Với quy định hiện nay, việc sử dụng nhiệm vụ chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước cho sửa chữa, mua sắm tài sản công là không phát sinh vướng mắc.Trong ảnh: Cầu Mỹ Thuận 2 - công trình giao thông đường bộ cấp đặc biệt, được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước. Ảnh: Đ.T
Gỡ khúc mắc chi đầu tư hay chi thường xuyên
Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới đây có văn bản gửi Bộ Tài chính giải thích quy định của Luật Đầu công liên quan đến nhiệm vụ nâng cấp, cải tạo, mở rộng, mua sắm, sửa chữa tài sản công. Thời gian gần đây, có nhiều vướng mắc liên quan đến việc xác định sử dụng chi thường xuyên hay chi đầu tư để thực hiện nhiệm vụ này, khiến việc nâng cấp, cải tạo, mở rộng, mua sắm, sửa chữa tài sản công ở một số địa phương bị đình trệ.
Theo văn bản do Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương ký gửi Bộ Tài chính, thì căn cứ quy định của Luật Ngân sách nhà nước (khoản 6, Điều 4), cũng như Thông tư số 342/TT-BTC ngày 30/12/2016 của Bộ Tài chính, chi thường xuyên được xác định là “nhiệm vụ chi”, chứ không phải là chương trình, dự án; và các khoản chi mua sắm, trang thiết bị, sửa chữa là “thuộc nhiệm vụ chi thường xuyên của ngân sách nhà nước”.
Đề cập cụ thể hơn, căn cứ vào các quy định tại Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, có thể sử dụng chi thường xuyên để thực hiện việc mua sắm trang thiết bị, sửa chữa tài sản công. Hiện nay, Luật Ngân sách nhà nước cũng không quy định hành vi cấm đối với nhiệm vụ này từ chi thường xuyên.
Với riêng việc đầu tư sửa chữa, nâng cấp, cải tạo và ứng dụng công nghệ thông tin, thì có điểm khác biệt. Đó là trước thời điểm tháng 7/2021, các bộ, địa phương khi sử dụng chi thường xuyên để đầu tư sửa chữa, nâng cấp, cải tạo và ứng dụng công nghệ thông tin đều không gặp vướng mắc, do Bộ Tài chính đã có 5 thông tư hướng dẫn về việc này. Vướng mắc chỉ bắt đầu nảy sinh khi từ tháng 7/2021 đến nay, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 65/2021/TT-BTC, theo đó, bãi bỏ các thông tư quy định về việc sử dụng chi thường xuyên để đầu tư đã ban hành trước đây, nên các bộ, địa phương không có cơ sở để thực hiện. Thông tư số 65/2021/TT-BTC chỉ quy định cho phép sử dụng vốn thường xuyên để bảo dưỡng, sửa chữa tài sản công.
Thực tế, pháp luật cho phép ngân sách nhà nước (vốn thường xuyên và vốn đầu tư) chi cho sự nghiệp ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin. Trong đó, dự án ứng dụng công nghệ thông tin dùng vốn đầu tư công, các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin dùng vốn thường xuyên.
Vướng mắc không nằm ở Luật Đầu tư công
Khoản 1, Điều 6, Luật Đầu tư công được cho là điểm khởi đầu của những rắc rối, khiến trong những năm gần đây, luôn có những tranh luận về việc sử dụng chi đầu tư hay chi thường xuyên để thực hiện việc mua sắm, sửa chữa, nâng cấp tài sản công.
Tuy nhiên, trong văn bản được gửi tới Bộ Tài chính mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, từ trung tuần tháng 11/2023, đã có Văn bản số 1672/UBTCNS15 nêu rõ rằng, Điều 6, Luật Đầu tư công không quy định nhiệm vụ, khoản chi nào phải dùng vốn đầu tư công, cũng như không quy định phải dùng vốn đầu tư công để chi cho các khoản chi cải tạo, sửa chữa cơ sở vật chất cho các dự án đã đầu tư xây dựng, chi sửa chữa, nâng cấp trang thiết bị, máy móc…
Điều này, trên thực tế, đã được nhấn mạnh tại phiên chất vấn của Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội Khóa XV mới đây. Khi đó, trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội về những vướng mắc liên quan đến chi đầu tư hay chi thường xuyên cho bộ máy, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã nhắc đến các quy định của Điều 6, Luật Đầu tư công và cho rằng, quy định này đã “trói” các dự án chi ngân sách.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, Điều 6, Luật Đầu tư công đã quy tất cả các dự án sửa chữa, nâng cấp, mở rộng tài sản công là dự án đầu tư công, không phân biệt giá trị bao nhiêu. Mà đã là dự án đầu tư công, nếu không có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, thì không được chi.
Tuy nhiên, ngay tại đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, đây là tính chất của khoản chi, chứ không phải là căn cứ vào giá trị của khoản chi. Theo khẳng định của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, qua rà soát, các cơ quan của Quốc hội cho biết, không vướng mắc gì trong Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách cũng không.
Để làm rõ, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho biết, sau khi Luật Đầu tư công và Luật Ngân sách nhà nước có hiệu lực, Bộ Tài chính ban hành nhiều thông tư hướng dẫn. Vấn đề chỉ phát sinh khi Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 65/2021/TT-BTC, có hiệu lực vào tháng 9/2021. Thông tư này không điều chỉnh các vấn đề về sử dụng nguồn chi thường xuyên cho các nội dung chi đầu tư, xây dựng, cải tạo, nâng cấp tài sản, nhưng lại bãi bỏ các thông tư liên quan quy định về nội dung này trước đó. Chính vì thế, từ đó đến nay, các địa phương, các bộ, ngành đều vướng mắc, không có cơ sở pháp lý để lập dự toán, thanh toán và thực hiện các khoản liên quan chi từ nguồn thường xuyên cho hạng mục có tính chất đầu tư.
Phát biểu tại nghị trường, ông Lê Quang Mạnh không đồng tình với ý kiến của Bộ trưởng Bộ Tài chính khi cho rằng nguyên nhân dẫn đến vướng mắc là khoản 1, Điều 6, Luật Đầu tư công. Theo ông Mạnh, điều luật này dựa vào tính chất để phân loại 2 dự án đầu tư công, chứ không định nghĩa dự án đầu tư công là gì.
“Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng khẳng định trong các cuộc họp là không có quy định cấm sử dụng khoản chi thường xuyên cho các hạng mục có tính chất đầu tư”, ông Lê Quang Mạnh nói.
Theo ông Hậu, nếu có các quy định về nội dung chi thường xuyên có tính chất đầu tư, thì mọi việc không còn vấn đề gì phải bàn.
Và bây giờ, một lần nữa, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội khẳng định điều này.
Nếu cần thiết, phải giải thích Luật
Mọi điều đã được làm rõ, vướng mắc không nằm ở Luật Đầu tư công. Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cũng đã đề nghị Bộ Tài chính khẩn trương rà soát Thông tư số 65/2021/TT-BTC và các văn bản dưới luật khác có liên quan để có phương án sửa đổi, bổ sung phù hợp, không để kéo dài các vướng mắc trên thực tế hiện nay về điều hành ngân sách nhà nước đối với chi thường xuyên.
Trong trường hợp Bộ Tài chính vẫn cho rằng vướng mắc là do cách hiểu đối với khoản 1, Điều 6, Luật Đầu tư công, Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ để có văn bản chính thức đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải thích luật đối với nội dung này theo quy trình, trình tự của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Tuy nhiên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho rằng, thực tế có thể phát sinh những nhu cầu cấp bách về đầu tư mới, nâng cấp, cải tạo, nhưng khó khăn trong việc bố trí nguồn vốn đầu tư công do không có trong kế hoạch trung hạn. Bởi thế, vấn đề quan trọng nhất hiện nay là cần phải có quy trình, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt, giao dự toán/giao vốn, thanh toán, quyết toán... cho các hoạt động đầu tư mới, nâng cấp, cải tạo sử dụng chi thường xuyên hằng năm.
Văn bản của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng nêu rõ, để bảo đảm thống nhất trong tổ chức thực hiện, trường hợp Bộ Tài chính vẫn cho rằng vướng mắc là do cách hiểu đối với khoản 1, Điều 6, Luật Đầu tư công và điểm l, khoản 10, Điều 3, Nghị quyết số 973/2020/UBTVQH14 ngày 8/7/2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách giai đoạn 2021-2025, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng thống nhất với Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải thích các quy định nói trên.
“Trong trường hợp Ủy ban Thường vụ Quốc hội có ý kiến giải thích tương tự ý kiến của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội tại Văn bản số 1672/UBTCNS15 ngày 20/11/2023, đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu, sửa đổi các quy định pháp luật về ngân sách cho phù hợp, trong đó nghiên cứu quy trình, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt giao dự toán/giao vốn, thanh toán, quyết toán... cho các hoạt động đầu tư mới, nâng cấp, cải tạo sử dụng chi thường xuyên”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư bày tỏ quan điểm.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cần xây dựng quy trình riêng quy định về trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt giao dự toán, giao vốn, thanh toán, quyết toán... cho các hoạt động đầu tư mới, nâng cấp, cải tạo sử dụng chi thường xuyên riêng hay áp dụng theo trình tự thủ tục đã có của pháp luật liên quan (chỉ rõ quy định để làm căn cứ triển khai).
Cùng với đó, cần làm rõ công tác quản lý danh mục dự án sử dụng vốn chi thường xuyên bằng công cụ cụ thể nào (đầu tư công, quản lý danh mục dự án thông qua kế hoạch đầu tư công trung hạn, hằng năm). Đồng thời, cần có quy định để ứng xử đối với những tình huống phát sinh, như: điều chỉnh dự án (quy mô, tổng mức đầu tư, thời gian thực hiện…), nhất là trường hợp dự án dài hơn 1 năm thì công tác thu xếp vốn, quản lý vốn cũng cần phải làm rõ.