Bâng khuâng gió thổi qua rèm
Tôi mua căn nhà trên núi đã lâu nhưng rất ít khi có dịp ghé lại. Ngôi nhà nằm trong một khu đô thị biệt lập cách khá xa trung tâm Hà Nội. Nhìn từ xa, căn nhà nhỏ bé, đơn sơ chẳng có gì nổi bật ngoại trừ một khung cửa sổ với tấm rèm buông hững hờ.
Vì thích những tấm rèm, nên mỗi lần có dịp về đây, tôi lại mở bung cửa sổ cho chúng thỏa sức nô đùa với gió. Lúc nào thấy nó quà đà thì dùng rải ruy băng cột nơ túm lại cho gọn gàng.
Nếu ví cửa sổ ngôi nhà như đôi mắt của người thiếu nữ, thì chiếc rèm chính là hàng mi. Nó lúc nào cũng dài và cong vút nhằm thu hút hết mọi ánh nhìn. Nhờ có đôi mắt đẹp mà gương mặt thiếu nữ thêm phần bí ẩn và duyên dáng. Cũng như có bộ rèm đẹp, thì căn nhà sẽ trở nên lộng lẫy hơn.
Nhớ những ngày trước ở khu tập thể cũ, hầu như nhà nào chỗ tôi cũng có vài ba mảnh rèm. Nhà nghèo dùng rèm để phân chia phòng khách với buồng ngủ lấy chỗ riêng tư. Nhà sang hơn thì treo rèm ngay cửa sổ, vừa tạo ra sự riêng tư của chủ nhân, vừa tôn vẻ đẹp của ngôi nhà.
Rèm có nhiều loại. Nhà nào nghèo thì dùng vải in hoa xanh đỏ, cắt thành miếng to, buộc thêm sợi dây thép hai đầu, cứ thế mà chăng lên làm rèm. Nhà giàu thì dùng vải ren, rèm trúc cầu kỳ theo những thiết kế phương Tây.
Mỗi loại vải làm rèm khác nhau sẽ tạo ra những hiệu ứng khác nhau cho cửa sổ căn nhà. Rèm làm bằng chất liệu đăng ten thì thanh lịch, tao nhã, ánh sáng có thể dễ dàng xuyên qua nên thường dùng ở phòng khách. Rèm làm bằng chất liệu cotton có nhiều họa tiết, hoa văn thì chủ yếu để trang trí. Rèm làm bằng nhung thường nặng nhưng khá sang với những căn nhà cổ.
Hồi đó, không gian sống thoáng đãng nên “hàng mi của căn nhà” trông sơ sài vậy mà duyên lạ. Gió thổi vào nhà là rèm bay nhẹ đẩy đưa. Thỉnh thoảng, rèm còn là chỗ “trú ẩn an toàn” cho mấy thiếu nữ trăng tròn đứng chải tóc hoặc e thẹn nhìn lén xuống đường.
Bây giờ, rèm cửa vẫn là vật chắn sáng cho căn phòng, vẫn là vật che bụi, ngăn cản tiếng ồn…, nhưng nó còn một chức năng khác quan trọng hơn: đó là làm vật trang trí. Khi thiết kế căn nhà, kiểu gì chủ nhân cũng phải chọn rèm “tông xuyệc tông” với màu vách tường hay ghế sofa mới được cho là hiện đại.
Chỉ tội rèm bây giờ có đẹp, có sang nhưng “mắt mi” lúc nào cũng phải khép chặt. Những mô hình kiến trúc dạng hộp gắn liền với điều hòa nhiệt độ ngày một xuất hiện nhiều. Sợ nóng, sợ bụi, sợ ồn nên cánh cửa sổ chẳng bao giờ được đẩy ra. Rèm vì thế mà cũng ít khi được đùa bay trước gió, nên thấy nó rũ buồn…
Nhưng khung cửa mãi xuân
Mùa mưa năm nay, khi tôi trở lại căn nhà trên núi đã thấy trước khung cửa sổ có thêm một tấm “rèm xanh”. Mấy cây thằn lằn đá gieo trồng từ năm ngoái không cần đất nhiều vẫn phát triển rực rỡ. Càng leo cao, nhánh của nó càng tạo ra những ngọn dài tua hua nhô lên giữa trời.
Thỉnh thoảng, có mấy đứa bạn lại chơi vẫn cứ trách yêu tôi rằng, sự đời có biết bao nhiêu loài cây đẹp mà chẳng trồng trước cửa, lại chọn cái cây trông thô cứng, tẻ nhạt, chẳng mấy khi nở hoa.
Vốn là người ngại tranh luận nên tôi thường im lặng. Nhưng khi bị hỏi nhiều, tôi đã nói: “Muốn hoa đền ơn thì mình cũng phải có công chăm sóc. Đây tôi ở xa, chỉ mùa mưa rảnh việc mới trở lại. Mấy cây thằn lằn nó hiểu nhưng không trách, cho nên không cần người chăm bẵm nó vẫn cứ xanh tươi. Còn nếu như trồng tóc tiên, trang leo, hoa giấy… đỏng đảnh nơi đồng không mông quanh này, chắc gì chúng đã hiểu cho lòng mình”.
Cũng như đời người, dòng đời của cũng có cuộc sống, tuổi thọ. Từng mùa Xuân qua đi, ngôi nhà bắt đầu có quá khứ và cũng già theo năm tháng. Những khung cửa, đôi mắt của căn nhà sẽ đầy những vết nhăn, hoen ố của chuyến xe thời gian. Cho dù có cố giấu đi bằng những nếp rèm cửa sang trọng, hiện đại cũng chẳng còn phù hợp. Nhưng khi thiên nhiên có chỗ đứng cùng với căn nhà, thì những khung cửa này của tôi sẽ mãi xuân.
Nhờ có lớp rèm xanh thằn lằn, nên ngay cả khi Hà Nội đổ lửa trong cái nóng 40 độ C vào mùa Hè năm trước, thì không khí trong căn nhà vẫn mát mẻ vô cùng. Người sống giữa bốn bức tường đô thị mà bước xuống đây đều sẽ cảm giác về một không gian thanh khiết vô bờ.
Căn nhà nương mình bên sườn đồi dựa theo địa thế có sẵn của khu đất vững chãi, an lạc, xa xỉ khác thường, mà có khi phải dùng cả đời mơ tưởng để được sống, được bằng.
Cũng nhờ lớp rèm xanh trong mà những đêm ngủ lại căn nhà trên hẻm núi này, tôi thấy lòng mình thêm bình yên và thuần khiết vô cùng. Giữa một không gian như vậy, tôi còn biết làm gì nếu không tận hưởng thiên nhiên.
Nhờ có mấy cây thằn lằn ấy mà sáng nào tôi cũng bị lũ chim sẻ lắm điều đánh thức và lắm đêm cũng bị mất ngủ vì đám côn trùng. Thành phố toàn những ồn ào và khói bụi, chứ làm gì có được những dàn giao hưởng thiên nhiên của côn trùng thế này đâu!
Công việc của tôi là nhân viên kinh doanh, nên tôi cố thuyết phục mọi người mua hàng của mình, nhưng khi mệt mỏi, tôi lại thuyết phục mình tạm rời khỏi phố thị, để trở lại với thiên nhiên. Mỗi lần về với căn nhà trên núi này, tôi lại được thấy cơ thể mình sống động, yêu đời.
Tôi cũng thầm ngưỡng mộ 20 “kẻ điên” khác đã dũng cảm từ bỏ nhiều thứ nơi phố thị để đến đây nép mình vào hẻm núi. Rời xa đô thị, trút bỏ sự ồn ào, náo nhiệt là ý niệm được nhắc tới thường xuyên khi ai đó muốn nói đến sự khủng hoàng, mệt mỏi mà con người hiện đại đang phải gánh chịu.
Kỳ nghỉ vài ngày thì vui, sự yên bình thì dễ chịu, còn đánh đổi tất cả để trở về hòa bình với thiên nhiên thì cần biết bao nhiêu can đảm mới làm được.
Nhưng thói thường đám đông, cũng có khi nhìn cuộc sống người khác bằng tọa độ của mình. Nhìn cảnh tượng này lại ngỡ chúng tôi đang chịu đựng, kham khổ, tạm bợ, nổi trôi cũng nên.
Nghĩ vẩn nghĩ vơ cả chiều mà cơn mưa dùng dằng chẳng chịu tạnh. Bên kia nhà hàng xóm, một khung cửa số khác vừa đóng lại để tránh mưa. Lớp rèm trắng kem không còn được tung bay, nhưng nó trở thành nơi “trú ẩn an toàn” cho cô bé chớm tuổi đôi mươi.
Mỗi lần như thế, tôi lại muốn lấy bút màu ra vẽ lại khung cửa số bên ấy, nơi có ban công đầy hoa và mảnh rèm mỏng manh lắc lư như bỡn đùa với gió nhằm che đậy đi một ánh mắt thi thoảng lại nhìn trộm sang bên này, nếu nàng có dịp.
Nhưng do không phải họa sĩ, nên tôi đành lặng lẽ đem chiếc điện thoại ra chụp hình. Khoảng cách xa, khung hình nhỏ không thể ghi lại hết sắc màu cảm xúc cùng với sự dịu êm của không gian như buổi chiều nay.
Chẳng biết làm thế nào, tôi đành vu vơ hát vài câu: “Em như con chim nhỏ, chạy nép sau chân rèm”. Lời bài hát quyện vào giai điệu của cơn mưa như thể mong em hãy cứ mở toang cửa sổ mà ngắm nhìn tôi cho thật rõ, tự nhiên như cá tìm nước, chim tìm trời và tình nhân tìm tình nhân.
Trước nắng mưa, bão tố từ trời, phút chốc mái nhà bên hẻm núi của tôi như bình yên hơn, rộn ràng hơn.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com