Cách tiếp cận không khoan nhượng của Bắc Kinh trong bối cảnh bùng phát virus leo thang tái hiện lại ảnh hưởng của đại dịch trong hơn hai năm sau khi sự xuất hiện của virus ở Vũ Hán đã ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu.
Sự tắc nghẽn vận chuyển tại các cảng của Trung Quốc kết hợp với căng thẳng địa chính do cuộc xung đột Nga - Ukraine có nguy cơ xảy ra một đòn giáng mạnh làm chệch hướng phục hồi, vốn đã bị ảnh hưởng bởi áp lực lạm phát và những trở ngại đối với tăng trưởng.
Ngay cả khi virus được kiềm chế, sự gián đoạn sẽ lan rộng trên toàn cầu và kéo dài trong năm nay khi tình trạng các tàu chở hàng chất thành đống bắt đầu tái diễn trở lại.
Jacques Vandermeiren, Giám đốc điều hành của Cảng Antwerp, cảng bận rộn thứ hai của châu Âu về khối lượng container cho biết: “Chúng tôi dự đoán sẽ có tình trạng lộn xộn hơn năm ngoái. Nó sẽ có tác động tiêu cực và tác động tiêu cực lớn đến cả năm 2022”.
Trung Quốc chiếm khoảng 12% thương mại toàn cầu và các biện pháp hạn chế đã khiến các nhà máy và kho hàng ngừng hoạt động, việc giao hàng bằng xe tải bị chậm lại và làm trầm trọng thêm tình trạng kẹt xe container. Các cảng của Mỹ và châu Âu đã bị quá tải và khiến chúng dễ bị ảnh hưởng bởi các cú sốc bổ sung.
Julie Gerdeman, Giám đốc điều hành của công ty phân tích rủi ro chuỗi cung ứng Everstream Analytics cho biết: “Một khi hoạt động xuất khẩu sản phẩm tiếp tục và một lượng lớn tàu đến các cảng Bờ Tây nước Mỹ, chúng tôi kỳ vọng thời gian chờ đợi sẽ tăng lên đáng kể”.
Trong ngắn hạn, việc tắc nghẽn sẽ đồng nghĩa với những thiệt hại mang tính tốn kém hơn trong thị trường 22.000 tỷ USD của thương mại hàng hóa toàn cầu, vốn đã sụt giảm vào năm 2020 và phục hồi vào năm ngoái. Về lâu dài, sự hỗn loạn như vậy đang vẽ lại các đường viền của nền kinh tế toàn cầu gắn với nhau bằng thương mại xuyên biên giới.
“Điều này đã thúc đẩy nhu cầu bức thiết về các chuỗi cung ứng trở nên mang tính khu vực hơn”, Lorenzo Berho, Giám đốc điều hành của Vesta, một nhà phát triển các tòa nhà công nghiệp và trung tâm phân phối ở Mexico cho biết. Việc chuyển hướng sang các chuỗi cung ứng ngắn hơn đến những nơi như Mexico đang được tiến hành để giảm tiếp xúc với châu Á. "Toàn cầu hóa như chúng ta biết có thể sắp kết thúc”, ông cho biết.
Các công ty đã vượt qua những đợt hỗn loạn nguồn cung khó khăn nhất trong năm qua một phần bằng cách tăng giá và người tiêu dùng phần lớn đã chấp nhận ảnh hưởng. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, nguồn cung từ Trung Quốc đặt ra một thách thức đáng sợ hơn so với những câu hỏi về nhu cầu từ hộ gia đình.
Wang Xin, người đứng đầu Hiệp hội Thương mại Điện tử Xuyên biên giới Thâm Quyến, một tổ chức đại diện cho khoảng 3.000 nhà xuất khẩu cho biết, mặc dù việc phong toả ở trung tâm công nghệ Trung Quốc chỉ kéo dài một tuần, nhưng “nhiều người bán đang phải chịu cảnh chậm giao hàng một tháng”.
Theo Công ty giao nhận hàng hóa Flexport Inc. có trụ sở tại San Francisco, hiện tại đang mất trung bình 111 ngày để hàng hóa đến nhà kho ở Mỹ kể từ thời điểm chúng sẵn sàng rời khỏi nhà máy ở châu Á so với mức kỷ lục 113 ngày được thiết lập vào tháng 1 và hơn gấp đôi thời gian vào năm 2019. Hành trình đi về phía Tây đến châu Âu thậm chí còn mất nhiều thời gian hơn với mức gần kỷ lục 118 ngày.
Thời gian vận chuyển hàng hoá từ Trung Quốc đến Mỹ và châu Âu |
Dòng vận tải hàng hóa đã tăng vọt sau khi Thượng Hải bắt đầu phong tỏa toàn thành phố vào cuối tháng trước để kiểm soát Covid-19. Theo dữ liệu vận chuyển của Bloomberg, tổng số tàu container đang cập cảng và ra khỏi khu neo đậu chung của trung tâm với Ninh Ba gần đó là 230 tàu, tăng 35% so với thời điểm này năm ngoái.
Theo nhà cung cấp dữ liệu chuỗi cung ứng project44, các container nhập khẩu đang đợi trung bình 12,1 ngày trước khi chúng được xe tải đến và chuyển đến các điểm đến trong đất liền. Tình trạng thiếu hụt vận tải hàng hóa đã làm tê liệt nỗ lực cung cấp đầu vào chính cho các nhà máy và vận chuyển hàng hóa như ô tô và đồ điện tử lên tàu.
Theo Donny Yang, Giám đốc vận tải đường biển của Dimerco, để giảm bớt tắc nghẽn xung quanh Thượng Hải, các chuyến đi đang được chuyển hướng đến Ninh Ba và Taicang. Đồng thời, chính quyền trung ương đã chỉ đạo rằng các đường cao tốc được giữ thông thoáng và không có chướng ngại vật.
Các nhà sản xuất ô tô cho đến các nhà sản xuất thiết bị điện tử ở trung tâm tài chính của Trung Quốc đã dần dần nối lại hoạt động, vì các nhà chức trách khuyến khích việc sử dụng các hệ thống khép kín, trong đó công nhân sống ngay tại nơi làm việc.
Các nhà kinh tế tại Goldman Sachs cho biết sự thất bại của chuỗi cung ứng “có phần tồi tệ hơn chúng tôi dự đoán, và chúng tôi đã điều chỉnh một chút dự báo tăng trưởng và lạm phát trong những tuần gần đây”.
Tình trạng tắc nghẽn ở châu Âu cũng nghiêm trọng hoặc tồi tệ hơn do chịu ảnh hưởng thêm bởi tình hình chiến sự ở Ukraine. Các cảng chính như Rotterdam, Hamburg, Antwerp và ba cảng ở Anh đang hoạt động ở mức công suất hoặc cao hơn vì họ đang phải cố gắng để nhận thêm container vì không có không gian để chứa chúng.
Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) Christine Lagarde cho biết, sự hội nhập của châu Âu trong chuỗi giá trị toàn cầu thậm chí còn sâu sắc hơn của Mỹ. Bà cho biết, thương mại theo tỷ trọng trong tổng sản phẩm quốc nội của khu vực đồng euro đã tăng lên 54% vào năm 2019 từ mức 31% của hai thập kỷ trước đó, so với mức tăng 3% của Mỹ lên 26%.
Bà cũng trích dẫn một cuộc khảo sát gần đây cho thấy, 46% các công ty Đức có đầu vào đáng kể từ Trung Quốc. Trong số đó, gần một nửa đang có kế hoạch giảm bớt sự phụ thuộc này. Trong khi đó, việc tìm kiếm các nhà cung cấp chi phí thấp nhất phải được tập trung lại xung quanh các liên minh địa chính trị.
“Chúng ta phải làm việc để làm cho thương mại an toàn hơn trong những thời điểm không thể đoán trước được, đồng thời tận dụng sức mạnh khu vực của chúng ta. Ngay cả những ngành không được xem là chiến lược cũng có khả năng lường trước sự phá vỡ trật tự thương mại toàn cầu và tự điều chỉnh sản xuất”, bà cho biết.