Khủng hoảng nợ và Trung Quốc sẽ là tâm điểm trong cuộc họp của các Bộ trưởng tài chính G7

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trung Quốc sẽ là tâm điểm tại cuộc họp tuần này của các Bộ trưởng tài chính Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) khi nhóm này kêu gọi sự hợp tác của Bắc Kinh trong việc giải quyết các vấn đề nợ nần mang tính toàn cầu.
Khủng hoảng nợ và Trung Quốc sẽ là tâm điểm trong cuộc họp của các Bộ trưởng tài chính G7

Nguy cơ vỡ nợ ngày càng cao của Mỹ đang làm thị trường tài chính ngày càng lo lắng hơn sau những vụ đổ vỡ của ngành ngân hàng trong thời gian gần đây. Trong khi Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen sẽ tham gia các cuộc đàm phán của các nhà lãnh đạo tài chính G7, Tổng thống Joe Biden đã báo hiệu khả năng hủy bỏ chuyến đi tới Hiroshima cho hội nghị thượng đỉnh vào tuần tới nếu vấn đề nợ không được giải quyết.

"Đồng USD và trái phiếu kho bạc được coi là tài sản trú ẩn an toàn trong toàn bộ hệ thống tài chính toàn cầu. Tuy nhiên, việc không nâng trần nợ công sẽ làm giảm xếp hạng tín dụng của Mỹ, đây là một mối lo ngại thực sự", bà Yellen nhấn mạnh trong một cảnh báo về thiệt hại do vỡ nợ có thể gây ra cho nền kinh tế và thị trường tài chính Mỹ.

Cuộc khủng hoảng nợ của Mỹ đang làm Nhật Bản, nước chủ trì G7 năm nay, đau đầu vì nước này là chủ nợ lớn nhất thế giới của Mỹ.

Các chủ đề chính khác sẽ được thảo luận tại cuộc họp G7 tuần này bao gồm các cách củng cố hệ thống tài chính toàn cầu, các bước ngăn chặn Nga lách các lệnh trừng phạt của phương tây và các rủi ro kinh tế toàn cầu như lạm phát.

Với tư cách là nước chủ nhà, Nhật Bản đã vạch ra một danh sách dài các chủ đề khác có thể được bàn luận và nhiều vấn đề trong số đó có liên quan đến Trung Quốc.

Trong số đó có kế hoạch nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng để giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc và tăng cường quan hệ đối tác với các quốc gia có thu nhập trung bình và thấp.

Các quốc gia khác đã được mời tham gia hội nghị lần này bao gồm Brazil, Ấn Độ và Indonesia, nhưng không có Trung Quốc, mặc dù vấn đề nợ của các quốc gia mới nổi sẽ là vấn đề quan trọng trong chương trình nghị sự lần này.

Mặt khác, Tokyo vẫn đang kêu gọi Trung Quốc tham gia cuộc họp của các quốc gia chủ nợ lớn trên thế giới mà Nhật Bản khởi xướng để giải quyết các khoản nợ của Sri Lanka. Tuy nhiên, Bắc Kinh đã tham dự vòng đàm phán đầu tiên vào thứ ba (9/5) với tư cách là quan sát viên, không phải là nước tham gia chính thức.

Có nhiều chuyên gia bày tỏ sự không chắc chắn liệu G7 có thể thuyết phục các nền kinh tế mới nổi giúp xây dựng chuỗi cung ứng để giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc hay không. Bởi nhiều nền kinh tế trong số đó đã bị ảnh hưởng bởi các đợt tăng lãi suất mạnh mẽ của Mỹ, làm tăng gánh nặng nợ bằng đồng đô la của họ.

Đối với các thống đốc ngân hàng trung ương thuộc nhóm G7, lạm phát có thể vẫn là vấn đề chính. Nhiều nền kinh tế trong nhóm này đang phải đối mặt với việc giảm tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế và gây bất ổn cho hệ thống ngân hàng do tăng lãi suất mạnh.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vào tháng trước đã cắt giảm triển vọng tăng trưởng toàn cầu năm 2023 và cảnh báo tình trạng hỗn loạn của hệ thống tài chính có thể làm giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Dữ liệu mới nhất cho thấy nhập khẩu của Trung Quốc giảm mạnh và tăng trưởng xuất khẩu chậm lại trong tháng 4, làm tiêu tan hy vọng của các nhà hoạch định chính sách rằng sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế Trung Quốc sẽ bù đắp cho sự suy giảm kinh tế ​​ở các khu vực khác trên thế giới.

Tin bài liên quan