Khu vực tư nhân mạnh mẽ hơn có vai trò trọng yếu thúc đẩy kinh tế của Việt Nam

Khu vực tư nhân mạnh mẽ hơn có vai trò trọng yếu thúc đẩy kinh tế của Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Việc đẩy nhanh tốc độ cải cách, nâng cao trình độ và kỹ năng của lực lượng lao động, và cải thiện cơ sở hạ tầng sẽ giúp củng cố khu vực tư nhân để nền kinh tế sớm phục hồi từ đại dịch.

Quan điểm trên được đưa ra tại Báo cáo Nghiên cứu Đánh giá Khu vực Kinh tế Tư nhân Việt Nam (CPSD), do Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) và Ngân hàng Thế giới (WB) thực hiện.

Theo báo cáo, khu vực kinh tế tư nhân đóng vai trò tiên phong trong sự phát triển vượt bậc của Việt Nam trong thời gian qua và tiềm năng của khu vực này cần được tiếp tục khai thác mạnh mẽ hơn nhằm thúc đẩy tăng trưởng năng suất để Việt Nam có thể đạt mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045.

“Khu vực kinh tế tư nhân đã giúp đưa Việt Nam gia nhập hàng ngũ những nền kinh tế có thu nhập trung bình chỉ trong một thế hệ, và khi quốc gia này đang chuẩn bị cho giai đoạn phát triển tiếp theo thì phải đối mặt với đại dịch COVID-19. Với làn sóng COVID-19 hiện nay, Việt Nam càng nhất thiết phải thúc đẩy một khu vực tư nhân năng động, đa dạng, và đổi mới sáng tạo cho giai đoạn phục hồi hậu COVID-19, khi các nguồn lực công trở nên khan hiếm”, bà Kim-See Lim, Giám đốc khu vực Đông Á và Thái Bình Dương của IFC cho biết.

Cũng theo báo cáo CPSD, việc chuyển dịch theo hướng chú trọng đầu tư tư nhân xanh, hiệu quả và hiệu suất cao là vô cùng cần thiết để duy trì sự phát triển kinh tế nhanh và bền vững cho Việt Nam. Để đạt được điều này, cần thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân bằng cách giảm bớt rào cản về gia nhập thị trường và cạnh tranh, cải thiện vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu, đa dạng hóa sang các ngành thâm dụng tri thức, giải quyết thiếu hụt về kỹ năng, và đẩy mạnh số hóa trong nhiều ngành.

Bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho biết, khu vực tư nhân mới nổi và năng động của Việt Nam đã chứng tỏ được khả năng chống chịu trong đại dịch COVID-19, giúp Việt Nam trở thành một trong số ít quốc gia đạt được tăng trưởng dương trong năm 2020.

“Việt Nam cần tiếp tục cải cách cơ cấu và pháp luật mạnh mẽ hơn nữa để tạo nền tảng vững chắc hơn cho cạnh tranh và đổi mới trong nền kinh tế, từ đó thúc đẩy sự phát triển hơn nữa của khu vực tư nhân trong lộ trình chuyển dịch sang một mô trình tăng trưởng kinh tế cac-bon thấp do khu vực kinh tế tư nhân dẫn dắt để đạt mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045", bà Carolyn Turk nói.

Báo cáo khuyến nghị chương trình cải cách cần tập trung vào những lĩnh vực trọng yếu như tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa tất cả các doanh nghiệp, thúc đẩy cơ hội tiếp cận tài chính cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, mở rộng nguồn vốn dài hạn, tăng cường và xanh hoá dịch vụ hạ tầng, và bảo đảm lực lượng lao động có kỹ năng để đạt được mô hình tăng trưởng giá trị cao, đổi mới sáng tạo, và có năng suất cao.

Ông Kyle Kelhofer, Giám đốc Quốc gia IFC phụ trách Việt Nam, Campuchia, và Lào cho biết, để có thể nối dài câu chuyện phát triển thành công của Việt Nam, cần phải tiếp tục đẩy mạnh cải cách để tạo điều kiện cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển và dẫn dắt nền kinh tế dịch chuyển sang lộ trình tăng trưởng dựa trên đổi mới sáng tạo, chất lượng cao và bền vững.

“Đại dịch COVID-19 càng khiến việc giải quyết những thách thức đối với sự phát triển của khu vực tư nhân trở nên cấp thiết hơn nhằm tìm kiếm các giải pháp hợp tác công - tư để huy động nguồn lực của khu vực tư nhân. Điều này đặc biệt quan trọng bởi nguồn lực của chính phủ, vốn hạn chế, đã được ưu tiên cho chăm sóc y tế và hỗ trợ sinh kế trong đại dịch", ông Kyle Kelhofer nhấn mạnh.

Theo Báo cáo, trong khi các ngành điện, kho vận, giáo dục và đào tạo kỹ năng, kinh doanh nông nghiệp, và du lịch là những ngành có tiềm năng mạnh mẽ để khu vực tư nhân tham gia, còn có những hạn chế đáng kể về quy định pháp luật. Nhu cầu về năng lượng bền vững và các dịch vụ kho vận ngày càng gia tăng bởi quá trình công nghiệp hóa mạnh mẽ, sự mở rộng của nhóm dân số có thu nhập trung bình và tốc độ đô thị hóa nhanh chóng.

Đầu tư tư nhân trong những ngành này có thể giúp giảm nhẹ gánh nặng ngân sách nhà nước và góp phần xanh hóa hạ tầng và sản xuất thông qua các khoản đầu tư mới vào năng lượng tái tạo và các giải pháp thông minh về khí hậu.

Báo cáo cho rằng, khi Việt Nam đặt mục tiêu dịch chuyển lên các công đoạn cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu bằng cách phát triển các ngành định hướng xuất khẩu thâm dụng tri thức, dịch vụ, và các ngành có giá trị gia tăng cao hơn, thì nhu cầu về lao động có tay nghề và công nghệ hiện đại sẽ tăng lên, do đó cần có chiến lược tổng thể để giải quyết tình trạng thiếu hụt kỹ năng trong nước.

Hơn nữa, khi kinh doanh nông nghiệp và du lịch tiếp tục là những ngành có đóng góp quan trọng trong tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm, cải thiện về năng suất, chi phí hoạt động, chất lượng và an toàn, và tính bền vững sẽ giúp thúc đẩy những ngành này phát triển hơn nữa.

Báo cáo Đánh giá Khu vực Kinh tế Tư nhân Việt Nam (CPSD)

Mục tiêu của Báo cáo Đánh giá Khu vực Kinh tế Tư nhân Quốc gia của Nhóm Ngân hàng Thế giới là xác định những ngành mà sự tham gia của khu vực tư nhân có thể kiến tạo hoặc mở rộng thị trường và góp phần đáng kể đối với tác động phát triển.

Đánh giá này sử dụng cách tiếp cận cấu trúc để phân tích những ngành cơ bản mà tiềm năng của khu vực tư nhân chưa được hiện thực hóa ở mỗi quốc gia, chọn một số ngành để phân tích sâu hơn và đưa ra kiến nghị về hành động chính sách.

Những phân tích ngành được thực hiện với ý kiến ​​đóng góp quan trọng từ nhiều bộ phận thuộc Nhóm Ngân hàng Thế giới và đối tác bên ngoài, bao gồm các chính phủ, cung cấp thông tin có giá trị về những thách thức và cơ hội để tận dụng tốt hơn khu vực kinh tế tư nhân nhằm đạt được các mục tiêu phát triển.

CPSD phù hợp với cách tiếp cận Tối đa hóa Tài chính cho Phát triển (MFD) của Nhóm Ngân hàng Thế giới, trông đợi vào các giải pháp của khu vực tư nhân để hiện thực hóa các Mục tiêu Phát triển Bền vững đến năm 2030.

Tin bài liên quan