“Thiên đường xanh” bị băm nát
Ngày 15/2/2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 205/QĐ-TTg công nhận Khu du lịch hồ Tuyền Lâm (TP. Đà Lạt, Lâm Đồng) là khu du lịch cấp quốc gia đầu tiên của cả nước. Nằm cách trung tâm TP. Đà Lạt khoảng 6 km, khu vực này (rộng 2.900 ha) được ví như “thiên đường xanh”, bao quanh hồ nước biếc thanh tịnh là khu rừng thông bạt ngàn, khí hậu mát lành.
“Đất lành chim đậu”, nhiều nhà đầu tư đổ về khảo sát, đầu tư dự án. Điều đáng buồn là cũng từ đây, Khu du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm bắt đầu bị “thương tích” trước vấn nạn công trình xây dựng không phép, trái phép “mọc lên như nấm”. Theo UBND tỉnh Lâm Đồng, tại khu vực này thời gian qua có đến 10 doanh nghiệp có vi phạm về đầu tư, xây dựng.
Tại Kết luận thanh tra 929/KL-TTCP ngày 12/6/2020, Thanh tra Chính phủ khẳng định: “Vi phạm tại đây xảy ra trong thời gian dài, nhưng chưa được giải quyết, xử lý dứt điểm”.
Tại Kết luận thanh tra 929/KL-TTCP ngày 12/6/2020 về công tác quản lý sử dụng đất đai và đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, trong đó có các vi phạm về trật tự xây dựng ở Khu du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm, Thanh tra Chính phủ khẳng định: “Vi phạm tại đây xảy ra trong thời gian dài, nhưng chưa được giải quyết, xử lý dứt điểm”.
Trong các vi phạm, có thể kể đến việc Công ty cổ phần Thiên Nhân (phường Thảo Điền, quận 2, TP.HCM, chủ Dự án Khu nghỉ dưỡng Cereja Hotel & Resort Đà Lạt) đã xây dựng 3 công trình không phép tại khoảnh 3, tiểu khu 266, Khu du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm.
Hay Công ty cổ phần Đầu tư Lý Khương xây dựng hàng loạt công trình không phép tại hồ Tuyền Lâm, gồm 2 hạng mục công trình nhà N1, N2 (2 hạng mục do tận dụng, cải tạo lại từ nhà tạm của các hộ dân đã sinh sống trước đây, sau đó được đền bù giải phóng mặt bằng, thu hồi cho nhà đầu tư thuê thực hiện dự án); 19 căn nhà gỗ, mỗi căn 24 m2, dạng bungalow 11 phòng ngủ.
Tài liệu của phóng viên Báo Đầu tư thể hiện, ngày 25/3/2020, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu Công ty cổ phần Đầu tư Lý Khương khẩn trương giải tỏa các công trình xây dựng không phép nêu trên. Thế nhưng, việc giải tỏa các công trình không phép tại dự án này chỉ ở mức... cưỡi ngựa xem hoa.
“Nổi tiếng” về vi phạm trật tự xây dựng ở khu vực Khu du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm phải kể đến Công ty TNHH Li Mi (địa chỉ tại số 4, Yersin, phường 10, TP. Đà Lạt). Công ty này xây dựng các hạng mục công trình vi phạm, gồm mô hình rồng; sàn chụp ảnh mô hình cây đàn; tháp quạt gió và công trình sửa chữa, cải tạo, cơi nới Nhà đón tiếp Khu du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm thành quán cà phê PINI, xây dựng 16 kios vi phạm khoảng lùi bảo vệ hồ Tuyền Lâm.
Sở Xây dựng Lâm Đồng đã kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo Ban Quản lý Khu du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm khẩn trương làm việc với Công ty TNHH Li Mi để thanh lý hợp đồng và quản lý, sử dụng theo quy định, tháo dỡ các hạng mục công trình vi phạm không có giấy phép theo quy định.
Trước đó, ngày 13/6/2018, Công ty TNHH Li Mi bị UBND tỉnh Lâm Đồng xử phạt 80 triệu đồng về hành vi xây dựng bờ kè trái phép nằm trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi hồ Tuyền Lâm. Thế nhưng, sau đó, việc khắc phục hậu quả chỉ ở tốc độ “rùa bò”.
Tại Kết luận thanh tra 929/KL-TTCP, Thanh tra Chính phủ yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo kiểm điểm nghiêm túc trách nhiệm của tổ chức và cá nhân có liên quan đối với vi phạm trong Khu du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm diễn ra trong thời gian dài, kiên quyết phá dỡ công trình vi phạm, xử lý triệt để hành vi lấn chiếm đất, phá rừng phòng hộ, xây dựng không phép, sai phép theo đúng quy định của pháp luật...
Vì đâu nên nỗi?
Ông Phạm Văn Dân, Giám đốc Ban Quản lý Khu du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm cho biết, vi phạm về trật tự xây dựng ở Khu du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm kéo dài không hẳn do cơ quan chức năng chưa ngăn chặn, xử lý ngay từ đầu, mà do doanh nghiệp vi phạm cố tình không chấp hành và chây ỳ. “Có những dự án ngay từ khi vừa xây dựng, chúng tôi đã lập biên bản, yêu cầu khắc phục, nhưng doanh nghiệp vẫn cố tình vi phạm, thậm chí xây dựng nhiều hơn”, ông Dân cho hay.
Thừa nhận rằng, cơ quan quản lý nhà nước chưa thực sự quyết liệt trong việc xử lý vi phạm và việc xử lý chưa đủ sức răn đe doanh nghiệp vi phạm, ông Dân cho biết: “Trong vấn đề này, nhiều cơ quan có liên quan đã bị xử lý trách nhiệm, trong đó có bản thân tôi”.
Theo ông Dân, sau khi Thanh tra Chính phủ công bố Kết luận thanh tra số 929/KL-TTCP, UBND tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo kiên quyết xử lý. “Chúng tôi đã phối hợp với các đơn vị chức năng có liên quan tháo dỡ nhiều công trình, hạng mục vi phạm trên đất. Đến nay, việc khắc phục các vi phạm tại đây cơ bản được xử lý”, ông Dân thông tin.
Liên quan đến tình trạng vi phạm về xây dựng và đầu tư tại Khu du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành quyết định kỷ luật khiển trách đối với ông Nguyễn Xuân Thành, nguyên Giám đốc Ban Quản lý Khu du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm; ông Phạm Văn Dân, Giám đốc Ban Quản lý Khu du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm.
Bên cạnh đó, Giám đốc Ban Quản lý Khu du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm đã ban hành quyết định kỷ luật khiển trách ông Trần Quang Thắng, Phó trưởng phòng Phòng Nghiệp vụ; phê bình, yêu cầu nghiêm túc rút kinh nghiệm đối với 5 cá nhân khác. UBND TP. Đà Lạt đã chỉ đạo tiến hành kiểm điểm các tập thể, cá nhân liên quan và thi hành kỷ luật phê bình đối với tập thể Phòng Quản lý đô thị TP. Đà Lạt; khiển trách và phê bình đối với chủ tịch 2 phường 3, 4 và các công chức địa chính có liên quan.
Trong khi đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng phê bình tập thể lãnh đạo Trung tâm Quản ký đầu tư và khai thác công trình thủy lợi tỉnh; khiển trách 2 cá nhân, phê bình 5 cá nhân thuộc trung tâm trên và phê bình 5 cá nhân thuộc Chi cục Thủy lợi. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch cũng đã kiểm điểm và chỉ đạo rút kinh nghiệm đối với các tập thể, cá nhân có liên quan.
Sau Kết luận thanh tra 929/KL-TTCP của Thanh tra Chính phủ, UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu không để xảy ra các trường hợp vi phạm mới hoặc tái phạm về xây dựng trái phép tại Khu du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm.
“Câu giờ” đến bao giờ?
Những tưởng sau khi bị “tuýt còi” về xây dựng trái phép và không phép, việc thực hiện dự án tại Khu du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm sẽ đi vào khuôn khổ. Thế nhưng, hàng loạt chủ đầu tư đang có dấu hiệu “câu giờ” về tiến độ. Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lâm Đồng phải phát văn bản đề nghị các chủ đầu tư báo cáo tình hình triển khai và kế hoạch đầu tư xây dựng các hạng mục chưa triển khai hoặc chưa hoàn thành, cam kết hoàn thành dự án…
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, Dự án Điểm du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Đồi Xanh tại Khu du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm của Công ty TNHH Lê Thùy dự kiến kết thúc tiến độ thực hiện vào tháng 3/2019. Dự án được UBND tỉnh chấp thuận gia hạn thời gian đưa đất vào sử dụng đến tháng 3/2022 tại Văn bản số 1356 (ngày 8/3/2021). Tuy nhiên, đến ngày 15/6, Công ty vẫn chưa thực hiện thủ tục điều chỉnh tiến độ thực hiện Dự án theo quy định.
Kế tiếp là Dự án Điểm du lịch tham quan, dã ngoại Thuận Thuận tại Khu du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm do Công ty TNHH Thuận Thuận Đà Lạt thực hiện, dự kiến kết thúc vào tháng 3/2020. Đến ngày 15/6, Dự án chưa hoàn thành các hạng mục đầu tư theo nội dung Quyết định chủ trương đầu tư số 642 ngày 23/3/2016 của UBND tỉnh Lâm Đồng.
Theo tiến độ thực hiện, Dự án Khu nghỉ dưỡng cao cấp và du lịch sinh thái Hoàng Gia do Công ty cổ phần Đầu tư Lý Khương kết thúc vào tháng 9/2018. Thế nhưng, theo báo cáo ngày 17/9/2020 của Công ty, một số các hạng mục vẫn chưa hoàn thành (19 nhà nghỉ dưỡng) hoặc đang trong giai đoạn vận hành thử (khách sạn - spa, khu vui chơi tổng hợp, khu vui chơi thiếu nhi).
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư, Dự án Khu vườn Nhật Bản do Công ty cổ phần Du lịch Lâm Đồng thực hiện đã kết thúc tiến độ vào tháng 12/2019. Nhưng đến ngày 15/6, Dự án chưa hoàn thành các hạng mục đầu tư theo Quyết định chủ trương đầu tư số 1727 ngày 13/8/2015 của UBND tỉnh Lâm Đồng.
Tương tự, Dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng Sài Gòn - Lâm Đồng tại Khu du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm do Công ty TNHH Khu du lịch đồi Rô-bin thực hiện dự kiến kết thúc vào tháng 7/2021. Tuy nhiên, đến ngày 15/6, Dự án chưa hoàn thành các hạng mục đầu tư theo Giấy chứng nhận đầu tư số 42121000380 ngày 26/11/2008.