Hình ảnh môi giới bất động sản đứng đường vẫy khách như thế này đã trở nên hiếm hoi sau giãn cách. Ảnh: Lê Toàn

Hình ảnh môi giới bất động sản đứng đường vẫy khách như thế này đã trở nên hiếm hoi sau giãn cách. Ảnh: Lê Toàn

"Khủng hoảng" môi giới bất động sản

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Dù đã mở cửa hoạt động trở lại, nhưng kế hoạch tăng tốc trong quý cuối năm của nhiều doanh nghiệp bất động sản đang gặp khó do thiếu hụt nguồn nhân lực, đặc biệt là lực lượng môi giới.

Môi giới kéo nhau về quê tránh dịch

Trong dòng người lao động ùn ùn hồi hương từ phía Nam, chúng tôi gặp nhiều người trước đó làm nhân viên môi giới bất động sản. Trao đổi nhanh khi đợi làm thủ tục để qua các chốt kiểm soát, họ đều chia sẻ rằng, buộc phải về quê vì công việc và thu nhập bị đứt quãng.

Chị Bùi Thu, một nhân viên môi giới địa ốc tại TP. Thủ Đức (TP.HCM) cho biết, công ty của chị có khoảng 20 người. Trước đây, ngoài làm đại lý cho các dự án căn hộ tại TP.HCM, công ty còn đứng ra nhận phân phối các dự án đất nền tại nhiều khu vực khác như Đồng Nai, Bình Dương...

Trước dịch, do có nguồn hàng phong phú và sức mua của thị trường tốt nên công ty kinh doanh thuận lợi, đảm bảo thu nhập cho người lao động. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, công ty lâm vào cảnh khó khăn, nhiều tháng liền không có sản phẩm để bán do chịu ảnh hưởng dịch, vì không có doanh thu nên lãnh đạo công ty buộc phải để cho nhân viên tạm nghỉ một thời gian.

“Một số người chọn cách về quê để vừa giảm tải chi phí khi không có việc làm ở thành phố, vừa được về thăm gia đình. Số khác thì vẫn bám trụ, nhưng phải kiêm thêm một số công việc tay trái như bán hàng online để có thu nhập”, chị Thu nói.

Một trường hợp khác, anh Phạm Tuấn, quê ở Bình Thuận cho hay, việc cắt giảm lương không phải là nguyên nhân chính khiến môi giới nghỉ việc, bởi trước nay mức lương cơ bản của môi giới không cao, thậm chí nhiều nơi còn không trả lương, thu nhập chủ yếu của nhân viên môi giới là tiền hoa hồng bán sản phẩm.

Tuy nhiên, kể từ dịch Covid-19 tái bùng phát, sản phẩm trở nên vô cùng khan hiếm, người mua cũng không còn thoải mái xuống tiền như trước, dẫn tới giao dịch giảm mạnh. Vì thế, dù công ty không có chính sách cắt giảm nhân sự, nhưng môi giới vẫn xin nghỉ việc vì thu nhập không đủ sống.

“Lần này về quê tôi sẽ ở lại luôn để tìm việc làm, bởi ở khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long hiện cũng có nhiều dự án bất động sản, thu nhập có thể không cao như ở TP.HCM nhưng được gần gia đình”, anh Nguyễn Thái Dương (28 tuổi, quê Bạc Liêu) vừa nói với phóng viên, vừa tất tả xách theo đống đồ cho kịp chuyến xe.

Dòng người lao động trở về quê từ phía Nam vẫn chưa dừng lại. Ảnh: Lê Toàn

Dòng người lao động trở về quê từ phía Nam vẫn chưa dừng lại. Ảnh: Lê Toàn

Thách thức thiếu hụt nguồn nhân lực

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán xung quanh nỗi lo thiếu hụt lực lượng môi giới hiện nay, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp bất động sản cũng như công ty môi giới cho biết, thường thì sau các dịp nghỉ lễ tết, tình trạng thiếu hụt lao động vẫn diễn ra, nhưng sẽ nhanh chóng trở lại bình thường. Tuy nhiên, do giãn cách để phòng chống dịch trong thời gian dài, có không ít nhân viên môi giới đã về quê tránh dịch, trong đó nhiều trường hợp lựa chọn ở lại luôn quê nhà tìm việc, cho nên tình trạng thiếu hụt lực lượng lao động trong mùa dịch trở nên nghiêm trọng hơn.

Anh Trần Thắng, giám đốc một sàn giao dịch bất động sản tại tỉnh Bình Dương cho hay, công ty đã hoạt động lại từ đầu tháng 10/2021, nhưng chỉ có khoảng 30% nhân viên đi làm, số còn lại vẫn nghỉ hoặc còn kẹt ở quê, chưa thể trở lại thành phố làm việc. Do đội ngũ môi giới thiếu hụt trầm trọng nên việc kinh doanh của công ty chưa thể bình thường trở lại. Hơn nữa, số lượng nhân viên công ty đã tiêm đủ 2 mũi vắc-xin cũng không nhiều, nên chưa thể gặp gỡ trực tiếp khách hàng để tư vấn.

“Việc phải bảo đảm số lượng người đi làm mà vẫn an toàn, hiệu quả trong giai đoạn dịch bệnh không hề dễ dàng. Chính vì thế, công ty không dám tham gia phân phối thêm dự án mới, mà chờ thêm một vài tuần nữa mới tính tiếp”, anh Thắng nói.

Cũng trong hoàn cảnh tương tự, bà Trần Thùy Linh, Phó giám đốc Công ty Đức Linh Real chuyên phân phối các dự án vùng ven cho biết, ngay từ khi hoạt động trở lại, Công ty đã liên tục đăng tin tuyển dụng nhân sự với nhiều chính sách ưu đãi và mức hoa hồng hấp dẫn, thế nhưng số lượng hồ sơ gửi về rất ít.

“Kế hoạch của chúng tôi từ giờ đến cuối năm là tiếp tục bán các lô đất còn lại tại một dự án ở Lâm Đồng, đồng thời triển khai mở rộng đầu tư ra các tỉnh lân cận như Phan Thiết, Cam Ranh…, nhưng với lực lượng nhân sự mỏng như hiện nay thì kế hoạch khó thành”, bà Linh nói.

Cũng theo bà Linh, hiện tại, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản đang đối mặt với 2 thách thức lớn khi tuyển dụng nhân sự. Thứ nhất là thiếu lao động do nhiều người đã về quê và tại quê nhà, nhiều người có thể đã tìm được công việc mới hoặc sinh kế khác nên không muốn trở lại thành phố; thứ hai là thiếu hụt môi giới có kỹ năng, kinh nghiệm, đặc biệt trong thời điểm kinh doanh cao điểm cuối năm luôn rất cần lực lượng này.

“Dịch bệnh đã khiến nhiều doanh nghiệp địa ốc gặp khó khăn, toàn bộ kế hoạch kinh doanh trước đó đều bị phá vỡ, áp lực tài chính đè nặng. Sau khi TP.HCM và các địa phương lân cận nới lỏng giãn cách, các doanh nghiệp cũng nhanh chóng mở cửa hoạt động trở lại nhưng vẫn rất thận trọng, kết quả thu về chưa được như mong đợi”, bà Linh chia sẻ.

Đồng quan điểm, bà Trần Thị Cẩm Tú, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Dịch vụ bất động sản Eximrs cũng cho rằng, dịch bệnh khiến hầu hết doanh nghiệp kinh doanh bất động sản đều đang rất khó khăn, ngay cả khi TP. HCM đã mở cửa, các doanh nghiệp được phép hoạt động trở lại, nhưng hoạt động kinh doanh vẫn chưa thể bình thường do thiếu hụt nhân sự, đặc biệt khi khi một bộ phận nhân viên môi giới bất động sản vẫn đang rời thành phố trở về quê nhà.

Đưa ra giải pháp hạn chế tác động của sự thiếu hụt nhân sự trong thời điểm hiện tại, ông Cao Hữu Phi, Tổng giám đốc COPiHOME cho rằng, doanh nghiệp cần nghiên cứu sử dụng nhân sự chủ chốt cho các hoạt động lõi, còn các hoạt động khác có thể thuê ngoài để đảm bảo ổn định sản xuất - kinh doanh.

“Về chiến lược kinh doanh trong bối cảnh mới, doanh nghiệp cần thận trọng hơn trong việc phát triển sản phẩm, lựa chọn các sản phẩm bất động sản và mức giá phù hợp với nhu cầu thị trường”, ông Phi nói.

Tin bài liên quan