khoảng 21h trở đi, tức sau khi ăn tối. Thời gian mua sắm "đỉnh"nhất rơi vào lúc 23h, tức còn một tiếng nữa hết giờ khuyến mại nên họ đổ xô mua sắm.
Hai mặt hàng được săn nhiều nhất trong dịp này là đồ gia dụng và đồ điện tử, với doanh thu tăng lần lượt 276% và 266% so với ngày thường.
Mức tăng doanh thu các mặt hàng ngày 11/11/2017 tại Việt Nam so với ngày thường trong kỳ khảo sát (24-30/09/2017). Nguồn: Criteo
Bà Silvia Siow - Giám đốc chiến lược khách hàng, khu vực Đông Nam Á, Hong Kong và Đài Loan của Criteo cho rằng, hai mặt hàng này bán chạy nhất là do thường có giá trị cao, mọi người canh dịp khuyến mại để được giảm nhiều.
Chuyên gia này cũng cho biết, ngày 11/11 có vai trò ngày càng lớn tại Đông Nam Á chứ không riêng gì Việt Nam.
"Năm nay là 10 năm Single Day ra đời tại Trung Quốc. Trong khi các sự kiện thường phai mờ theo thời gian thì ngày hội này lan sang Đông Nam Á và vai trò của nó ngày càng tăng", bà Silvia Siow nhận xét.
Chuyên gia Criteo nói rằng chiến thắng lớn của 11/11 là doanh số tăng nhưng chiến thắng lớn hơn là các hãng thương mại điện tử có thêm khách hàng mới và tăng được thị phần.
"Doanh số bán hàng quan trọng nhưng lưu lượng truy cập còn quan trọng hơn. Phần tăng lưu lượng là những người mua sắm mới, họ đến và tái phát hiện ra sản phẩm.
Nhóm khách này có thể chưa bao giờ vào trang web hoặc từng vào nhưng không quay lại. Nay nhờ cơ hội này mà họ quay lại, tạo cơ hội thu thập thêm dữ liệu để tái gắn kết với họ trong tương lai", chuyên gia phân tích.
Mức độ kịch tính của cuộc đua 11/11 tại Việt Nam được dự báo là sẽ còn kéo dài nhiều năm nữa, bởi đây đang là thị trường thương mại điện tử sôi động thứ hai Đông Nam Á, chỉ sau Indonesia.
“Việt Nam sẽ là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất trong khu vực với mức tăng trưởng thực luôn được giữ ở mức cao trong giai đoạn 2019 - 2023.
Dự kiến ở Việt Nam sẽ tăng 18 triệu hộ gia đình trung lưu trong giai đoạn 2017 - 2030. Tuy nhiên, việc củng cố lòng tin của người tiêu dùng với ngành thương mại điện tử và thanh toán điện tử cũng là một nhu cầu cần được quan tâm", ông Simon Baptis - Chuyên gia Kinh tế kiêm CEO khu vực châu Á của Economist Intelligence Unit (Economist Group) nhận định.
Ông Simon Baptis nói rằng, sự tăng trưởng thương mại điện tử ở Việt Nam đến từ ba yếu tố căn bản.
Thứ nhất, đặc điểm địa lý gây khó khăn nhất định về vận chuyển, mua sắm hàng hoá theo cách truyền thống.
Thứ hai, nhân công rẻ nên nguồn nhân lực giao nhận đông đảo. Và thứ ba, thu nhập bình quân đầu người của người Việt đang tăng lên.