Khủng hoảng Ukraine - Nga khiến giao dịch dầu mỏ chuyển hướng

0:00 / 0:00
0:00
Căng thẳng Nga - Ukraine và sự phân chia địa chính trị từ cuộc xung đột này, đang thúc ép các nước phải tìm ra giải pháp mới cho giao dịch dầu mỏ mà không quá phụ thuộc vào USD.
Kỹ sư dầu khí làm việc tại cảng Umm Qasr, phía Nam thành phố Basra, Iraq. Ảnh: AFP

Kỹ sư dầu khí làm việc tại cảng Umm Qasr, phía Nam thành phố Basra, Iraq. Ảnh: AFP

Ngoại trưởng Qatar Mohammed bin Abdulrahman Al-Thani đưa ra cảnh báo trên tại Diễn đàn đối thoại chính sách Doha vào ngày 26/3, sau khi tờ Wall Street Journal đưa tin Saudi Arabia đang đẩy nhanh các cuộc đàm phán về việc chấp thuận cho Trung Quốc thanh toán giao dịch dầu mỏ bằng đồng nhân dân tệ, thay vì đô la Mỹ.

Ngoại trưởng Al-Thani cho biết ông không mong đợi một hệ thống giao dịch như vậy được áp dụng trong thời gian tới, nhưng vị này lưu ý hậu quả kinh tế của cuộc xung đột Nga - Ukraine đã và đang ảnh hưởng nặng nề đến một số quốc gia.

"Thành thật mà nói, hãy nhìn vào những gì xảy ra và diễn biến xung quanh chúng ta ngay lúc này. Tôi chắc chắn rằng, có rất nhiều quốc gia khác bất bình với những gì đã xảy ra và hậu quả của cuộc khủng hoảng Nga - Ukraine, đặc biệt là hậu quả kinh tế", Ngoại trưởng Qatar nói.

Quan chức Qatar cho hay, các quốc gia sẽ cân nhắc và tìm ra một hệ thống song song để xác định giá dầu với hy vọng mang lại lợi nhuận về mặt kinh tế. "Vì vậy, khi chúng ta đang trong một quá trình chuyển đổi, nó sẽ không chỉ là một quá trình chuyển đổi chính trị mà nó còn là một quá trình chuyển đổi kinh tế", Ngoại trưởng Al-Thani nhấn mạnh.

Mỹ và các đồng minh đã đồng loại áp dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế mạnh tay nhằm vào Nga, bao gồm việc đóng băng dự trữ của Ngân hàng Trung ương Nga và loại Moscow ra khỏi hệ thống thanh toán liên ngân hàng quốc tế gọi tắt là SWIFT. Trên thực tế, các biện phạt trừng phạt này lại cho thấy tác động của con dao hai lưỡi.

Kể từ khi chiến sự Nga - Ukraine nổ ra vào cuối tháng 2, giá than, dầu mỏ và khí đốt đồng loạt tăng mạnh khi các nước tìm cách để thay thế các nguồn năng lượng của Nga. Cá biệt, giá dầu thô thế giới có thời điểm vượt mốc 130 USD/thùng, trước khi hạ nhiệt về quanh mức 112-113 USD/thùng trong ngày giao dịch 25/3.

Theo ông Gal Luft, đồng Giám đốc Viện Phân tích an ninh toàn cầu (IAGS), các biện pháp trừng phạt kinh tế mạnh tay của Mỹ nhằm vào Nga có thể đẩy các quốc gia ra khỏi "cuộc chơi" của đồng đô la Mỹ - đồng tiền thường được sử dụng để giao dịch dầu mỏ thế giới.

Còn Ngoại trưởng Qatar cho biết nước này đang "đẩy mạnh" và tổ chức các cuộc đàm phán với các nước châu Âu về việc tăng cường cung cấp khí đốt. "Chúng tôi đang đẩy mạnh và hỗ trợ một số đối tác châu Âu, những đối tác đang bắt đầu thiếu hụt khí đốt… với số lượng hạn chế mà chúng tôi có", ông Al-Thani nói thêm, đồng thời nhấn mạnh rằng phần lớn các hợp đồng khí đốt của họ là dài hạn và vì vậy không thể đã thay đổi.

Động thái của Qatar diễn ra sau khi các nước châu Âu tìm cách đa dạng hóa nguồn cung năng lượng để giảm phụ thuộc vào nguồn cung của Nga, đặc biệt là khí đốt. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, EU đã nhập khẩu 45% lượng khí đốt từ Nga trong năm 2021.

Để hỗ trợ EU giải bài toán năng lượng hóc búa, Mỹ hôm 25/3 cho biết họ sẽ làm việc với các đối tác, trong đó có Qatar, để cung cấp thêm ít nhất 15 tỷ mét khối khí LNG cho châu Âu trong năm nay và lượng khí này sẽ còn tăng lên trong thời gian tới.

Tuy nhiên, Ngoại trưởng Qatar nói rằng, không một nhà cung cấp năng lượng nào có thể thay thế vai trò của một bên cung cấp khác.

"Tôi nghĩ rằng cách tốt nhất trong thời gian tới là đa dạng hóa nguồn cung cấp", Ngoại trưởng Qatar nói. Ông cũng lưu ý: "Đây sẽ là con đường duy nhất trước mắt. Hiện tại, chúng tôi đang thảo luận với rất nhiều quốc gia châu Âu khác về các hợp đồng dài hạn mới. Và cuộc thảo luận này chỉ mới đang tiến hành".

Tin bài liên quan