Khu công nghiệp xanh đang là xu hướng được nhiều nhà phát triển dự án theo đuổi.

Khu công nghiệp xanh đang là xu hướng được nhiều nhà phát triển dự án theo đuổi.

Khu công nghiệp xanh cần thêm “cú huých” cơ chế

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong nhiều phân khúc thị trường, bất động sản khu công nghiệp đang “bắt nhịp” tốt với xu hướng chuyển đổi xanh, song vẫn cần có thêm cơ chế hỗ trợ để thực sự “chuyển hóa”.

Tiên phong chuyển đổi xanh

Trao đổi cùng người viết, đại diện Cushman & Wakefield cho hay, một chuyển biến khá rõ nét thời gian qua đó là Việt Nam ngày càng có nhiều dự án khu công nghiệp xanh. Cụ thể, Việt Nam đang có khoảng 150 dự án nhận được chứng chỉ LEED, trong đó 67% là các dự án bất động sản công nghiệp, tập trung tại phân khúc kho xưởng xây sẵn và nhà máy sản xuất.

Trong giai đoạn hiện tại, việc nâng cấp các khu công nghiệp diễn ra mạnh mẽ, từ truyền thống (chủ yếu cung cấp mặt bằng, đất công nghiệp cho thuê) chuyển sang các mô hình khu công nghiệp xanh, tuần hoàn, hoặc nâng cấp thành các nhà xưởng, nhà kho xây sẵn hiện đại, cao tầng. Nhiều địa phương cũng chủ động lên kế hoạch tăng trưởng xanh, bao gồm cả mảng khu công nghiệp.

Chẳng hạn, Bắc Ninh đã xây dựng kế hoạch cho tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050; trong đó, mục tiêu quan trọng đề ra là thực hiện chuyển đổi “kép”: Chuyển đổi số và chuyển đổi xanh các mô hình sản xuất thông minh, đổi mới quản trị tại các khu công nghiệp.

Theo đó, địa phương này chú trọng phát triển khu công nghiệp theo hướng sinh thái, tăng cường bảo vệ môi trường với các mục tiêu cụ thể cho từng giai đoạn: Giảm phát thải nhà kính từ 11-24% đến năm 2030 so với kịch bản cơ sở và giảm 37-56% đến năm 2050; giảm tiêu hao năng lượng sơ cấp trên GDP từ 1-1,5%/năm tích luỹ cho cả giai đoạn đến năm 2030 và giảm 1% tích luỹ cho mỗi giai đoạn 10 năm đến năm 2050; phấn đấu đến năm 2030, toàn bộ các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh có hệ thống xử lý nước thải tập trung 100%, tỷ lệ cây xanh tại các khu công nghiệp đáp ứng tiêu chuẩn khu công nghiệp sinh thái…

Theo ông Trương Khắc Nguyên Minh, Phó tổng giám đốc Công ty KCN Vietnam, khu công nghiệp xanh/khu công nghiệp sinh thái là xu hướng phát triển tất yếu tại các nền kinh tế đang phát triển.

Tại đây, các mô hình truyền thống hướng đến sản xuất, xuất khẩu và dựa chủ yếu vào ưu đãi về tài chính đang được chuyển đổi, thay thế bằng các hình thức khác dựa trên mô hình quản lý tiên tiến; hợp tác, cộng sinh công nghiệp để sử dụng hiệu quả nguyên vật liệu, năng lượng, tài nguyên…; chia sẻ dịch vụ dùng chung nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh và thu hút đầu tư.

Ông Minh đánh giá, Chính phủ đã có những bước đi đúng đắn, kịp thời nhằm đẩy mạnh phát triển toàn ngành công nghiệp, nâng cao vị thế của Việt Nam trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn của dòng vốn nước ngoài giữa lúc tình hình kinh tế - chính trị thế giới gặp nhiều biến động.

Cụ thể, ngày 28/5/2022, Chính phủ ban hành Nghị định 35/2022 NĐ-CP quy định về quản lý khu kinh tế, khu công nghiệp, đề ra phương hướng xây dựng, phương án phát triển hệ thống khu công nghiệp, khu kinh tế...

Còn ông Bùi Lê Anh Hiếu, Giám đốc Tiếp thị kinh doanh kiêm Kỹ thuật dự án, Công ty cổ phần Long Hậu cho hay, ngay từ đầu, Long Hậu xác định xây dựng mô hình khu đô thị sinh thái thông qua việc phát triển khu công nghiệp có hạ tầng, tiện ích phục vụ cho sự phát triển bền vững của nhà đầu tư thứ cấp là các doanh nghiệp sản xuất.

Cụ thể, chính sách thu hút đầu tư ưu tiên ngành công nghiệp sạch - công nghệ cao, công nghiệp không khói thải, doanh nghiệp đầu tư sản phẩm xanh và nhà máy có hệ thống giảm thải các-bon...

Hiện nay, Việt Nam chưa có một bộ quy chuẩn rõ ràng, đầy đủ cho loại hình khu công nghiệp xanh nên còn tồn tại không ít rào cản đối với các nhà phát triển dự án khi muốn triển khai theo loại hình này.

Bên cạnh đó, Long Hậu đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung có khả năng xử lý tốt hơn so với quy chuẩn và hệ thống tuần hoàn nước sau xử lý; xây dựng khu lưu trú dành cho công nhân ngay gần khu công nghiệp để phục vụ người lao động; quy hoạch quỹ đất cho công trình công cộng và phát triển không gian cây xanh, tạo dựng mỹ quan đô thị công nghiệp xanh - sạch. Đồng thời, kiên định trong việc thu hút các doanh nghiệp có cùng định hướng để tạo dựng một cộng đồng doanh nghiệp có cùng tầm nhìn và cam kết phát triển bền vững.

“Với những nỗ lực đó, Long Hậu là một trong số ít khu công nghiệp tại Việt Nam đạt chứng chỉ ISO 14001:2015 về quản lý môi trường”, ông Hiếu cho hay.

Cần thêm “cú huých” cơ chế

Khu công nghiệp xanh, khu công nghiệp sinh thái đang là đòi hỏi rất thực tiễn. Theo phản ánh từ nhiều chủ đầu tư, đơn vị phát triển dự án, đang có ngày càng nhiều hơn nhu cầu thuê đất, dịch vụ trong các khu công nghiệp xanh. Từ đó, tạo ra lợi thế cạnh tranh tốt về việc thu hút khách thuê có chất lượng, đẩy nhanh tỷ lệ lấp đầy của các khu công nghiệp xanh.

Đơn cử, vừa qua, Tập đoàn Pandora (Đan Mạch) khởi công dự án nhà máy chế tác nữ trang quy mô 150 triệu USD tại Bình Dương, công suất 60 triệu món đồ trang sức/năm và sẽ đi vào sản xuất trong năm 2026.

Nhà máy được vận hành bằng 100% năng lượng tái tạo và xây dựng theo tiêu chuẩn LEED Gold - chứng nhận công trình xanh hàng đầu. Đại diện Pandora cho hay, điều này sẽ góp phần hiện thực hóa mục tiêu bền vững của doanh nghiệp qua việc giảm một nửa lượng khí thải các-bon trên toàn bộ chuỗi cung ứng vào năm 2030 và đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2040.

Ông Jacob Jensen, Bộ trưởng Bộ Thực phẩm, Nông nghiệp và Thủy sản Đan Mạch đánh giá, Việt Nam đã trở thành một thị trường ngày càng quan trọng đối với các nhà đầu tư Đan Mạch nhờ môi trường kinh doanh thuận lợi và cam kết đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050.

Nhà máy mới của Pandora sẽ là một câu chuyện thành công lớn trong lĩnh vực xuất khẩu toàn cầu của Đan Mạch và thể hiện sự hợp tác với Việt Nam trong quá trình chuyển đổi xanh và chống biến đổi khí hậu.

“Bằng việc đầu tư vào công nghệ tiên tiến và áp dụng sản xuất bền vững, như cách Pandora đầu tư vào nhà máy chế tác này, Đan Mạch rất vui mừng được góp phần vào sự phát triển kinh tế bền vững của Việt Nam và nâng cao kỹ năng cho lực lượng lao động địa phương”, ông Jacob Jensen nói.

Dù đang được quan tâm phát triển, nhưng theo các chuyên gia, vẫn cần có thêm những cơ chế, chính sách hỗ trợ cụ thể, đột phá hơn để có thể “chuyển hóa” từ mong muốn trở thành những dự án khu công nghiệp xanh hiện hữu.

Theo Cushman & Wakefield, hiện nay, Việt Nam chưa có một bộ quy chuẩn rõ ràng, đầy đủ cho loại hình khu công nghiệp xanh nên còn tồn tại không ít rào cản đối với các nhà phát triển dự án khi muốn triển khai theo loại hình này.

Cũng đề cao vai trò phát triển dự án xanh, đại diện Long Hậu cho rằng, việc thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất - kinh doanh không chỉ tạo ra lợi ích kinh tế lâu dài cho các doanh nghiệp, mà còn tạo dựng môi trường sống lành mạnh cho cư dân trong khu vực.

Ngoài ra, việc đầu tư phát triển khu công nghiệp hiện nay đòi hỏi nguồn vốn lớn và thời gian phát triển khá dài. Hơn nữa, khác với các loại hình bất động sản khác, tại giai đoạn phát triển dự án, nhà phát triển rất khó xác định trước khách thuê khu công nghiệp là ai.

Do đó, để có thể cổ vũ hơn nữa phong trào “xanh hóa” các khu công nghiệp, các nhà phát triển khu công nghiệp cần cơ chế thuận lợi để rút ngắn thời gian chuẩn bị và phát triển dự án, bên cạnh khung tài chính có tính hỗ trợ cho việc hình thành khu công nghiệp xanh.

Tin bài liên quan