Khu kinh tế Nam Phú Yên: Dự án hạ tầng thi công dang dở vì vướng mặt bằng

0:00 / 0:00
0:00
Hàng trăm tỷ đồng ngân sách được rót vào các dự án hạ tầng tại Khu kinh tế Nam Phú Yên, nhưng vì vướng mặt bằng, nên các dự án này đều trong tình trạng thi công dang dở.
Tuyến đường Phước Tân - Bãi Ngà (đoạn qua Nhà máy lọc dầu Vũng Rô) chưa có đường dẫn vì vướng mặt bằng

Tuyến đường Phước Tân - Bãi Ngà (đoạn qua Nhà máy lọc dầu Vũng Rô) chưa có đường dẫn vì vướng mặt bằng

Xây cầu chỉ để… ngắm

Dự án Tuyến đường Phước Tân - Bãi Ngà (đoạn qua Nhà máy Lọc dầu Vũng Rô) là công trình giao thông cấp III, được đầu tư xây dựng nhằm góp phần hoàn thiện hạ tầng phục vụ các dự án đầu tư tại Khu kinh tế Nam Phú Yên. Dự án do Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh Phú Yên làm chủ đầu tư, kinh phí 489 tỷ đồng (trong đó, ngân sách trung ương đầu tư 350,463 tỷ đồng).

Chỉ có chiều dài 3,835 km, khởi công tháng 11/2015 và dự kiến hoàn thành vào năm 2017, nhưng đến nay, tuyến đường Phước Tân - Bãi Ngà vẫn dang dở. Phần cầu vượt đã xây dựng xong, nhưng 2 đường dẫn vào cầu thì chưa biết bao giờ mới được thực hiện. Các phương tiện từ cảng Vũng Rô về tuyến đường này phải đi bên cạnh cầu dẫn, nhưng đoạn đường này đã xuống cấp, việc di chuyển gặp rất nhiều khó khăn.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Võ Văn Ngôi, Trưởng ban Quản lý đầu tư hạ tầng khu kinh tế (Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh Phú Yên) cho biết, Dự án Tuyến đường Phước Tân - Bãi Ngà đã tổ chức thi công đạt 83% giá trị hợp đồng xây lắp (đạt khoảng 349 tỷ đồng), phần còn lại đang vướng mặt bằng. Do quá trình thực hiện công tác giải phóng mặt bằng kéo dài nhiều năm, các cơ chế, chính sách thay đổi; bên cạnh đó, người dân bị thu hồi đất yêu cầu bồi thường bằng đất, tái định cư, hoặc không thống nhất đơn giá…, nên đến nay, địa phương vẫn chưa thể giải phóng mặt bằng dứt điểm.

Tính đến ngày 11/11/2022, tổng diện tích mặt bằng đã bàn giao liên quan đến Dự án chỉ đạt khoảng 73% diện tích xây dựng (16,5/22,5 ha), ảnh hưởng lớn đến tiến độ hoàn thành.

Nút thắt mặt bằng

Ngoài Dự án Tuyến đường Phước Tân - Bãi Ngà, Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh Phú Yên đang làm chủ đầu tư 6 dự án khác liên quan đến đầu tư hạ tầng Khu kinh tế Nam Phú Yên (4 dự án thuộc địa phận TP. Tuy Hòa, 2 dự án thuộc thị xã Đông Hòa).

Điểm chung của những dự án này là đều chậm tiến độ giải phóng mặt, gây cản trở tiến độ chung của công trình và áp lực giải ngân vốn đầu tư kế hoạch năm 2022.

Trong 4 dự án thuộc địa phận TP. Tuy Hòa (đều được đầu tư từ ngân sách tỉnh Phú Yên, thời gian hoàn thành theo kế hoạch là năm 2022), có 2 dự án đạt tiến độ khả quan, đang gần “về đích” thì đều bị chững lại chỉ vì còn vướng 1 hộ dân chưa nhận tiền bồi thường, chưa bàn giao mặt bằng. Đó là Dự án Đầu tư hạ tầng kỹ thuật Khu đô thị mới Nam TP. Tuy Hòa - giai đoạn 1; Dự án San nền Khu tri thức và đầu tư đoạn đường số 6, đoạn đường Phan Chu Trinh thuộc Khu đô thị mới Nam TP. Tuy Hòa.

Hai dự án còn lại thuộc địa phận TP. Tuy Hòa khối lượng thực hiện đạt rất thấp.

Cụ thể, Dự án Khu công viên trung tâm thuộc Khu đô thị mới Nam TP. Tuy Hòa được phê duyệt năm 2020, đến nay giá trị khối lượng xây lắp mới đạt khoảng 25% giá trị hợp đồng (khoảng 41,3 tỷ đồng); phần còn lại đang vướng mặt bằng nên không thể triển khai thi công.

Dự án Hạ tầng kỹ thuật khu dân cư phía Nam thuộc Khu đô thị mới Nam TP. Tuy Hòa được phê duyệt từ năm 2018, diện tích 47,42 ha, tổng mức đầu tư 594,482 tỷ đồng, nhưng tiến độ đến nay mới dừng ở việc “nhà thầu đã và đang chủ động tập kết vật tư, thiết bị, cấu kiện đúc sẵn… để chuẩn bị triển khai thi công, khối lượng đạt khoảng 21,2% giá trị hợp đồng”.

Tại thị xã Đông Hòa, 2 dự án được đầu tư chủ yếu từ ngân sách Trung ương cũng chậm tiến độ bồi thường giải phóng mặt bằng, tổng khối lượng thực hiện đều đạt dưới 13% tổng vốn đầu tư. Đó là Dự án Tuyến nối Quốc lộ 1A đến khu xử lý rác thải, nước thải và chất thải nguy hại của Khu kinh tế Nam Phú Yên và Dự án Tuyến đường giao thông từ cảng Bãi Gốc (Khu kinh tế Nam Phú Yên) kết nối Quốc lộ 1 đi Khu kinh tế Vân Phong (Khánh Hòa).

Tập trung tháo gỡ vướng mắc

Theo Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh Phú Yên, trong quá trình triển khai 7 dự án nêu trên, dù chủ đầu tư tích cực phối hợp với chính quyền địa phương, nhưng công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng còn quá chậm, quá trình giải quyết các vướng mắc, khó khăn chưa kịp thời, chưa đáp ứng kịp nhu cầu mặt bằng để thi công dự án.

Đồng thời, trong quá trình thi công, thời tiết không thuận (mưa nhiều và kéo dài); giá cả nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu biến động, khó kiểm soát làm ảnh hưởng tiến độ thực hiện các dự án.

Để đẩy nhanh tiến độ các dự án, Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh Phú Yên cho hay, Ban sẽ phối hợp địa phương xây dựng kế hoạch cụ thể đối với từng dự án, tập trung tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn trong khâu giải phóng mặt bằng; đôn đốc, chỉ đạo các đơn vị, nhà thầu để đẩy nhanh tiến độ thi công sau khi địa phương bàn giao mặt bằng.

Trong báo cáo gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư về tình hình hoạt động của Khu kinh tế Nam Phú Yên vào cuối tháng 9/2022, UBND tỉnh Phú Yên thừa nhận, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng còn chậm, chưa đáp ứng kịp nhu cầu mặt bằng cho các dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật khu kinh tế do Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh Phú Yên làm chủ đầu tư, dẫn đến chậm tiến độ các dự án, như tuyến đường Phước Tân - Bãi Ngà (đoạn qua Nhà máy lọc dầu Vũng Rô), một số kết cấu hạ tầng kỹ thuật khu đô thị Nam TP. Tuy Hòa.

Theo UBND tỉnh Phú Yên, để tháo gỡ nút thắt về mặt bằng, UBND tỉnh Phú Yên sẽ tiếp tục đôn đốc nhà thầu đẩy tiến độ thi công các dự án; tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan, UBND TP. Tuy Hòa, UBND thị xã Đông Hòa kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nhất là công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư công theo kế hoạch được duyệt.

Đồng thời, tỉnh Phú Yên sẽ tập trung quyết toán các dự án dự kiến hoàn thành, tiếp tục triển khai thi công hoàn thành các dự án chuyển tiếp từ giai đoạn 2016 - 2020 sang giai đoạn 2021 - 2025 (trong đó, tổng nhu cầu kế hoạch đầu tư công năm 2023 dự kiến là 770,828 tỷ đồng).

Tin bài liên quan