Katrien Vandenheuvel đứng trước cửa hàng của mình.

Katrien Vandenheuvel đứng trước cửa hàng của mình.

Khủng hoảng năng lượng bóp nghẹt doanh nghiệp nhỏ và vừa tại châu Âu

0:00 / 0:00
0:00
Các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại châu Âu đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm đối phó với giá năng lượng tăng vọt, tuy nhiên, những cố gắng này là không đủ.

Katrien Vandenheuvel gần đây quyết định đóng cửa cửa hàng tiện lợi của gia đình mình tại vùng Antwerp, Bỉ sau khi nhận ra cô cần phải bán thêm khoảng 3.000 ổ bánh mì mỗi tháng mới đủ chi phí trang trải cho hoá đơn khí đốt gia tăng. Chưa kể, cửa hàng vốn đã phải trả thêm tiền cho các loại nguyên liệu bao gồm bột và phô mai so với các chuỗi cửa hàng khác. Trong khi đó, nếu tăng giá bán, khách hàng sẽ không còn tới cửa hàng.

“Chúng tôi không muốn nợ nần ngày càng nhiều. Không riêng tôi mà nhiều cửa hàng khác trong vùng, cũng như các nhà cung cấp nguyên liệu đều chứng kiến doanh thu sụt giảm bởi khách hàng không chấp nhận việc giá sản phẩm tăng và tôi nghĩ mọi chuyện sẽ chỉ trở nên tồi tệ hơn”, Katrien Vandenheuvel – doanh nhân 41 tuổi cho biết.

Rất nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa tại châu Âu đang thiếu nguồn lực ổn định để đảm bảo trang trải các chi phí năng lượng gia tăng, nhất là khi Nga đã tuyên bố đóng cửa đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 1 vô thời hạn. Trước đó, các công ty lớn như những doanh nghiệp sản xuất thép, hoá chất, phân bón và các mặt hàng nhạy cảm với giá năng lượng khác đều trải qua việc buộc phải đóng cửa, hoạt động dưới công suất khi chi phí cho năng lượng tăng chóng mặt.

Hauke Burkhardt, người đứng đầu bộ phận cho vay doanh nghiệp tại Deutsche Bank AG cho biết, giá cả leo dốc bóp nghẹt hoạt động của các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại châu Âu. Tình hình với nhóm này khó khăn hơn rất nhiều so với các công ty đa quốc gia, bởi các công ty lớn hơn thường có các hợp đồng mua năng lượng dài hạn, có vị thế tốt hơn trong việc trả giá mua khí đốt. Chưa kể, các doanh nghiệp lớn thường có các nghiệp vụ phòng hộ rủi ro giá năng lượng biến động mạnh và đầu tư nhiều hơn vào công nghệ, tiết giảm mức năng lượng sử dụng.

Trong khi đó, các doanh nghiệp với quy mô ít hơn 250 nhân viên chiếm khoảng 99% số lượng doanh nghiệp tại Liên minh châu Âu và đóng góp khoảng hơn một nửa GDP của khối, theo số liệu của Uỷ ban Châu Âu (EC). Nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng đang tạo việc làm cho khoảng 100 triệu người.

Allianz SE, doanh nghiệp bảo hiểm – dịch vụ tư vấn của Đức dự báo, chi phí năng lượng gia tăng có thể khiến lợi nhuận trước thuế và các chi phí của nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa tại châu Âu giảm khoảng 150 tỷ USD trong năm 2022. Trong đó, nhóm chịu thiệt hại nặng nhất là các doanh nghiệp tiêu thụ nhiều năng lượng bao gồm nhà sản xuất kim loại, giấy, hoá chất, thực phẩm và đồ uống, dệt may…

Mário Jorge Machado, 60 tuổi, chủ một doanh nghiệp ngành dệt may với 320 nhân công tại phía Bắc Bồ Đào Nha cho biết, chi phí khí đốt tự nhiện tăng hơn 10 lần so với cách đây một năm. Trong khi đó, công ty của ông cần khí đốt để có thể tiến hành nhuộm và thực hiện các công đoạn sấy.

“Cứ bán ra một mét vải là chúng tôi lại lỗ thêm một chút”, Mário Jorge Machado chia sẻ và cho biết, ông mong muốn chính quyền sẽ có sự hỗ trợ bằng cách giảm một số loại thuế phí với ngành dệt may. Tuy nhiên, ngay cả như vậy cũng không đủ bù đắp cho chi phí năng lượng bỏ ra để hoạt động.

Tin bài liên quan