An ninh lương thực ở Trung Đông đáng báo động do tác động của đại dịch.

An ninh lương thực ở Trung Đông đáng báo động do tác động của đại dịch.

Khủng hoảng Covid-19 tác động nghiêm trọng tới an ninh lương thực Trung Đông

0:00 / 0:00
0:00
Cuộc khủng hoảng do đại dịch Covid-19 đang khiến khu vực Trung Đông thiếu lương thực và nhiều người rơi vào đói nghèo. Tác động này cũng khiến cho tiến độ thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc ở khu vực Trung Đông và Bắc Phi bị ảnh hưởng nặng nề.

Theo một báo cáo mới đây của Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc (FAO) ít nhất 132 triệu người ở Trung Đông và Bắc Phi đang rơi vào cảnh đói triền miên kể từ khi đại dịch bắt đầu, khoảng 14% lương thực bị thất thoát do chuỗi cung ứng bị ngưng trệ và toàn bộ các khu vực đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nước nghiêm trọng.

Đây là những con số đáng báo động đối với khu vực Trung Đông. Báo cáo cho biết các lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất là hệ thống nông nghiệp và sản xuất lương thực quy mô nhỏ.

Ở khu vực Arab, nạn đói đã gia tăng trước đại dịch chủ yếu do biến đổi khí hậu và xung đột. Đại dịch đã làm tăng số người thiếu lương thực.

Nghèo đói triền miên đang là mối đe dọa tới việc thực hiện mục tiêu phát triển bền vững không còn nạn đói vào năm 2030 ở Trung Đông. Bên cạnh đó, thương mại quốc tế giảm, gián đoạn sản xuất lương thực và suy thoái kinh tế tổng thể cũng gây ảnh hưởng lớn và lâu dài đến chuỗi cung ứng lương thực ở khu vực này.

Báo cáo của FAO cho biết một số quốc gia Trung Đông dễ bị mất an ninh lương thực do môi trường khắc nghiệt và nguồn tài nguyên thiên nhiên hạn chế.

Bên cạnh đó, xung đột và bất ổn kinh tế càng khiến người dân ở các quốc gia này dễ bị tổn thương trong đại dịch, nhất là khi khu vực này phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu. Theo số liệu của FAO, hơn 3/4 nhu cầu lương thực trong khu vực Trung Đông dựa vào nguồn nhập khẩu.

Bài học kinh nghiệm từ cuộc khủng hoảng lương thực 2007-2008 cho các quốc gia Trung Đông là cần cải cách chính sách thương mại và thuế để khuyến khích dòng chảy thương mại, cũng như giám sát giá lương thực đồng thời giảm nguy cơ thiếu hụt nguồn cung.

Các nước trong khu vực cần phối hợp chặt chẽ và trao đổi thông tin về các biện pháp khắc phục hạn chế đối với ngành nông nghiệp và ứng phó để bảo vệ chuỗi cung ứng thực phẩm. Các quốc gia trong khu vực cần hợp tác chặt chẽ hơn giữa khu vực công và doanh nghiệp cũng như nên dựa nhiều hơn vào sản xuất lương thực địa phương và giảm phụ thuộc vào nhập khẩu.

Một chiến lược quan trọng khác là tập trung vào việc chuyển đổi các hệ thống thực phẩm nông nghiệp để phát triển bao trùm, bền vững, hiệu quả và linh hoạt. Đầu tư nhiều hơn vào an ninh lương thực và triển khai nhiều hơn vào công nghệ nông nghiệp trong sản xuất và phân phối. Mở rộng các biện pháp bảo trợ xã hội là rất quan trọng hiện nay để đảm bảo đáp ứng các nhu cầu cơ bản của những người dễ bị tổn thương, bao gồm cả những người bị mất việc làm vì đại dịch và để tránh thêm một cuộc khủng hoảng an ninh lương thực.

Tin bài liên quan