Samsung là một trong nhiều nhà sản xuất lớn đã đặt nhà máy tại phía Bắc. Ảnh: Dũng Minh

Samsung là một trong nhiều nhà sản xuất lớn đã đặt nhà máy tại phía Bắc. Ảnh: Dũng Minh

Khu công nghiệp: Thêm sếu lớn "làm tổ"

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong xu hướng tái thiết lập chuỗi cung ứng toàn cầu, Việt Nam tiếp tục là điểm đến tiềm năng, đặc biệt với lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp.

“Gió Bắc” vẫn thổi về Nam

Thông tin mới nhất từ Ban quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp TP. Đà Nẵng cho hay, “thành phố đáng sống” vừa thu hút thành công một dự án đầu tư lớn từ Đài Loan (Trung Quốc) là dự án Nhà máy điện tử Foxlink Đà Nẵng do Tập đoàn Foxlink International Investment Ltd đầu tư.

Dự án có quy mô 135 triệu USD hoạt động trong lĩnh vực sản xuất thiết bị điện tử và công nghệ cao, cụ thể là chế tạo bút cảm ứng, tai nghe không dây, bộ pin, trạm sạc, mạch in điện tử. Foxlink Đà Nẵng sẽ sử dụng 11,35 ha đất tại Khu công nghệ cao Đà Nẵng, giá trị suất đầu tư 11,8 triệu USD/ha, dự kiến khi đi vào hoạt động sẽ tạo công ăn việc làm cho gần 2.000 lao động TP. Đà Nẵng và các địa phương lân cận.

Theo số liệu của Văn phòng Kinh tế và Văn hoá Đài Bắc tại Việt Nam, tính đến năm 2022, vốn đầu tư của doanh nhân Đài Loan chiếm khoảng 8% tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, với tổng vốn đầu tư lũy kế là 36,4 tỷ USD, trở thành đối tác đầu tư lớn thứ 4 tại Việt Nam. Ông Thạch Thụy Kỳ, Trưởng đại diện Văn phòng nhấn mạnh, dòng vốn đầu tư từ Đài Loan sẽ còn đổ bộ vào Việt Nam trong thời gian tới.

“Lấy miền Bắc làm ví dụ, hiện đã có các nhà sản xuất lớn như Foxxcon, Wistron, Qisda... đến Việt Nam đầu tư. Tuy nhiên, các nhà máy điện tử này vẫn phụ thuộc vào chuỗi cung ứng nước ngoài. Bởi vậy, trong tương lai, chúng ta có thể chờ đợi những nhà cung cấp bản địa liên quan đến ngành điện tử đầu tư vào Việt Nam”, ông Kỳ cho biết thêm.

Với nhóm nhà đầu tư Trung Quốc Đại lục, kết thúc 9 tháng đầu năm 2023, quốc gia này đứng thứ hai trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với 2,92 tỷ USD, chiếm 14,5% tổng vốn đầu tư.

Các thành viên thị trường đang kỳ vọng nhiều vào sự bùng nổ làn sóng đầu tư chất lượng cao từ đất nước tỷ dân này thời gian tới. Trong chuyến công du Trung Quốc mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp lãnh đạo một loạt tập đoàn lớn của Trung Quốc như Texhong, Runergy, Energy China, TCL… và các doanh nghiệp này đã có nhiều cam kết đầu tư vào Việt Nam trong giai đoạn tiếp theo.

Mới đây, 2 nhà sản xuất pin và hệ thống lưu trữ năng lượng hàng đầu của Trung Quốc cho biết đã lên kế hoạch đầu tư hơn 1 tỷ USD để xây dựng mới và mở rộng nhà máy ở Việt Nam. Trong đó, Xiamen Hithium Energy Storage Technology có thể đầu tư một nhà máy 900 triệu USD tại Hải Dương, còn Growatt New Energy mở rộng nhà máy ở Hải Phòng với quy mô khoảng 300 triệu USD.

Cơ hội từ tái thiết lập chuỗi cung ứng

Nhà đầu tư nước ngoài đang quan tâm nhiều đến các luật thuế, các ưu đãi, những điều này sẽ chi phối đến doanh nghiệp trước khi ra quyết định đầu tư.

Bà Phạm Thị Hồng Cẩm, Giám đốc Kinh doanh và Marketing, Khu công nghiệp Minh Hưng Sikico cho biết, xu hướng thiết lập lại chuỗi cung ứng chung toàn cầu đang diễn ra mạnh mẽ và có thể kéo dài đến hết giai đoạn 2025-2026. Giai đoạn hiện tại, việc thiết lập lại chuỗi cung ứng bao gồm nhiều mảng, trong đó ở một số ngành nghề, nhiều khách hàng yêu cầu đưa chuỗi cung ứng ra ngoài các quốc gia, vùng lãnh thổ như Đài Loan, Hồng Kông (Trung Quốc), Trung Quốc Đại lục. Từ đó, các nhà sản xuất sẽ chạy theo yêu cầu này và có sự dịch chuyển tương ứng, đi theo đó sẽ là cơ hội cho các thị trường tiềm năng khác để đón sóng dịch chuyển.

Theo bà Cẩm, nhà đầu tư nước ngoài đang quan tâm nhiều đến các luật thuế, các ưu đãi, những điều này sẽ chi phối đến doanh nghiệp trước khi ra quyết định đầu tư. Chẳng hạn, câu chuyện về thuế tối thiểu toàn cầu đang được các nhà đầu tư để ý nhiều. Nhà đầu tư nào có áp lực sản xuất nhanh thì sẽ triển khai ngay bây giờ, còn những bên không bị thúc bách có thể chờ xem tác động ra sao, từ đó có hành động ứng phó phù hợp. Hiện tại, các nhà đầu tư đưa ra quyết định nhanh đến từ các yêu cầu của khách hàng về lập địa điểm sản xuất mới, đi kèm với đó là việc chọn địa điểm đặt nhà máy, công xưởng.

“Khi thiết lập lại chuỗi cung ứng, mỗi ngành, mỗi thời điểm sẽ có độ ‘hot’ khác nhau, các yêu cầu khác nhau. Do đó, chủ đầu tư khu công nghiệp phải đáp ứng được nhiều nhất có thể các yêu cầu của khách hàng để thu hút cho mình những khách thuê chất lượng”, bà Cẩm nói.

Còn theo ông Phùng Minh Tâm, chuyên viên Công ty cổ phần Kinh doanh và Phát triển nhà (HDTC) - chủ đầu tư Khu công nghiệp Bá Thiện, bất động sản công nghiệp Việt Nam đang cho thấy sự tăng trưởng ổn định nhờ các động lực chính gồm lực lượng lao động trẻ và năng động, chi phí lao động cạnh tranh, nền kinh tế định hướng xuất khẩu, môi trường kinh doanh ổn định, vị trí địa lý thuận lợi và sự tham gia tích cực của Việt Nam vào các hiệp định thương mại tự do.

Hiện tại, khu vực kinh tế trọng điểm phía Bắc ghi nhận 68 dự án khu công nghiệp với diện tích đất cho thuê đạt 12.000 ha. Giá đất cho thuê tăng ở mức 30% theo năm, đạt trung bình 138 USD/m2/chu kỳ thuê. Khách thuê tại khu vực này chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực điện tử và máy tính, sản xuất lắp ráp ô tô, máy móc và thiết bị, cũng như các cấu kiện liên quan tới năng lượng mặt trời. Một số doanh nghiệp nổi bật hoạt động tại phía Bắc có thể kể đến là Samsung, LG Electronics, Canon, Hyundai, Honda, Vinfast… Những điều này cho thấy sức hấp dẫn của thị trường khu công nghiệp Việt Nam nói chung, phía Bắc nói riêng.

Bình luận thêm, ông Tâm cho hay, nhu cầu về nhà kho, nhà xưởng đang tăng nhanh do đây là thời điểm các nhà đầu tư Đài Loan, Trung Quốc Đại lục cần địa điểm để đặt nhà máy. Tuy nhiên, nếu quan sát kỹ thì cơ hội từ nhóm doanh nghiệp trong nước cũng rất lớn.

“Các doanh nghiệp, các nhà sản xuất trong nước đang rất chủ động mở rộng sản xuất. Đây là nhóm có tiềm lực tài chính ‘bất ngờ’ và không nên xem nhẹ. Họ có thể tạo ra khác biệt trong thời gian tới. Trước mắt, điển hình là nhóm các doanh nghiệp ngành nhôm, cơ khí chính xác…”, ông Tâm nói.

Ở góc nhìn khác, một chuyên gia từ Gaw NP Industrial (chủ đầu tư một khu công nghiệp ở Thái Nguyên) cho biết, từ giữa năm 2023 nhu cầu đầu tư có hơi chậm lại, nhất là nhóm nhà đầu tư từ Đài Loan, Hồng Kông và Trung Quốc Đại lục. Nguyên nhân đến từ thủ tục xin đầu tư ra nước ngoài tại các quốc gia, vùng lãnh thổ này phức tạp, nhất là tại Trung Quốc Đại lục. Mặt khác, ở trong nước, nhiều địa phương đang ưu tiên thu hút đầu tư công nghệ sạch, có rào cản kỹ thuật với các dự án nên thu hút FDI chậm hơn.

Dù vậy, theo bà Cẩm, lý do dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc Đại lục, Đài Loan và Hồng Kông tạm chững lại là dễ hiểu và không phải điều đáng lo ngại.

“Trung Quốc vừa nghỉ lễ Quốc khánh, rồi tháng Vu Lan - là các đợt nghỉ dài ngày, nên có thể việc xúc tiến đầu tư chậm lại đôi chút. Tuy nhiên, theo tôi, điều này không đáng lo ngại và không thể hiện cho bức tranh đầu tư kém sắc, nó chỉ là diễn biến ngắn của cả một năm đầu tư”, bà Cẩm nói và chia sẻ thêm rằng, ngoài ra, các nhóm đầu tư từ châu Âu, Mỹ cũng vẫn hoạt động bình thường và dòng vốn ngoại vẫn sẽ tiếp tục tìm kiếm cơ hội phù hợp để vào Việt Nam.

Tin bài liên quan