Khủng hoảng Nga - Ukraine là kịch bản xấu nhất đối với thị trường chứng khoán toàn cầu

Khủng hoảng Nga - Ukraine là kịch bản xấu nhất đối với thị trường chứng khoán toàn cầu

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Các chiến lược gia tại Goldman Sachs cảnh báo rằng, nhà đầu tư nên chuẩn bị tinh thần cho đợt bán tháo mạnh các tài sản rủi ro trên toàn cầu nếu tình hình Ukraine - Nga biến thành một cuộc khủng hoảng toàn diện.

Chiến lược gia Dominic Wilson của Goldman Sachs cho biết, chỉ số S&P 500 có nguy cơ giảm 6,2% trong một kịch bản khủng hoảng toàn diện nếu Nga đưa quân vào Ukraine và các siêu cường toàn cầu đáp trả bằng các biện pháp trả đũa như trừng phạt và cấm vận.

Việc bán tháo sẽ nghiêm trọng hơn đối với chỉ số Nasdaq vì chiếm trọng số lớn bởi các cổ phiếu công nghệ và chỉ số Russell 2000. Chiến lược gia Wilson cho rằng, mức giảm tương ứng là 9,6% và 10,2% trong kịch bản xấu nhất.

Trong kịch bản xấu nhất, các thị trường chứng khoán nước ngoài như chỉ số Stoxx 60 của châu Âu có thể giảm tới 9,3%, chỉ số Nikkei 225 giảm tới 8,6% và các thị trường mới nổi MSCI giảm 7,7%, một mức sụt giảm đáng kể.

“Mặc dù tác động nhìn chung có vẻ lớn nhất đối với tài sản địa phương và khu vực, nhưng có vẻ hợp lý khi những rủi ro địa chính trị này cũng đang bắt đầu tác động có ý nghĩa đối với tài sản toàn cầu”, chiến lược gia Dominic Wilson cho biết.

Mặt khác, những tài sản nào sẽ tương đối tốt hơn trong một kịch bản khủng hoảng toàn diện là vàng có thể tăng tới 5,4% và giá dầu cao hơn 13,4%.

Các thị trường trên toàn cầu tiếp tục căng thẳng khi giới đầu tư chờ đợi xem liệu Nga có đưa quân vào Ukraine hay không. Nhiều nhà đầu tư đã bắt đầu chuẩn bị cho một cuộc xâm lược tiềm năng bằng cách cơ cấu danh mục vào các tài sản trú ẩn an toàn.

Giá vàng đã tăng 12 trong số 15 phiên vừa qua. Giá cổ phiếu Coca-Cola đã chứng kiến tăng vọt lên mức cao kỷ lục trong tháng này.

Trong khi đó, giá dầu đã tăng khoảng 9% trong tháng 2 lên gần 100 USD/thùng do lo ngại sản lượng dầu của Nga bị ảnh hưởng vì Nga là nước sản xuất dầu lớn thứ ba thế giới.

“Tôi cho rằng, điều quan trọng nhất về tình hình Nga - Ukraine không phải là quá nhiều biến động mà nó gây ra trong thời gian ngắn hạn, mà là tác động. Trước đây, chúng ta biết rằng giá dầu tăng cao, đặc biệt là trong một môi trường tăng trưởng suy yếu, chỉ riêng yếu tố đó đã gây ra suy thoái. Thêm vào đó là cuộc khủng hoảng năng lượng đang xảy ra trên toàn cầu, và thực tế là chúng ta đang tiến tới việc Fed thắt chặt chính sách tiền tệ, nên tôi nghĩ nó có thể sẽ làm gia tăng lo ngại về suy thoái nếu thực sự chúng ta chứng kiến ​​một loạt sự kiện quân sự kéo dài”, Liz Ann Sonders, chiến lược gia đầu tư của Charles Schwab cho biết trên Yahoo Finance Live.

Tin bài liên quan