Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long: Xúc tiến thương mại trực tuyến hiệu quả

0:00 / 0:00
0:00

Chia sẻ của bà Nguyễn Duy Linh Thảo, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch Kiên Giang, Chủ nhiệm CLB các trung tâm xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch ĐBSCL.

Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long: Xúc tiến thương mại trực tuyến hiệu quả

Bà Nguyễn Duy Linh Thảo cho biết, năm 2020, các tỉnh trong khu vực đã chủ động chuyển đổi phương thức kết nối giao thương trực tuyến và thương mại điện tử, mang lại hiệu quả thiết thực.

Covid-19 bùng phát và kéo dài gây đứt gãy nhiều hoạt động thương mại. Trong bối cảnh đó, các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã triển khai các hoạt động XTTM như thế nào, thưa bà?

Do ảnh hưởng của Covid -19, từ đầu năm đến nay, hoạt động của các trung tâm XTTM ở khu vực ĐBSCL giảm hơn 50% so với năm 2019; các hoạt động XTTM truyền thống bị ngưng trệ. Tuy nhiên, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch Kiên Giang đã chủ động tận dụng các cơ hội, điều kiện để triển khai liên kết XTTM ở thị trường gần, kịp thời chuyển đổi sang các hình thức XTTM mới phù hợp như kết nối giao thương trực tuyến, thương mại điện tử...

Đồng thời, Trung tâm cũng tích cực hướng dẫn và tổ chức cho các doanh nghiệp trên địa bàn tham gia các hoạt động XTTM do các hiệp hội ngành hàng, trung tâm XTTM của khu vực khác tổ chức; từ đó giúp cộng đồng doanh nghiệp trong khu vực duy trì, phát triển thị trường nội địa và xuất khẩu; hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục và ổn định sản xuất, kinh doanh.

Những tháng cuối năm, các trung tâm XTTM trong khu vực phối hợp tổ chức hàng chục hội trợ triển lãm thương mại cấp vùng, cấp tỉnh, thu hút hơn 1.000 lượt doanh nghiệp tham dự, giá trị hợp đồng và doanh số bán hàng đạt hàng trăm tỷ đồng. Các trung tâm XTTM đã hỗ trợ hàng trăm lượt doanh nghiệp tham gia hội chợ triển lãm tổ chức tại Hà Nội và các tỉnh, thành phố phía Bắc.

Năm 2020, Covid-19 bùng phát khiến nhu cầu tiêu dùng giảm mạnh, thị trường xuất khẩu gặp khó khăn, thiếu hụt nguyên liệu. Hầu hết doanh nghiệp trong khu vực đều bị sụt giảm doanh thu, buộc phải điều chỉnh chiến lược kinh doanh phù hợp với tình hình mới. Do đó, bên cạnh hoạt động XTTM truyền thống, cần tiếp tục đẩy mạnh XTTM điện tử và trực tuyến nhằm tiết kiệm đáng kể chi phí cho các bên liên quan.

Hoạt động XTTM điện tử và kết nối giao thương trực tuyến đã mang lại kết quả bước đầu như thế nào?

Những tháng cuối năm, nhất là chuẩn bị cho dịp Tết Nguyên đán 2021, các tỉnh ĐBSCL đã và đang tích cực tổ chức, tham gia các hội nghị giao thương, hội chợ kết nối cung cầu hàng hóa, trưng bày sản phẩm đặc trưng bằng nhiều hình thức phù hợp thông qua nền tảng số, trên môi trường thương mại điện tử.

Cùng với việc chuyển đổi số nhằm khai thác các ứng dụng công nghệ thông tin, các trung XTTM trong khu vực đã hỗ trợ doanh nghiệp kết nối thông tin với các thương vụ ở nước ngoài, truyền thông quảng bá sản phẩm xuất khẩu, kết nối giao thương trực tuyến giữa các doanh nghiệp Việt Nam với đối tác nước ngoài.

Vừa qua, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch Kiên Giang chính thức khai trương trang thương mại điện tử (kiengiangpromotion.vn). Trang thương mại này gồm các phần mềm ứng dụng trên máy tính và điện thoại di động. Nhiệm vụ trước mắt là ưu tiên triển khai các hoạt động kết nối giao thương trực tuyến giữa doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh với các đối tác có nhu cầu nhập khẩu; tuyên truyền quảng bá doanh nghiệp và sản phẩm dịch vụ, thương hiệu... đến người tiêu dùng trong và ngoài nước. Đây là trang thương mại điện tử được tích hợp các tính năng hiện đại, tự động, tiện ích và đầu tiên của cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh Kiên Giang. Đặc biệt, các doanh nghiệp đăng ký bán hàng trên trang thương mại điện tử này được miễn phí hoàn toàn.

Vào đầu tháng 12/2020, tại Hội nghị Kết nối cung cầu trực tuyến do Bộ Công thương tổ chức tại tỉnh Cà Mau, Chủ nhiệm CLB các trung tâm xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch ĐBSCL (Mekong PC) đã ký thỏa thuận ghi nhớ với Công ty Kinhdo Trade tại CHLB Đức theo hình thức trực tuyến.

Theo đó, các bên sẽ tiến hành các hoạt động hợp tác liên quan đến việc xúc tiến các hoạt động thương mại, nhằm đưa các sản phẩm nông, thủy sản của Vùng ĐBSCL vào thị trường Đức nói riêng và châu Âu nói chung. Nội dung hợp tác này gồm: hợp tác trong lĩnh vực giao thương, mở rộng thị trường; trao đổi thông tin thị trường giữa các bên; thông tin về đối tác; phối hợp xúc tiến thương mại; hỗ trợ tìm kiếm nhà cung cấp, kênh phân phối; tư vấn, hỗ trợ đàm phán...

Cũng tại hội nghị này, hàng trăm doanh nghiệp trong Vùng đã có các cuộc trao đổi, kết nối trực tuyến với các nhà xuất nhập khẩu hàng đầu nước ngoài thông qua các thương vụ ngoại giao của Việt Nam tại châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ... Qua các cuộc kết nối giao thương trực tuyến, các doanh nghiệp trong Vùng hiểu rõ hơn yêu cầu của thị trường nước ngoài đối với từng sản phẩm để quản lý chất lượng, xây dựng nhãn hàng, đóng gói sản phẩm...

Bà có thể cho biết, hoạt động XTTM của khu vực ĐBSCL đã, đang và sẽ tập trung vào những lĩnh vực, sản phẩm thế mạnh nào?

Sản phẩm chủ yếu của ĐBSCL là sản phẩm nông nghiệp, luôn duy trì tốc độ tăng trưởng cao (giai đoạn 2016 - 2018 đạt tăng trưởng trên 3%, cao hơn mức bình quân của cả nước), đóng góp khoảng 34,6% GDP toàn ngành nông nghiệp Việt Nam và khoảng 33,5% GDP chung của ĐBSCL. Trong đó, lúa gạo chiếm 80% sản lượng của cả nước, địa phương đạt sản lượng lúa gạo cao nhất Vùng là Kiên Giang (4 - 4,3 triệu tấn/năm), tiếp theo là An Giang (gần 4 triệu tấn/năm), Đồng Tháp (3,3 triệu tấn/năm). Các tỉnh khác trong Vùng cũng có những đóng góp sản lượng lúa rất lớn cho khu vực và cả nước.

Sản phẩm thủy sản của Vùng gồm cá tra (chiếm 95% sản lượng cá tra của cả nước), tôm (chiếm 60% sản lượng tôm của cả nước). Tỉnh Kiên Giang dẫn đầu toàn Vùng với sản lượng thủy hải sản nuôi trồng đạt trung bình 800.000 tấn/năm, tiếp theo là các tỉnh Đồng Tháp, Cà Mau, An Giang, Bến Tre (sản lượng trung bình khoảng 500.000 tấn/năm). Trong đó, các tỉnh phát triển ngành tôm là Cà Mau, Kiên Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu (sản xuất 100.000 đến gần 200.000 tấn/năm); các tỉnh đạt sản lượng cá tra lớn là An Giang, Đồng Tháp, Tiền Giang (sản lượng trung bình 300.000 - 500.000 tấn/năm).

ĐBSCL còn được mệnh danh là “vương quốc trái cây” của cả nước, với sản lượng và nhiều chủng loại phong phú, chiếm tới 65% cả nước. Trong đó, có nhiều sản phẩm chủ lực xuất khẩu như: thanh long, xoài, chôm chôm, vú sữa, bưởi, sầu riêng, nhãn, chuối, dứa, cam, mãng cầu, quýt… Tiền Giang được quy hoạch diện tích trồng tập trung cây ăn quả lớn nhất (trên 50.000 ha), tiếp đến là Vĩnh Long (30.000 ha), Sóc Trăng (19.000 ha), Bến Tre (18.000 ha), Đồng Tháp (16.000 ha); Kiên Giang quy hoạch 7.000 ha với sản phẩm nổi tiếng là khóm và chuối.

Dưới những tác động tích cực của cuộc cách mạng 4.0, việc đẩy mạnh XTTM điện tử trong kinh doanh của mỗi doanh nghiệp là điều tất yếu. Tuy nhiên, để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp hiệu quả, rất cần có sự hỗ trợ từ Nhà nước, đặc biệt, các trung tâm XTTM cần đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đủ điều kiện đáp ứng tổ chức các sự kiện kết nối giao thương theo hình thức trực tuyến. Đây được coi là giải pháp tối ưu trong hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ kết nối giao thương, mở rộng thị trường xuất khẩu trước tác động của Covid-19 và đặc biệt cũng phù hợp trong giai đoạn Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do như CPTPP, EVFTA...

Kiên Giang tập huấn quản trị doanh nghiệp trong chuyển đổi số

Thực hiện kế hoạch xúc tiến đầu tư thương mại và du lịch của UBND tỉnh Kiên Giang năm 2020, ngày 14/12 vừa qua, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch Kiên Giang phối hợp với Công ty cổ phần Công nghiệp - Nông nghiệp Toàn cầu tổ chức Lớp tập huấn “Thiết kế mẫu mã bao bì sản phẩm; phát triển kinh doanh, quản trị doanh nghiệp trong chuyển đổi số” cho các hợp tác xã và doanh nghiệp vừa và nhỏ trong tỉnh.

Bà Nguyễn Duy Linh Thảo, Giám đốc Trung Tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch Kiên Giang, cho biết, thời gian qua, đơn vị đã nỗ lực trong công tác hỗ trợ doanh nghiệp; tổ chức nhiều lớp tập huấn hỗ trợ các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hợp tác xã cập nhật kiến thức về các hiệp định thương mại, văn hoá ứng xử doanh nghiệp, xây dựng thương hiệu sản phẩm, giải pháp bán hàng trực tuyến và truyền thống… Riêng công tác chuyển đổi số trong doanh nghiệp hứa hẹn mang đến nhiều lợi ích như cắt giảm chi phí vận hành, tiếp cận tối đa các khách hàng tiềm năng trong cùng một khoảng thời gian, giúp lãnh đạo đưa ra quyết định nhanh chóng và chính xác hơn nhờ hệ thống báo cáo được tổng hợp tự động theo thời gian thực, gia tăng tính cạnh tranh trên thị trường.

“Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến rất phức tạp và còn kéo dài, ảnh hưởng lớn đến sản xuất - kinh doanh, nhất là đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp ở Kiên Giang, lớp tập huấn này nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp nắm bắt và hiểu rõ về chuyển đổi số trong doanh nghiệp, làm chủ xu thế mới trong quản trị doanh nghiệp, chuẩn bị sẵn sàng phương án làm việc từ xa để duy trì và phát triển, vượt qua khó khăn do bệnh dịch, khủng hoảng. Đặc biệt, các giải pháp chuyển đổi số sẽ giúp hoạt động quản trị doanh nghiệp phát huy tối đa hiệu quả”, bà Thảo chia sẻ.

Tin bài liên quan