Cần tổ chức nghiên cứu nhận diện đầy đủ các giá trị văn hóa, kiến trúc, lịch sử khu vực hồ Gươm để từ đó có giải pháp phù hợp, tránh tình trạng mỗi phương án, mỗi dự án tiếp cận một kiểu giống như thầy bói xem voi. Ảnh: Như Ý.
Trong thông báo kết luận của tập thể lãnh đạo UBND TP Hà Nội ngày 21/12 vừa qua thống nhất chủ trương giao UBND quận Hoàn Kiếm làm chủ đầu tư tổ chức lập và thực hiện dự án đầu tư xây dựng cải tạo chỉnh trang khu vực xung quanh hồ Gươm.
4 dự án về Hồ Gươm
Theo yêu cầu của thành phố, việc khởi công xây dựng sau Tết âm lịch và phấn đấu hoàn thành trước ngày 30/4/2017. Dự án với 3 hạng mục chính gồm: Cải tạo, nâng cấp hè, đường dạo, thoát nước vườn hoa và duy tu phần kè hồ hỏng xung quanh hồ Gươm; chiếu sáng trang trí xung quanh hồ; cây xanh, cảnh quan xung quanh hồ bằng nguồn vốn ngân sách. Trong đó, hạng mục chiếu sáng trang trí xung quanh hồ do doanh nghiệp tài trợ kinh phí.
Trước đó UBND quận Hoàn Kiếm đã có báo cáo việc tổ chức nghiên cứu, triển khai các dự án cải tạo, chỉnh trang xung quanh hồ Gươm. Theo Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Dương Đức Tuấn, xung quanh hồ Gươm hiện đang nghiên cứu và triển khai 4 dự án gồm: Cải tạo chỉnh trang mặt đứng công trình trên các tuyến phố xung quanh hồ; Cải tạo nâng cấp hè, đường dạo, thoát nước vườn hoa và duy tu phần kè hồ hỏng xung quanh hồ; Chiếu sáng khu vực hồ; Thiết kế cảnh quan xung quanh khu vực hồ.
Cụ thể, đối với dự án cải tạo chỉnh trang mặt đứng công trình trên các tuyến phố xung quanh hồ Gươm, hiện đã triển khai giai đoạn 1 với 25 đơn vị, 54 công trình của 93 hộ dân.
Tuy nhiên, việc triển khai gặp những khó khăn vướng mắc do vừa tổ chức nghiên cứu, thiết kế, vừa tổ chức triển khai thi công trong thời gian quá ngắn. “Ngày 21/11 khởi công nhưng có nhiều ngày và đêm tổ chức đi bộ khu vực hồ Gươm. Việc tập kết vật liệu, thi công vừa khó khăn vừa phải đảm bảo an toàn, vệ sinh cho không gian, người đi bộ”, báo cáo nêu rõ.
Chi hàng chục tỷ đồng, vỉa hè hồ Gươm vẫn như chiếc áo vá với nhiều loại gạch, đá lát. Ảnh: Như Ý.
Về việc chỉnh trang lần này, hàng trăm mét vuông đá đã lát và nhiều hạng mục đã thi công dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long có bị dỡ bỏ hay không, đại diện UBND quận Hoàn Kiếm cho hay: Đối với dự án “Cải tạo nâng cấp chỉnh trang vỉa hè, đường dạo xung quanh hồ Gươm”, đây là dự án vào năm 2010 thực hiện để chào mừng Đại lễ 1.000 năm, chỉ riêng việc thay đá lát vỉa hè bằng đá xanh cỡ lớn có vốn đầu tư lên tới 40 tỷ đồng.
Tuy nhiên sau khi triển khai dự án này đã vấp phải nhiều ý kiến không đồng thuận vì cho rằng việc lát loại đá trên dễ trơn trượt, gây nguy hiểm và việc thực hiện dự án có thể gây lãng phí nên đã phải tạm dừng. Đối với phần lát vỉa hè bằng đá xanh trước đây sẽ không có chuyện bóc lên để làm mới mà vẫn tiếp tục sử dụng.
Đừng quá tay
UBND quận Hoàn Kiếm cho rằng, việc đề xuất phương án thiết kế cảnh quan, cải tạo chỉnh trang xung quanh khu vực hồ Gươm là cần thiết nhằm nâng cấp và hoàn thiện không gian cảnh quan có vị trí quan trọng của Thủ đô và cả nước. Phải cải tạo lại hạ tầng tại đây vì nhiều hạng mục đã bị xuống cấp, thiếu đồng bộ.
Việc cải tạo, chỉnh trang xung quanh hồ Gươm đừng quá tay, tách khỏi nền tảng, giá trị vốn có của nó.
- Ông Phạm Thanh Tùng - Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam
“Đối với việc cải tạo nâng cấp hè, đường dạo, thoát nước vườn hoa và duy tu phần kè hồ hỏng xung quanh hồ, quận đã kiến nghị thành phố thực hiện dự án bằng nguồn vốn ngân sách quận theo cơ chế đặc thù vừa tổ chức thiết kế, vừa tiến hành thi công, hoàn tất thủ tục. Cụ thể trước mắt, cho phép triển khai lát hè xung quanh hồ bằng vật liệu đá chất lượng cao để hoàn thành vào 30/6/2017”, vị cán bộ nói.
Theo ông Phạm Tuấn Long - Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm, đây là khu vực đặc biệt quan trọng, nên việc cải tạo chỉnh trang sẽ thực hiện theo đúng nguyên tắc bảo tồn. Trong quá trình triển khai thiết kế, lên phương án, từ màu sơn của các công trình cũng sẽ xin ý kiến cộng đồng, trực tiếp là các hộ dân sống xung quanh và ý kiến các nhà khoa học.
Trao đổi với báo chí, kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng - Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng, hồ Gươm là di sản cấp quốc gia đặc biệt, với toàn bộ khu vực vườn hoa, đường dạo, cây xanh cảnh quan xung quanh hồ được xác định thuộc vùng bảo vệ di sản, vì vậy các phương án cải tạo, chỉnh trang cần tránh những tác động lớn làm biến đổi hiện trạng đang có.
Theo ông Tùng, việc làm này cần nhìn nhận khoa học và văn hóa. Vì vậy việc cải tạo chỉnh trang khu vực hồ Gươm phải bao gồm các giải pháp tổng thể, đồng bộ về kiến trúc mặt đứng công trình, hạ tầng kỹ thuật, chiếu sáng, vỉa hè, đường dạo…, trong đó phải khôi phục tối đa ngôn ngữ kiến trúc gốc.
“Không chỉ việc lát lại vỉa hè, đường dạo ngay cả việc cải tạo công trình cần nghiên cứu kỹ về màu sơn, hệ thống cửa, ban công, lô gia đảm bảo hài hòa với nét văn hóa đặc trưng. Tóm lại, như nhiều ý kiến đã từng nói việc cải tạo, chỉnh trang xung quanh hồ Gươm đừng quá tay, tách khỏi nền tảng, giá trị vốn có của nó”, ông Tùng phân tích.
Tránh tình trạng thầy bói xem voi
Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Hà Nội nói: “Bản thân tôi đã 3 lần được quận Hoàn Kiếm mời góp ý các phương án cải tạo chỉnh trang quanh hồ Gươm thời gian gần đây.
Tại nhiều buổi làm việc, góp ý còn không ít ý kiến gây tranh cãi, băn khoăn. Ví dụ như đề xuất tái hiện mô hình nhiều di tích quan trọng trưng bày quanh hồ Gươm như Nhà hát lớn trong khi bản thân công trình này đang nằm cách đó không xa; phục dựng các vườn hoa thời thuộc Pháp. Hay như ý kiến chiếu sáng cả dưới lòng hồ cũng cần cân nhắc vì sẽ tác động đến sinh vật, cá và đặc biệt là rùa đang sống dưới hồ.
Tôi đề nghị để dự án thực sự thành công, cần tổ chức nghiên cứu nhận diện đầy đủ các giá trị văn hóa, kiến trúc, lịch sử khu vực hồ Gươm để từ đó có giải pháp phù hợp, tránh tình trạng mỗi phương án, mỗi dự án tiếp cận một kiểu giống như thầy bói xem voi”.