Nghề chọn người
Nếu ngẫm kỹ, kinh doanh có thể là từ từng chưa có trong đầu người phụ nữ này. Ngay việc bà trở thành một trong những người nữ doanh nhân đầu tiên trong lĩnh vực đầu tư khu công nghiệp dường như cũng là được chọn. Bởi, khi bắt đầu nghĩ tới việc này, bà đã có thâm niên 23 năm làm công chức nhà nước – khoảng thời gian thách thức cho bất cứ sự thay đổi nào. Song, nhìn chặng đường bà đi qua, thì đúng là không gì là không thể.
Vốn là người Hà Nội, nhà ở phố Phùng Hưng (quận Hoàn Kiếm), mơ ước làm cô giáo, nhưng lại nhận giấy gọi học ngành xây dựng, rồi về làm tại Công ty Xây dựng dân dụng Hà Nội năm 1978, 2 năm sau, năm 1980, bà bế con theo chồng vào Nam lập nghiệp. Ngay bà Phương cũng tự nhận rằng, nhiều khi nghề chọn mình, chứ không hẳn mình chọn nghề.
Nhưng với những ai đã biết bà thì đều thấy sự quyết liệt của người phụ nữ này. Chẳng cần nói nhiều, chỉ nhìn vào việc bà dứt áo ra khỏi nhà nước, giã từ khái niệm “ổn định” vốn ăn sâu, bén rễ vào những con người của thời “không có nhà nước là chết” để lao vào thương trường, để tự kinh doanh là đủ thấy.
Bà Phương kể, năm 2000, Luật Doanh nghiệp ra đời với vô vàn điều mới lạ. Lần đầu tiên quyền kinh doanh được nhắc tới, lần đầu tiên doanh nghiệp tư nhân được ghi nhận.
“Tôi đã nhìn thấy những khoảng không gian cho những đam mê, quan trọng là những cơ hội được tự quyết định bởi chính cái đầu của mình chứ không phải là của người khác. Tôi nói điều này với ông Dương Văn Thắng - một người bạn đồng nghiệp, là kiến trúc sư Sài Gòn, thì đúng là được lời như cởi tấm lòng, chúng tôi tìm thấy nhiều điểm chung, chúng tôi quyết định trở thành những người bạn đồng hành, cùng chí hướng”, bà Phương nhớ lại. Cũng không hiểu sao, khi đó, người bạn đã nhắc với bà về sự trở về, ra miền Bắc để làm điều gì đó cho quê hương.
Nữ doanh nhân Trương Tú Phương
Khu công nghiệp không bao giờ đóng cổng
Đến nay, cả nước có 321 khu công nghiệp và bà Phương vẫn là một trong 3 doanh nhân nữ có mặt trong lĩnh vực tưởng như chỉ dành cho những người đàn ông. Có lẽ vậy mà Khu công nghiệp Đại An có những điểm khác. Đây là khu công nghiệp đầu tiên người dân được đi chung hệ thống giao thông – hay như cách bà Phương gọi, đó là khu công nghiệp không bao giờ đóng cổng.
Thực ra, trong ngành này, nhiều người cho rằng, đây là một bất lợi, vì việc lẫn làng trong khu công nghiệp thường gây ra những khó khăn trong kiểm soát và quản lý hoạt động của khu. Đó là chưa kể có thể các doanh nghiệp sẽ không an tâm với mô hình làng trong khu công nghiệp – khu công nghiệp trong làng này. Nhưng với nữ doanh nhân Trương Tú Phương, mọi việc lại không quá phức tạp. Bà Phương phân tích, mô hình bà áp dụng cho Khu công nghiệp Đại An là đô thị - dịch vụ - công nghiệp, thay vì thứ tự trong đầu tư thường là công nghiệp - dịch vụ - đô thị. “Nếu lo được chỗ ở cho người lao động, họ an cư thì sẽ lạc nghiệp”, bà Phương nói.
Nhưng điều quan trọng mà bà Phương ít khi nói ra, nhưng những người dân quanh vùng đều đang nhìn thấy, đó là việc thực hiện lời hứa với họ cách đây gần 15 năm. Vào ngày động thổ Khu công nghiệp Đại An, ngày 9/4/2003, bà đã nói sẽ giải quyết hài hòa quyền lợi giữa người nông dân đã giao hàng trăm hécta đất cho cho doanh nghiệp để làm khu công nghiệp và doanh nghiệp, bà đã hứa không để người dân vùng dự án ly nông phải ly hương.
Đây là lý do 58 dự án, vốn của 15 nước và vùng lãnh thổ đang sử dụng 38.000 công nhân và 10.000 người làm dịch vụ phục vụ khu công nghiệp đều không cảm thất bất an về mô hình không đóng cổng của Đại An. Đặc biệt, năm 2012, Khu công nghiệp Đại An còn được Bộ Công an lựa chọn làm mô hình điểm của cả nước để xây dựng “Khu công nghiệp an toàn về an ninh trật tự”.
Đến giờ, đã có 1,5 tỷ USD đăng ký đầu tư vào Khu công nghiệp Đại An, phần lớn là các doanh nghiệp đầu tư công nghệ cao, không gây ô nhiễm, sử dụng lao động có đào tạo. Đây cũng là một sự lựa chọn của bà chủ khu công nghiệp không bao giờ đóng cổng, để tạo nên vòng xoay mới cho cuộc sống người dân vùng dự án...
Cuộc đời là những khúc quanh
Gạn hỏi về những điểm mạnh của doanh nhân Trương Tú Phương, bà lại nhắc lại câu nói, cuộc đời là những khúc quanh và những lần được chọn. Nhưng, ngẫm kỹ, sẽ không thể chỉ là được chọn.
Nhớ lại những năm 2007-2008, khi cả thị trường hừng hực với dòng tiền đổ vào chứng khoán, bất động sản... từ các nhà đầu tư, các doanh nhân, bà Phương vẫn chỉ chọn Đại An. Khi đó Đại An đã 4 năm tuổi, đã có những cơ sở mà giới đầu tư khi đó nói là có thể thổi hàng, có thể đưa bà Phương bước chân vào cuộc chơi đa ngành, hay thành một tên tuổi của thị trường chứng khoán.
Bà kể, nhiều người xui làm này làm kia, nhưng nghĩ mình không có chuyên môn trong lĩnh vực đó nên không theo.
“Các cụ nhà mình có câu “hết nước, mạ trắng chân”, làm kinh doanh cũng vậy, phải biết rõ thế mạnh của mình để chọn và giành cơ hội, còn thị trường thì vô vàn cơ hội”, bà Phương chia sẻ.
Trời chiều, nắng hanh vàng đã ngả bóng, chia tay bà với lời hẹn gặp lại vào tháng 12, ngày Công ty tròn 15 tuổi. Bà Phương bắt tay và cũng yêu cầu xe đưa ngay về KCN. Nhìn theo, tôi không khỏi khâm phục người phụ nữ của công việc, đam mê và thành công.
Trò chuyện với doanh nhân Trương Tú Phương
Là nữ, chọn nghề xây dựng để khởi nghiệp kinh doanh, bà nghĩ thế nào?
Với tôi, cuộc đời là những bước ngoặt, khúc quanh lạ lắm. Ngay cả việc khởi nghiệp kinh doanh sau 23 năm ổn định với công việc nhà nước cũng vậy.
Nhưng tốt nghiệp Đại học Xây dựng, tìm được một người đồng hành, cùng chí hướng nên khởi nghiệp bằng lĩnh vực xây dựng khu công nghiệp cũng là một sự lựa chọn... có cơ sở.
Tại sao lại là đầu tư khu công nghiệp mà không phải là một hình thức khác, thưa bà?
Tôi nghĩ sức mạnh của đất nước nằm ở khả năng hội nhập thế giới. Khu công nghiệp là một cầu nối hữu hiệu để thu hút các đối tác nước ngoài. Nhờ đó chúng ta nhận được sự trao đổi về kỹ thuật hiện đại, nâng cao tư duy, cải thiện đời sống kinh tế - xã hội.
Chúc mừng bà vừa nhận Cúp Thánh Gióng - doanh nhân Việt Nam tiêu biểu năm 2016!
Tôi muốn chia sẻ thật lòng, vinh dự này là công lao của cả một tập thể. Anh em đã bỏ trí tuệ, công sức 15 năm nay cho sự tồn tại và phát triển của Đại An.