Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô nhìn từ phía phía cảng nước sâu Ảnh: Nguyễn Phong

Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô nhìn từ phía phía cảng nước sâu Ảnh: Nguyễn Phong

Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô: Hành trang đi tìm bản sắc khác biệt

0:00 / 0:00
0:00
Thừa Thiên Huế đã quy hoạch một trung tâm logistics hạng I, diện tích khoảng 20 ha tại Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô. Với nhiều tiềm năng, logistics được xem như là chìa khóa để ngành công nghiệp Thừa Thiên Huế bứt phá mạnh mẽ trong tương lai gần.

Tại sao Chân Mây - Lăng Cô hấp dẫn?

Khu Kinh tế (KKT) Chân Mây - Lăng Cô được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định thành lập vào năm 2006, diện tích trên 27.000 ha, nằm trên địa bàn huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Nơi đây được quy hoạch là đô thị cảng, đầu mối giao thông đường biển quan trọng, cung cấp các dịch vụ cảng nước sâu và điều phối hàng hóa trong Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung.

Lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, theo Quy hoạch Phát triển hệ thống trung tâm logistics trên địa bàn cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 tại Quyết định số 1012/QĐ-TTg, ngày 3/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ, thì tại khu vực Hành lang kinh tế đường 9 sẽ quy hoạch xây dựng 1 trung tâm logistics hạng II có quy mô tối thiểu 10 ha đến năm 2020 và trên 20 ha đến năm 2030; phạm vi hoạt động chủ yếu gồm các tỉnh Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị, Quảng Bình và phía Bắc Đà Nẵng; kết nối với các cảng cạn, cảng biển (Hòn La, Chân Mây), cảng hàng không, nhà ga, bến xe, các khu công nghiệp, các cửa khẩu (thuộc các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Quảng Bình).

“Hiện nay, Thừa Thiên Huế đã đăng ký với Bộ Công thương thực hiện quy hoạch 1 trung tâm logistics hạng I, diện tích khoảng 20 ha tại KKT Chân Mây - Lăng Cô; đồng thời đã làm việc với Vụ thị trường trong nước (Bộ Công thương) để được hướng dẫn đề cương, nhiệm vụ lập đề án quy hoạch chi tiết”, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh này thông tin.

Theo Quy hoạch tổng thể Phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Quyết định số 1579/QĐ-TTg ngày 22/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ, cảng biển Thừa Thiên Huế được xác định là cảng biển tổng hợp quốc gia, cảng đầu mối khu vực (loại I); trong đó khu bến Chân Mây (nằm trên địa bàn Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô) gồm các bến tổng hợp, container, hàng rời, hàng lỏng/khí, kết hợp tiếp nhận tàu khách quốc tế phục vụ trực tiếp Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô và khu vực lân cận, kết hợp tiếp chuyển hàng cho Lào, Đông Bắc Thái Lan; có khả năng tiếp nhận tàu hàng trọng tải đến 70.000 tấn, tàu container sức chở đến 4.000 TEU hoặc lớn hơn, tàu khách quốc tế đến 225.000 GT, tàu hàng lỏng/khí trọng tải đến 150.000 tấn hoặc lớn hơn…

Nghị quyết số 10-NQ/TU của Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế đã đề ra nhiệm vụ: Tiếp tục rà soát, điều chỉnh quy hoạch đã được phê duyệt; tranh thủ các nguồn vốn để triển khai thực hiện các đồ án quy hoạch phân khu xây dựng, quy hoạch chi tiết trước năm 2022, làm cơ sở để thu hút đầu tư...

Tháng 9/2022, lần đầu tiên, cảng Chân Mây đón tàu container quốc tế cập cảng, chính thức triển khai hoạt động khai thác tàu container, tạo bước mở đầu quan trọng trong việc khai thác chức năng làm hàng container tại khu bến Chân Mây.

Ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng, phát triển logistics bài bản, đúng nghĩa sẽ trở thành một ngành dịch vụ, gắn với phát triển sản xuất hàng hóa, xuất nhập khẩu mang lại giá trị kinh tế, đóng góp vào ngân sách nhà nước rất cao. Thừa Thiên Huế cũng được đánh giá là một thị trường tiềm năng, hấp dẫn cho sự phát triển của ngành dịch vụ logistics...,

“Phải tăng tốc, tạo một hướng đi mới cho dịch vụ logistics; hiện đại hơn và nằm trong định hướng phát triển của cả khu vực miền Trung, đảm bảo hàng hóa thông thương, xuất nhập khẩu, kết nối thị trường quốc tế…”, ông Phương nhấn mạnh.

Cơ hội chờ nhà đầu tư lớn

Theo đánh giá từ chuyên gia kinh tế, lợi thế về phát triển du lịch, công nghiệp, nhưng vùng đất phía Nam tỉnh Thừa Thiên Huế vẫn thiếu nhà đầu tư lớn mang vai trò dẫn dắt.

Ban Quản lý Khu kinh tế - công nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, đơn vị đã có thông báo mời các nhà đầu tư quan tâm đề xuất đầu tư dự án đầu tư xây dựng bến số 4, số 5 cảng Chân Mây... với quy mô xây 2 cầu cảng, kho, bãi, hạ tầng kỹ thuật và hệ thống trang, thiết bị,… đảm bảo khả năng tiếp nhận tàu hàng tổng hợp đến 70.000 DWT, tàu container đến 4.000 TEU.

Bên cạnh đó, Thừa Thiên Huế cũng có kế hoạch công khai, đẩy mạnh kêu gọi các nhà đầu tư có đủ năng lực, kinh nghiệm vào đăng ký triển khai dự án. Đồng thời, đã đưa các dự án đầu tư xây dựng khu hậu cảng thuộc cảng Chân Mây, dự án dịch vụ vận tải logistics... trong Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô vào danh mục dự án kêu gọi đầu tư của tỉnh (diện tích 40,1 ha tại lô đất ký hiệu KT-1 và KT-2 với tổng vốn đầu tư dự kiến 1.500 tỷ đồng).

KKT Chân Mây - Lăng Cô còn được xác định là một trong những trung tâm giao thương quốc tế lớn và hiện đại; trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng mang tầm cỡ quốc gia, quốc tế của vùng, đồng thời là đô thị phát triển các ngành công nghiệp sạch và công nghiệp kỹ thuật cao.

TS. Trần Du Lịch (Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia), từng nêu trong Nghị quyết 43 về xây dựng và phát triển Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Bộ Chính trị khẳng định chuỗi đô thị ven biển từ Lăng Cô (Thừa Thiên Huế) đến Nam Hội An (tỉnh Quảng Nam) thành vùng đô thị ven biển. Theo ông, Chân Mây - Lăng Cô có sự gắn kết rất lớn với sân bay quốc tế Đà Nẵng, nên cần quy hoạch phát triển khu vực này để tạo sức bật cho địa phương.

Về lĩnh vực này, theo Ban Quản lý các KKT, công nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế, lĩnh vực du lịch hiện nay ở Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô đã có một số dự án lớn với sức lan tỏa mạnh như Laguna Lăng Cô, khu nghỉ dưỡng quốc tế Minh Viễn - Lăng Cô, khu phức hợp du lịch dịch vụ Đăng Kinh Long.

Từ những lợi thế đó, Thừa Thiên Huế đặt mục tiêu phát triển KKT Chân Mây - Lăng Cô theo hướng bền vững, là trung tâm giao thương, nghỉ dưỡng mang tầm quốc tế của miền Trung, là đô thị phát triển các ngành công nghiệp...

Với mục tiêu trong giai đoạn 2021 - 2025, đưa Thừa Thiên Huế trở thành trung tâm du lịch đặc sắc của cả nước, thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam và thành phố du lịch sạch của ASEAN, thì KKT Chân Mây - Lăng Cô sẽ là hạt nhân tăng trưởng, là điểm đột phá để tỉnh vươn lên trở thành tỉnh phát triển của Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế cho hay.

Để thu hút đầu tư vào KKT Chân Mây - Lăng Cô, Nghị quyết số 10-NQ/TU của Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế đã đề ra nhiệm vụ: Tiếp tục rà soát, điều chỉnh các quy hoạch đã được phê duyệt; tranh thủ các nguồn vốn để triển khai thực hiện các đồ án quy hoạch phân khu xây dựng, quy hoạch chi tiết trước năm 2022, làm cơ sở để thu hút đầu tư...

Cam kết tạo điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế khẳng định địa phương này đang đẩy mạnh các hoạt động đầu tư xây dựng và chính sách ưu đãi, tạo quỹ đất sạch, nên hứa hẹn sẽ thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư có thương hiệu đến với mảnh đất miền Trung giàu tiềm năng này.

Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương cho rằng, các nhà đầu tư chiến lược hoàn toàn an tâm bởi ngoài những cơ chế ưu đãi của Chính phủ, Thừa Thiên Huế cam kết sẽ tạo mọi điều kiện tốt nhất khi họ đến với Huế.

Với mục tiêu và nhiệm vụ phải thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2025, tương lai không xa, Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô sẽ là hạt nhân tăng trưởng, hướng đột phá để tỉnh Thừa Thiên Huế vươn lên trở thành tỉnh phát triển của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, góp phần đưa Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045.

Tin bài liên quan