Khúc mắc quanh con dấu DN

Khúc mắc quanh con dấu DN

(ĐTCK) Thời gian vừa qua, thị trường ghi nhận nhiều vụ tranh chấp liên quan đến việc chiếm đoạt con dấu của công ty.

>> Tranh chấp con dấu DN, hạn chế cách nào?

Đơn cử, vụ tranh chấp xảy ra tại CTCP Bảo tồn di sản văn hóa Việt, theo đó, khi công ty này tổ chức ĐHCĐ để miễn nhiệm Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc, người bị miễn nhiệm đã không chấp thuận và sau đó khởi kiện đề nghị hủy Nghị quyết do vi phạm về trình tự, thủ tục, tổ chức và ra quyết định tại ĐHCĐ.

Trong quá trình tranh chấp, con dấu đã được vị giám đốc mới quản lý. Vị giám đốc cũ yêu cầu Tòa án buộc tân giám đốc phải trả lại con dấu. Phán quyết của Tòa án chấp nhận yêu cầu hủy Nghị quyết ĐHCĐ, do đó quyết định miễn nhiệm Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc không có hiệu lực và buộc người đang chiếm giữ con dấu phải trả lại.

Gần đây, một tranh chấp tương tự cũng đã xảy ra tại một công ty về cơ khí khi HĐQT có quyết định miễn nhiệm Tổng giám đốc. Không chấp nhận quyết định này, Tổng giám đốc đã chiếm giữ con dấu và triệu tập ĐHCĐ khác để bãi miễn luôn HĐQT. Tranh chấp này đã dẫn đến việc khởi kiện đề nghị hủy Nghị quyết ĐHCĐ. Xét thấy ĐHCĐ này vi phạm các quy định của Luật DN về trình tự thủ tục tổ chức và ra quyết định tại ĐHCĐ, nên HĐXX đã chấp thuận đơn khởi kiện và buộc Tổng giám đốc cũ phải bàn giao con dấu.

Khúc mắc quanh con dấu DN ảnh 1

Điều 36 Luật DN quy định, DN có con dấu riêng, phải được lưu giữ và bảo quản tại trụ sở chính, chế độ sử dụng con dấu thực hiện theo quy định của Chính phủ. Đồng thời cũng quy định, con dấu là tài sản của DN; người đại diện theo pháp luật chịu trách nhiệm quản lý, sử dụng con dấu theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, khi một bên chiếm giữ con dấu thì dù đã có bản án, trong nhiều trường hợp, việc yêu cầu bàn giao con dấu vẫn không thể thực hiện bởi không có chế tài.

Trong khi đó, do không có con dấu, hoạt động của DN bị đình trệ, các công việc đều không thể thực hiện bởi không có con dấu để “cộp” vào văn bản. Theo Nghị định 58/2001/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 31/2009/NĐ-CP, con dấu thể hiện vị trí pháp lý và khẳng định giá trị pháp lý đối với các văn bản, giấy tờ của các cơ quan, tổ chức và các chức danh nhà nước. Do đó, nếu có cá nhân đã chiếm giữ con dấu thì các văn bản của pháp nhân phát hành không được các bên thứ 3 thừa nhận. Thậm chí, những nghị quyết của ĐHCĐ cũng sẽ không được tổ chức, pháp nhân nào thừa nhận nếu con dấu bị nhóm đối lập chiếm giữ.

Trước những bất cập về quản lý và sử dụng con dấu, đã có nhiều ý kiến đề xuất việc bỏ con dấu. Mới đây, trong một tọa đàm về pháp chế DN, đại diện một công ty cho rằng, ở các nước khác, văn bản không cần phải có con dấu mà chỉ cần chữ ký của người có thẩm quyền. Nếu xem xét tính hợp pháp của văn bản thì chỉ cần xem có phải chữ ký thật hay không.

Theo Luật gia Cao Bá Khoát, con dấu chỉ là một dấu hiệu nhận dạng DN để phân biệt DN này với DN khác, nhưng lâu nay người ta vẫn nhẫm lẫn cho nó là một biểu hiện pháp lý của DN. Thực tế, con dấu rất dễ bị làm giả, tính xác thực kém so với các dấu hiệu nhận diện khác như chữ ký, vân tay. Nó chỉ có tính xác thực chứ không có ý nghĩa pháp lý. Do đó, cần sửa đổi Điều 36 Luật DN theo hướng không bắt buộc DN phải có con dấu.

Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty Luật Basico cũng cho rằng, nên bỏ con dấu và chữ ký mới là yếu tố quan trọng trong việc xem xét giá trị pháp lý của văn bản. Tuy nhiên, theo ông Bùi Anh Tuấn, Cục phó Cục Đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), cơ quan chức năng đã có nghiên cứu về tính khả thi của việc bỏ con dấu, nhưng xem xét tổng quan thì chưa thể bỏ con dấu được.

Trong tình hình chưa thể bỏ con dấu ngay được, luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, pháp luật cần bổ sung quy định để khắc phục tình trạng này, giúp DN có thể duy trì hoạt động liên tục.

“Khi một cá nhân chiếm dụng con dấu, các thành viên HĐQT, HĐTV còn lại có thể làm văn bản, ký tên và đề nghị cơ quan có thẩm quyền xác nhận hủy con dấu cũ, cấp lại con dấu mới để văn bản có giá trị pháp lý, có thể áp dụng như đối với các hợp đồng trước khi thành lập công ty, tức là chữ ký được chứng thực”, ông Đức gợi ý.

Tương tự như vậy, một chuyên gia ngành tư pháp cho rằng, cần bổ sung cơ chế để giải quyết tình trạng không thể thi hành đối với các bản án buộc bàn giao con dấu. Theo đó, nếu đương sự không chịu bàn giao thì cơ quan thi hành án sẽ lập biên bản, hủy con dấu cũ và yêu cầu cấp con dấu mới. Cơ chế này cũng đã áp dụng đối với các trường hợp thế chấp sổ đỏ. Nếu bên nhận thế chấp không chịu trả lại sổ đỏ theo bản án, cơ quan thi hành án sẽ lập biên bản, hủy sổ đỏ cũ, để đương sự yêu cầu cơ quan chức năng cấp sổ đỏ mới.