CTCK có thể lâm vào nguy cơ phá sản do nhiều nguyên nhân khác nhau, có thể do thị trường không thuận lợi, do yếu kém về năng lực quản lý, tổ chức kinh doanh không phù hợp với điều kiện thị trường, có thể bị cạnh tranh quyết liệt trên thị trường… Nghị định 114/2008/NĐ-CP hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật Phá sản đối với DN hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực bảo hiểm, chứng khoán và tài chính mới được ban hành quy định, nếu DN chứng khoán có nguy cơ mất khả năng thanh toán, UBCK có quyền yêu cầu DN thực hiện việc bàn giao quyền và nghĩa vụ đối với quỹ, nhà đầu tư uỷ thác, các nhà đầu tư mở tài khoản giao dịch chứng khoán của DN cho các DN khác thay thế. Việc lựa chọn đối tác để bàn giao quyền và nghĩa vụ do DN tự thoả thuận và phải được UBCK chấp thuận. Trường hợp DN không tự thoả thuận và thống nhất được đối tác bàn giao thì việc lựa chọn DN cùng ngành nghề sẽ do UBCK chỉ định.
Ngoài ra, UBCK còn có quyền yêu cầu DN chứng khoán thực hiện niêm phong tạm thời một phần hoặc toàn bộ tài khoản tiền và tài khoản chứng khoán của khách hàng và tài khoản tự doanh của DN để áp dụng các biện pháp khôi phục khả năng thanh toán.
Liên quan đến vấn đề phá sản của CTCK, có 3 câu hỏi đặt ra với cơ quan quản lý. Thứ nhất, việc tách bạch tiền, chứng khoán của khách hàng với tài khoản tự doanh của CTCK được thực hiện ra sao để tránh trường hợp CTCK lạm dụng tài sản của NĐT? Trên thực tế, ở những lĩnh vực khác đã có chủ DN có nhiều thủ đoạn, biết nếu bị phá sản sẽ khó thoát khỏi trách nhiệm trả nợ, nên chủ động nộp đơn đến toà. Trong thời gian toà chưa tuyên bố mở thủ tục phá sản, họ tranh thủ tẩu tán tài sản, mua bán thu tiền, thu hồi nợ cho vay, sửa chữa giấy tờ sổ sách, chứng từ với nhiều hành vi gian lận.
Trả lời câu hỏi này, một quan chức của UBCK cho biết, luật đã quy định CTCK không được dùng tiền, chứng khoán của NĐT, trừ khi có yêu cầu của NĐT. Đã có trường hợp cá nhân, nhân viên môi giới của CTCK cấu kết lạm dụng tài khoản của NĐT, dù đây có thể là việc làm trục lợi của một vài cá nhân, chứ không phải là chủ trương của công ty song khi phát hiện, UBCK đã phạt nặng. Theo yêu cầu, hiện tất cả CTCK phải ban hành quy trình làm việc nội bộ, trong đó quy định chi tiết quy trình môi giới, nộp UBCK làm cơ sở giám sát. Quan chức này cũng cảnh báo, NĐT khi đặt lệnh mua -bán phải có bằng chứng ghi lệnh, nếu ủy quyền phải có văn bản, trường hợp nhờ đặt lệnh tắt (dựa vào quan hệ thân quen, không qua hệ thống chính thức) nếu CTCK phá sản, khi giải quyết hậu quả NĐT hoàn toàn chịu rủi ro.
Thứ hai là TTCK khó khăn như hiện nay, nguy cơ thua lỗ của CTCK có thể thấy tương đối rõ, vậy UBCK có cơ chế giám sát như thế nào để nắm bắt sát sao tình hình và chủ động có phương án phòng ngừa nhằm bảo vệ tối đa quyền lợi NĐT? Theo tìm hiểu của ĐTCK, hàng tháng CTCK phải có báo cáo hoạt động kinh doanh, trong đó có chi tiết các khoản mục như doanh thu môi giới, tự doanh, phí tư vấn, bảo lãnh… Hàng quý nộp báo cáo tài chính cho UBCK, khi cần phải có báo cáo đột xuất… Song điều đáng nói là hiện chưa có một quy chuẩn cho việc tính toán các chỉ tiêu an toàn tài chính, CTCK nào thích thì tự tính, lên đến UBCK các chuyên viên tại đây phải mày mò tự tính lại một cách thủ công. Ở ngưỡng nào CTCK ở tình trạng báo động, ở ngưỡng nào cần sự giám sát đặc biệt, hiện ngay trong nội bộ UBCK cũng chưa có sự đồng thuận về việc cần thiết phải xây dựng quy định về những chỉ tiêu giám sát tài chính an toàn.
Một câu hỏi nữa là trong Luật Chứng khoán có đưa ra quy định, CTCK phải trích lập tiền cho Quỹ bảo vệ NĐT. Tuy nhiên, tính đến thời điểm này, do thiếu văn bản hướng dẫn nên chưa một CTCK nào triển khai hoạt động này. Đại diện UBCK cho hay, họ không soạn thảo quy định liên quan đến nội dung này, mà phải chờ hướng dẫn của Bộ Tài chính.
Trước mắt, UBCK đang tập trung xây dựng quy trình thủ tục phá sản CTCK, trong khi chờ văn bản được ban hành, những tình huống cần thiết Ủy ban cũng sẽ có cơ chế dự phòng. "Qua giám sát, thấy CTCK nào có dấu hiệu hoạt động không an toàn, thiếu khả năng thanh toán, chúng tôi có thể làm công văn đề nghị Bộ Tài chính cho phép áp dụng thủ tục khống chế phá sản. Tuy nhiên, điều UBCK mong mỏi là CTCK tự mở lối cho mình, thay vì phải cưỡng chế phá sản", vị quan chức nhấn mạnh.
Phá sản là một khái niệm dường như rất xấu đối với DN tại Việt Nam, với TTCK đây là điều không mấy dễ chịu khi đề cập, song nhìn sang các TTCK khác, việc phá sản của CTCK diễn ra như một hoạt động kinh tế bình thường. Đơn cử như Đài Loan, trước đây có vài trăm CTCK, nhưng hiện tại chỉ có khoảng 40 công ty, trong đó 5 công ty lớn nắm tới 50% thị phần.