Nhận định trên được đưa ra bởi Lãnh đạo cấp cao của UPS, một trong những công ty chuyển phát nhanh lớn nhất thế giới.
Sự biến động mạnh về nhu cầu của người tiêu dùng, sự thiệt hại nghiêm trọng của ngành hàng không và sự gián đoạn của vận tải biển toàn cầu đã gây ra cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất trong nhiều năm đối với các công ty toàn cầu trong việc thiết lập chuỗi cung ứng.
Scott Price, Chủ tịch của UPS International nhận định rằng, các nhà bán lẻ và nhà sản xuất đa quốc gia đang “thúc đẩy mạnh mẽ” việc đa dạng hoá chuỗi cung ứng của họ.
“Rất nhiều công ty đến với chúng tôi và hỏi rằng đâu là nơi tốt nhất để sản xuất và lắp ráp? Người ta hiểu rằng việc dựa vào một chuỗi cung ứng chặt chẽ sẽ gặp rủi ro”, ông cho biết.
Chuỗi cung ứng đang bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực hậu cần và các nhà sản xuất máy tính, đồ nội thất và xe hơi đang phải vật lộn để tìm nguồn cung cấp chính. Mặc dù một số yếu tố đang diễn ra, hầu hết các giám đốc điều hành và chuyên gia đều chỉ ra đại dịch là yếu tố ảnh hưởng chính.
UPS có đội bay hơn 500 máy bay, phục vụ 220 quốc gia và vùng lãnh thổ và vị thế là một trong những công ty hậu cần lớn nhất thế giới mang lại cho UPS một lợi thế hiếm có. Trong những thập kỷ gần đây, khi đội ngũ các công ty đa quốc gia ngày càng phát triển, UPS đã giành được vị thế ngày càng lớn trong lĩnh vực vận chuyển.
Scott Price cho biết, thiệt hại gây ra cho ngành hàng không cho thấy những lỗ hổng mà các công ty hàng không phải đối mặt khi di chuyển khối lượng lớn hàng hóa.
Theo ước tính của ngành hàng không, phải mất đến năm 2025 để phục hồi hoàn toàn hoạt động di chuyển bằng đường hàng không trên các tuyến đường dài.
“Một trong những lý do đa dạng hoá chuỗi cung ứng đang tăng tốc là các công ty có rất ít lựa chọn trong giai đoạn này”, ông cho biết.
Nhu cầu của người tiêu dùng phải giảm bớt để chấm dứt khủng hoảng chuỗi cung ứng
Mặt khác, một trong những nhà khai thác cảng và bến cảng lớn nhất thế giới đã cảnh báo cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng và vận chuyển toàn cầu chỉ có thể được giải quyết khi nhu cầu của người tiêu dùng chậm lại.
Morten Engelstoft, Giám đốc điều hành của APM Terminals thuộc sở hữu của hãng tàu container Maersk cho biết, một vòng luẩn quẩn đã được tạo ra do nhu cầu tăng cao gây căng thẳng cho các công ty vận chuyển tàu container, nhà cung cấp và các công ty hậu cần khi họ gặp khó khăn trong việc giao hàng.
“Chúng tôi cần tìm ra cách phá vỡ vòng luẩn quẩn này. Chúng tôi cần tăng trưởng nhu cầu của người tiêu dùng thấp hơn để chuỗi cung ứng có thời gian bắt kịp, hoặc phân tán tăng trưởng theo cách khác. Trong thời gian dài, chúng tôi cần khôi phục lại hiệu quả”, ông cho biết.
Mặc dù thừa nhận các cảng cần đầu tư nhiều hơn để cải thiện cơ sở hạ tầng, nhưng ông nhấn mạnh nhu cầu tiêu dùng tăng cao là nguyên nhân gây ra những căng thẳng trong hệ thống chuỗi cung ứng.
Alex Hersham, Giám đốc điều hành công ty nền tảng đặt dịch vụ vận chuyển hàng hóa Zencargo cho biết, nhu cầu có thể chững lại vào tháng 2 năm sau và tạo cơ hội cho ngành vận chuyển bắt kịp các công việc tồn đọng.