TSKH. Nghiêm Vũ Khải, Phó chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.
Nhiều người lo ngại nền kinh tế ngày càng phụ thuộc vào khu vực doanh nghiệp FDI, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo và xuất khẩu, thưa ông?
Trong 6 tháng đầu năm nay, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt gần 114 tỷ USD, thì khu vực FDI chiếm khoảng 71% (không kể dầu thô).
Tỷ lệ này những năm trước đây cũng tương tự. Tuyệt đại đa số các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như điện thoại, linh kiện; điện tử, máy tính, linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng; hàng dệt may... do doanh nghiệp FDI sản xuất.
Điều đáng nói là, giá trị gia tăng các mặt hàng xuất khẩu chủ lực tại Việt Nam rất thấp do doanh nghiệp nội địa chưa tham gia được chuỗi sản xuất toàn cầu, chưa cung cấp được phụ tùng, chi tiết, phụ kiện, nguyên phụ liệu cho doanh nghiệp FDI sản xuất ra sản phẩm hoàn chỉnh.
Các thành phần kinh tế đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Vì vậy, khu vực FDI ngày càng mạnh lên là không có gì đáng ngại. Tuy nhiên, để nền kinh tế phát triển bền vững, khu vực doanh nghiệp trong nước phải phát triển mạnh hơn nữa, trở thành đầu tàu dẫn dắt nền kinh tế quốc dân.
Doanh nghiệp nội địa không tiếp cận được chuỗi sản xuất của doanh nghiệp FDI là do đang sử dụng công nghệ sản xuất lạc hậu?
Nhân loại bước vào công nghiệp 4.0 cùng với tiến trình tự do hóa thương mại,đầu tư toàn cầu, doanh nghiệp không thể cạnh tranh bằng nhân lực giá rẻ; nguồn tài nguyên, khoáng sản dồi dào; hưởng các chính sách ưu đãi của Nhà nước về thuế, phí, mặt bằng sản xuất, tín dụng ưu đãi..., mà phải cạnh tranh bằng công nghệ cao để tăng năng suất lao động, hạ giá thành sản phẩm.
Vì vậy, từ năm 2012, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược Phát triển khoa học - công nghệ giai đoạn 2011 - 2020, với mục tiêu là đến năm 2020, giá trị sản phẩm công nghệ cao và sản phẩm ứng dụng công nghệ cao đóng góp vào GDP 45%, thay vì khoảng 19% của năm 2011. 8 năm thực hiện chiến lược này cho thấy, mục tiêu đặt ra hoàn toàn có thể đạt được.
Tuy nhiên, phần lớn giá trị sản phẩm công nghệ cao và sản phẩm ứng dụng công nghệ cao đều do khối doanh nghiệp FDI tạo ra.
Đối với doanh nghiệp trong nước, trừ một số lĩnh vực có tốc độ đổi mới công nghệ khá nhanh như công nghệ thông tin - viễn thông, dầu khí, hàng không, tài chính - ngân hàng…, phần lớn doanh nghiệp nội địa vẫn đang sử dụng công nghệ lạc hậu 2 - 3 thế hệ so với mức trung bình của thế giới.
Không doanh nghiệp FDI nào tuyên bố hoặc mong muốn nhập linh kiện, phụ tùng, chi tiết, phụ kiện về Việt Nam để sản xuất, nhưng với trình độ công nghệ của doanh nghiệp nội địa như đã nói ở trên, thì doanh nghiệp FDI không nhập cũng không được hoặc phải mua lại sản phẩm của các doanh nghiệp FDI khác đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp phụ trợ tại Việt Nam.
Vì sao doanh nghiệp nội chưa quan tâm tới đầu tư cho khoa học - công nghệ, thưa ông?
Một phần do tuyệt đại đa số doanh nghiệp nội địa chỉ có vốn 9 - 10 tỷ đồng, đầu tư vào nhà xưởng và mua sắm một ít máy móc, thiết bị lạc hậu đã “cụt vốn”, nên làm gì còn tiền để đầu tư vào công nghệ.
Phần nữa là tâm lý kinh doanh của doanh nghiệp vẫn “ăn xổi, ở thì”, chỉ mua máy móc, thiết bị, dây chuyền về sản xuất, chứ không mua công nghệ.
Những năm 1950-1960 tại Nhật Bản, cũng như Việt Nam bây giờ, tuyệt đại đa số doanh nghiệp là nhỏ và vừa. Nhưng doanh nghiệp Nhật Bản không chỉ mua máy móc, dây chuyền, thiết bị tiên tiến ở châu Âu, Hoa Kỳ, mà mua cả công nghệ.
Sau đó, họ tiếp tục cải tiến, hoàn thiện, nâng cấp máy móc, dây chuyền, công nghệ cho phù hợp với thực tế và hiện đại hơn. Điều này đã giúp doanh nghiệp Nhật Bản nâng cao năng suất lao động, hạ giá thành, nâng cao chất lượng, chiếm lĩnh thị trường.
Theo ông, liệu có cách nào yêu cầu doanh nghiệp FDI phải chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp nội địa?
Công nghệ là tài sản của tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp được pháp luật bảo vệ, nên không thể bắt doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân này phải chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân khác.
Tuy nhiên, để doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận công nghệ tiên tiến của nhân loại, Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi) có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2018 đã đưa ra nhiều chính sách khuyến khích chuyển giao công nghệ; đa dạng hóa hình thức, phương thức chuyển giao công nghệ;
Khuyến khích chuyển giao công nghệ tiên tiến, công nghệ cao từ doanh nghiệp FDI sang doanh nghiệp trong nước…
Theo đó, Nhà nước không chỉ khuyến khích chuyển giao máy móc, thiết bị, dây chuyền tiên tiến, hiện đại, thân thiện với môi trường, ít tiêu hao năng lượng, mà còn khuyến khích chuyển giao bí quyết kỹ thuật, bí quyết công nghệ; phương án, quy trình công nghệ; giải pháp, thông số, bản vẽ, sơ đồ kỹ thuật; công thức, phần mềm máy tính, thông tin dữ liệu; giải pháp hợp lý hóa sản xuất, đổi mới công nghệ bằng nhiều hình thức khác nhau.
Bên cạnh hình thức mua bán thông thường, Nhà nước còn khuyến khích doanh nghiệp FDI góp vốn bằng công nghệ, nhượng quyền thương mại, chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ; đào tạo cho doanh nghiệp nội địa (bên nhận công nghệ) nắm vững và làm chủ công nghệ;
Cử chuyên gia tư vấn kỹ thuật cho bên nhận công nghệ đưa công nghệ vào ứng dụng, vận hành để đạt được các chỉ tiêu về chất lượng sản phẩm, tiến độ theo thỏa thuận.