Các nỗ lực phục hồi
Tại Diễn đàn xúc tiến đầu tư vào khu công nghiệp và khu kinh tế của Việt Nam tổ chức giữa tuần qua, khi đánh giá về sự hỗ trợ của Chính phủ, các cơ quan quản lý của Việt Nam với khối doanh nghiệp FDI Nhật Bản, ông Takeo Nakajima, Trưởng đại diện JETRO Hà Nội cho biết, Chính phủ Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các chính quyền địa phương đã có nhiều cuộc đối thoại với các doanh nghiệp FDI, đưa ra được những quyết tâm chính trị lớn. Trong đó, đặc biệt quan trọng là việc Chính phủ cam kết không gây gián đoạn sản xuất - kinh doanh, có sự hợp tác chặt chẽ, trao đổi thông tin hai chiều liên tục với cộng đồng doanh nghiệp.
Ông Takeo Nakajima đánh giá, Chính phủ Việt Nam rất chủ động trong việc thảo luận thường xuyên, đối thoại với doanh nghiệp và là một trong không nhiều quốc gia làm được điều này.
Còn theo bà Bùi Thu Thủy, Phó cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong cả năm 2021, Cục đã đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp trong công tác chuyển đổi số để thích ứng tốt hơn với bối cảnh dịch bệnh, nhiều vướng mắc của doanh nghiệp, nhóm ngành nghề liên quan đến dự án đầu tư kinh doanh, khó khăn do dịch bệnh hay vướng mắc trong đầu tư công đều được các tổ công tác đặc biệt của Cục tiếp nhận, xử lý.
“Trong thời gian tới, Cục sẽ tiếp tục phối hợp cùng các cơ quan, ban ngành để triển khai hiệu quả chương trình phục hồi kinh tế, gắn với nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ của nền kinh tế giai đoạn 2022-2023. Trong đó, việc tiêm vắc-xin cho người lao động tại các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp sẽ tiếp tục được đẩy mạnh, tạo điều kiện cho cộng đồng doanh nghiệp phục hồi. Cùng với các chính sách hỗ trợ về thuế, phí, lãi suất, các doanh nghiệp cũng sẽ được tạo điều kiện để tăng khả năng tiếp cận nguồn tài chính qua Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, các nguồn vốn ưu đãi khác. Ngoài ra, Cục cũng sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp tái cấu trúc lao động, hỗ trợ thu hút, đào tạo lại lao động để vượt qua những khó khăn trước mắt”, bà Thủy nói.
Không chỉ nhận được nhiều sự hỗ trợ về cơ chế, chính sách, hiện các chủ đầu tư bất động sản công nghiệp còn được thụ hưởng các ưu đãi tín dụng. Ông Phạm Như Ánh, Thành viên Ban điều hành Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) cho biết, hiện MB triển khai sản phẩm tài trợ dự án, bao gồm cả chi phí đầu tư khu công nghiệp, chi phí xây dựng, giải phóng mặt bằng cho dự án, theo hình thức cho vay trung - dài hạn hoặc đầu tư trái phiếu doanh nghiệp. Mức lãi suất cho vay với bất động sản khu công nghiệp đang được MB áp dụng hiện thấp hơn 1% so với lãi suất cho vay bất động sản thông thường, thời gian cho vay lên đến 9 năm tùy theo vòng đời dự án.
“Riêng với nhà đầu tư thứ cấp tại các khu công nghiệp, MB có sản phẩm cấp tín dụng trung - dài hạn để tài trợ chi phí xây dựng kho bãi, nhà xưởng cho thuê. Đặc biệt, MB còn triển khai nhiều giải pháp tài chính toàn diện, trong đó có gói giải pháp tài trợ tín dụng theo chuỗi nhà đầu tư khu công nghiệp - chuỗi nhà đầu tư - nhà thầu xây dựng - các đơn vị thuê khu công nghiệp”, hoặc doanh nghiệp sản xuất tại khu công nghiệp - đầu vào - sản xuất - đầu ra - phân phối - tiêu dùng cuối cùng…”, ông Ánh thông tin thêm.
Các chủ đầu tư khu công nghiệp đã sẵn sàng đón khách thuê. Ảnh: Thành Nguyễn |
Sẵn sàng đón sóng đầu tư mới
Chia sẻ về giải pháp kinh doanh và kinh nghiệm trong xúc tiến đầu tư, bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó giám đốc Công ty Kinh doanh bất động sản Viglacera (Viglacera Land) cho biết, thời gian qua, Viglacera Land đã tập trung đền bù, giải phóng mặt bằng và triển khai thi công hạ tầng kỹ thuật hiện đại, đồng bộ cho dự án, từ đó chuẩn bị sẵn quỹ đất sạch lớn để đón các nhà đầu tư. Đồng thời, nhằm đảm bảo đồng hành lâu dài, phát triển bền vững cùng nhà đầu tư, Viglacera Land đặc biệt chú trọng việc phát triển đồng bộ hạ tầng xã hội gồm khu đô thị, nhà ở cho chuyên gia, công nhân gần khu công nghiệp.
“Trong công tác xúc tiến đầu tư, Viglacera Land áp dụng chiến thuật đa dạng hóa các kênh xúc tiến với nhiều hình thức như hội thảo, hội nghị, trực tiếp, trực tuyến. Con số hơn 40 nhà đầu tư trong và ngoài nước hợp tác cùng Viglacera Land trong bối cảnh khó khăn vì dịch bệnh năm 2021 đã nói lên hiệu quả của hoạt động này”, bà Hương cho hay.
Còn bà Vũ Thị Thu Hằng, Giám đốc Kinh doanh, Công ty cổ phần Đầu tư phát triển TNI Holdings Vietnam nhìn nhận rằng, thách thức lớn nhất ở thời điểm hiện tại TNI Holdings Vietnam cũng như các chủ đầu tư khu công nghiệp khác phải đối mặt là việc đảm bảo công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, đáp ứng đúng tiến độ và cam kết với các nhà đầu tư. Do đó, để có thể đón được khách thuê, TNI Holdings Vietnam rất kỳ vọng có thể nhận được sự hợp tác, hỗ trợ đắc lực từ chính quyền địa phương cũng như người dân để công tác này được thực hiện một cách khẩn trương và tuân thủ quy định hiện hành.
Về giải pháp tăng cường hiệu quả kinh doanh, trong đó có thu hút khách thuê, theo bà Hằng, chìa khóa nằm ở 3 yếu tố then chốt là chiến lược phát triển, khách hàng và con người.
“Cụ thể, TNI Holdings Vietnam xây dựng một chiến lược kinh doanh với tầm nhìn dài hạn, lấy khách hàng là trung tâm cho sự phát triển và nhân sự là nền tảng và cốt lõi cho sự thành công. Theo đó, TNI Holdings Vietnam liên tục đưa ra các giải pháp tiếp cận khách hàng trong bối cảnh việc gặp trực tiếp bị hạn chế do dịch, chẳng hạn tổ chức các cuộc hội thảo, gặp mặt trực tuyến, áp dụng công nghệ thực tế ảo trong công tác bán hàng…, đa dạng hóa sản phẩm và cải thiện chất lượng sản phẩm, dịch vụ để đảm bảo đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của nhà đầu tư trên toàn cầu”, bà Hằng chia sẻ.
Trong khi nhiều chủ đầu tư khu công nghiệp kết hợp nhiều giải pháp xúc tiến đầu tư như qua các chương trình xúc tiến của các bộ, ban ngành, địa phương, qua các đơn vị tư vấn, hoặc kết hợp tất cả các giải pháp này, thì một chủ đầu tư tại Quảng Ninh lại có hướng đi riêng, đó là tự mình tìm kiếm khách thuê, bởi theo chủ đầu tư này, sẽ không ai hiểu sản phẩm, hiểu dự án bằng chính nhân sự của doanh nghiệp.
Do đó, doanh nghiệp này rất tập trung vào công tác nhân sự, đặc biệt là nhân sự giữ vai trò xúc tiến đầu tư, để có thể tiếp cận, giới thiệu và tư vấn cho khách thuê một cách đầy đủ, trung thực, khách quan nhất những tiềm năng, thế mạnh và cả mặt hạn chế của dự án nếu có.
“Hiện tại, khu công nghiệp của chúng tôi có 10 khách thuê đã hoàn thiện các thủ tục thuê đất, ký hợp đồng, chỉ chờ ngày sang Việt Nam chính thức khởi động dự án. Ngoài ra, cũng có nhiều nhà đầu tư từ châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) cũng muốn đầu tư vào khu công nghiệp, nhưng do khó khăn về đi lại nên chưa chốt được hợp đồng. Khách thuê đều rất tiềm năng và dự kiến sẽ bạo chi hơn cho chu kỳ đầu tư 2022, nên điều các chủ đầu tư khu công nghiệp mong nhất lúc này là việc mở cửa trở lại, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư sang tận nơi để thực địa dự án”, đại diện chủ đầu tư này cho hay.