Trong tuần kể từ khi chính phủ công bố đợt cắt giảm thuế lớn nhất kể từ năm 1972, chính sách này đã vấp phải sự chỉ trích trên toàn cầu và đồng bảng Anh đã giảm xuống mức thấp nhất từ trước đến nay so với đồng đô la, chi phí bảo đảm nợ vay của Chính phủ Anh trước nguy cơ vỡ nợ đã tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2016, và Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) buộc phải can thiệp trong bối cảnh lo ngại về quỹ hưu trí của quốc gia.
Điều gì xảy ra tiếp theo sẽ xác định mức độ sâu sắc của suy thoái kinh tế. Trọng tâm của câu hỏi đó là liệu chính quyền của tân Thủ tướng Liz Truss có thể khôi phục uy tín của mình với các nhà đầu tư hay không.
Kế hoạch cắt giảm thuế đã trở thành tiêu điểm không chỉ với những lo ngại ngắn hạn của các nhà đầu tư về việc cắt giảm thuế vào thời điểm lạm phát chạm mức cao nhất trong bốn thập kỷ, mà còn là việc BoE không kiềm chế được tốc độ tăng giá. Điều này đã nhấn mạnh vào nỗi sợ hãi lâu nay của họ về nước Anh, thâm hụt tài khoản vãng lai, mối quan hệ rạn nứt với đối tác thương mại thân cận nhất và trên hết là sự không tin tưởng vào những gì các chính trị gia kế nhiệm hứa hẹn.
Khi thị trường sụt giảm, BoE buộc phải hành động để ngăn chặn sự sụp đổ của thị trường trái phiếu chính phủ và triển khai một biến thể của công cụ chính sách mà tân Thủ tướng Liz Truss đã dành những tháng gần đây để chỉ trích.
Động thái này hứa hẹn sẽ mua lại những trái phiếu chính phủ kỳ hạn dài để khôi phục lại trật tự cho thị trường. Điều đó có thể đem lại một xu hướng tăng với trái phiếu nhưng làm tăng hai rủi ro: rằng BoE sẽ phải tăng lãi suất hơn nữa trong vòng vài tuần và các nhà đầu tư có thể lo sợ về việc liệu BoE có tài trợ cho chính phủ hay không.
Từng đứng ra giải cứu nước Anh vào năm 1976, hiện Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã kêu gọi Chính phủ Anh xem xét lại việc cắt giảm thuế của mình. Các nhà kinh tế nổi tiếng cũng đã cảnh báo nước Anh đang thể hiện những dấu ấn của một thị trường mới nổi.
Trong khi người Anh đang chờ xem liệu động thái cắt giảm thuế có thành công hay không, họ phải đối mặt với sự gia tăng đáng kể của chi phí đi vay - điều có thể gây ra sự sụp đổ của thị trường bất động sản và làm trầm trọng thêm bất kỳ cuộc suy thoái nào - hoặc một đợt cắt giảm chi tiêu công.
“Trong giai đoạn Brexit, chúng ta thấy BoE đã đi sau đường cong lãi suất như thế nào và bây giờ là những chính sách tài khóa này. Tôi nghĩ, Anh sẽ được nhớ đến vì đã theo đuổi các chính sách kinh tế vĩ mô tồi tệ nhất của bất kỳ quốc gia lớn nào trong một thời gian dài”, cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ Lawrence Summers, hiện là giáo sư tại Đại học Harvard cho biết.
Allan Monks, một nhà kinh tế tại JPMorgan cho biết: "Các thị trường không sẵn sàng tin tưởng vào tuyên bố của chính quyền bà Truss rằng nó sẽ mang lại sự bền vững tài khóa trung hạn chỉ dựa trên lời nói. Điều đó phản ánh sự hoài nghi hơn trên các thị trường về cách thức hoạch định chính sách của Anh, và theo quan điểm của chúng tôi, sự hoài nghi đó là hoàn toàn chính đáng”.
Không có gì minh họa tốt hơn cho những đánh giá này bằng đồng bảng Anh. Đồng tiền này đã giảm từ mức cao hơn 2 USD vào năm 2007, ngay trước cuộc khủng hoảng tài chính và xuống còn 1,50 USD vào thời điểm diễn ra cuộc trưng cầu dân ý về Brexit và hiện đang trên đà ngang giá với đồng USD.
“Bởi vì nước Anh đã làm tổn hại đến uy tín vững chắc của mình khi Brexit được quản lý kém và các mối đe dọa dai dẳng về một cuộc chiến thương mại giữa Anh và EU”, Kallum Pickering, nhà kinh tế cao cấp tại Berenberg Bank cho biết.
Trong khi đó, hành động cắt giảm thuế sẽ khiến chính phủ cần đặt ra cách họ sẽ trang trải khoản vay bổ sung cần thiết để tài trợ 45 tỷ bảng Anh cắt giảm thuế và thêm 60 tỷ bảng Anh nữa cho chương trình của mình để bù đắp sự gia tăng gần đây trong hóa đơn năng lượng.
Những biện pháp đó sẽ làm tăng thâm hụt ngân sách của Anh lên 4,5% tổng sản phẩm quốc nội trong trung hạn. Theo Bloomberg Economics, điều đó đủ để đẩy gánh nặng nợ lên mức bùng nổ và đạt 101% GDP vào năm 2030.
Trong khi đó, BoE sẽ phải chịu áp lực ngày càng lớn. Ngân hàng trung ương đã dành phần lớn thời gian trong năm nay để tăng lãi suất đủ nhanh nhằm chống lại sự gia tăng lạm phát mà các nhà chức trách không dự đoán được.
Các nhà giao dịch thị trường tiền tệ hiện đang kỳ vọng vào việc BoE sẽ tăng lãi suất ít nhất 150 điểm cơ bản trong cuộc họp tiếp theo của các nhà hoạch định chính sách vào ngày 3/11. Nếu điều này xảy ra, đó sẽ là một động thái chưa từng có kể từ khi ngân hàng trung ương độc lập với chính phủ vào năm 1997. Mức tăng lãi suất này cũng sẽ khiến lãi suất gần như chắc chắn sẽ đạt 6% trong năm tới.
Một câu chuyện trọng tâm nổi lên từ vị trí kinh tế bấp bênh của Anh là sự căng thẳng rõ ràng giữa một bên là chính phủ nới lỏng chính sách tài khóa, trong khi bên kia, ngân hàng trung ương thắt chặt chính sách tiền tệ để cố gắng kiềm chế lạm phát cao ngất trời.
“Việc mua trái phiếu trở lại dưới danh nghĩa là nhu cầu của thị trường có khả năng hợp lý, tuy nhiên hành động chính sách này cũng làm dấy lên bóng ma về việc tài trợ tiền tệ có thể làm tăng thêm độ nhạy cảm của thị trường và buộc phải thay đổi cách tiếp cận”, Robert Gilhooly, nhà kinh tế cấp cao tại Abrdn cho biết.
Tài trợ tiền tệ đề cập đến việc ngân hàng trung ương tài trợ trực tiếp cho chi tiêu của chính phủ, trong khi sự thống trị của tài khóa xảy ra khi ngân hàng trung ương sử dụng quyền hạn chính sách tiền tệ của mình để hỗ trợ tài sản của chính phủ, giữ lãi suất thấp để giảm chi phí trả nợ chính phủ.