Gánh nặng hậu Vinashin
Cho đến thời điểm này, cả phía chủ nợ - SBIC, Công ty Tài chính công nghiệp tàu thủy (VFC); bên vay là Công ty cổ phần Công nghiệp tàu thủy Hoàng Anh (Công ty Hoàng Anh) và UBND tỉnh Nam Định vẫn chưa thể chốt phương án xử lý Dự án Khu công nghiệp (KCN) Mỹ Trung.
Được biết, việc xử lý Dự án KCN Mỹ Trung vốn bị bỏ hoang nhiều năm trở lại đây có tính chất quyết định đến khả năng thu hồi khoản công nợ hiện đã lên tới 23,3 triệu USD mà SBIC cho Công ty Hoàng Anh vay từ hồi vẫn còn “khoác áo” Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin).
Sự việc bắt đầu vào năm 2006 khi VFC - đơn vị thành viên của Vinashin (nay là SBIC) cho Công ty Hoàng Anh vay 9,609 triệu USD từ nguồn vốn trái phiếu quốc tế để thực hiện Dự án Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng KCN Mỹ Trung có diện tích 150,68 ha, tổng mức đầu tư 358,6 tỷ đồng tại xã Mỹ Trung, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định.
Theo SBIC, tại KCN Mỹ Trung đang xảy ra tình trạng mất cắp tài sản. Vào cuối năm 2018, SBIC đã có công văn đề nghị UBND tỉnh Nam Định hỗ trợ, chỉ đạo các đơn vị chức năng bố trí lực lượng xử lý dứt điểm việc người dân tự ý hút cát trong KCN Mỹ Trung.
Dự án này được UBND tỉnh Nam Định cấp giấy chứng nhận đầu tư vào ngày 28/12/2006 với tiến độ thực hiện là phải hoàn thành trong năm 2007. Sau khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư, Công ty Hoàng Anh đã tổ chức thực hiện một số hạng mục hạ tầng tại dự án này và thu hút được 14 nhà đầu tư thứ cấp với diện tích khoảng 30 ha. Tuy nhiên, do khó khăn về nguồn lực tài chính và để thực hiện tái cơ cấu Vinashin, chủ đầu tư đã dừng Dự án vào năm 2010. Phần diện tích đất thương phẩm từng là đất bờ xôi, ruộng mật còn lại tại KCN Mỹ Trung rộng 80 ha bị chủ đầu tư để hoang từ đó đến nay.
Trước đó, để được giải ngân vốn vay, Công ty Hoàng Anh đã vay vốn từ Ngân hàng BIDV Chi nhánh Nam Định và VFC với tài sản thế chấp là 13 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được UBND tỉnh Nam Định cấp.
Theo ông Cao Thành Đồng, quyền Chủ tịch HĐTV SBIC, Công ty Hoàng Anh cam kết thế chấp tài sản hình thành từ vốn vay là quyền sử dụng đất và tài sản trên đất của KCN Mỹ Trung, gồm 12 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, tính đến thời điểm tháng 12/2018, mới chỉ có 5 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được VFC thực hiện thủ tục đăng ký giao dịch bảo đảm với diện tích 71,4 ha; 7 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của phần diện tích còn lại dù đã được Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Nam Định cấp, nhưng Công ty Hoàng Anh chưa bàn giao cho VFC để hoàn thiện việc thế chấp tài sản.
Do đầu tư dở dang, nên KCN Mỹ Trung không thể mang lại nguồn thu như kỳ vọng cho Công ty Hoàng Anh. Đại diện SBIC xác nhận, không những không thể trả nợ đúng hạn, hiện tổng dư nợ mà Công ty Hoàng Anh nợ VFC đã lên tới 23,335 triệu USD (tương đương 560 tỷ đồng), trong đó, nợ lãi tạm tính đến ngày 31/7/2018 là 13,726 triệu USD.
“Chết” không dễ
Theo UBND tỉnh Nam Định, từ năm 2012 đã có nhiều nhà đầu tư đến tìm hiểu, đàm phán với Công ty Hoàng Anh để nhận chuyển nhượng KCN Mỹ Trung.
“Do nhiều nguyên nhân, việc đàm phán nhận chuyển nhượng với các đối tác không thành, dẫn đến tình trạng KCN Mỹ Trung để trống trong thời gian dài, gây lãng phí đất và ảnh hưởng đến môi trường đầu tư tại tỉnh Nam Định”, ông Phạm Đình Nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định cho biết.
Sau nhiều lần trì hoãn, tháng 7/2017, UBND tỉnh Nam Định đã phải phát Công văn số 506/UBND-VP5 đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép địa phương này xử lý “cục nợ Vinashin” theo phương án thu hồi KCN Mỹ Trung có hoàn trả chi phí cho Công ty Hoàng Anh trên cơ sở chủ đầu tư tự nguyện trả lại đất cho Nhà nước. Đồng thời, UBND tỉnh Nam Định cũng kiến nghị người đứng đầu Chính phủ chấp thuận chủ trương cho chuyển giao KCN Mỹ Trung. Nhà đầu tư mới hoàn trả cho Công ty Hoàng Anh các chi phí theo quy định và không thấp hơn kinh phí hoàn trả đã được Công ty cổ phần Vinacontral thẩm định.
Ông Phạm Đình Nghị khẳng định, đây là phương án tối ưu bởi với những vi phạm về việc sử dụng đất, Ban quản lý các KCN tỉnh Nam Định có đủ cơ sở ra văn bản chấm dứt Dự án và thu hồi các quyết định giao đất cho Công ty Hoàng Anh.
Vẫn theo UBND tỉnh Nam Định, do nhà đầu tư chưa hoàn thành các công trình hạ tầng theo Giấy chứng nhận đầu tư được cấp, nên Dự án cũng không đủ điều kiện để thực hiện việc chuyển nhượng.
Lãnh đạo tỉnh Nam Định cho biết, sở dĩ họ đưa ra phương án này thay vì thu hồi trắng là bởi Dự án KCN Mỹ Trung là tài sản đảm bảo cho khoản vay từ nguồn trái phiếu quốc tế được Chính phủ cho Vinashin vay lại. Vì vậy, để giảm thiểu thiệt hại cho Nhà nước, cũng như các bên liên quan, Công ty Hoàng Anh cần tự chấm dứt hoạt động của Dự án, tự nguyện trả lại đất cho Nhà nước. Khi đó, đơn vị tiếp nhận mới có đủ cơ sở để hoàn trả các chi phí đã đầu tư cho Công ty Hoàng Anh.
Đại diện SBIC thừa nhận, đây có lẽ là giải pháp xử lý KCN Mỹ Trung duy nhất giúp họ thu hồi được khoản công nợ cho Công ty Hoàng Anh vay. Trên thực tế, vào tháng 6/2017, Ban Quản lý các KCN tỉnh Nam Định đã có quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư Dự án KCN Mỹ Trung của Công ty Hoàng Anh. Đồng thời với quá trình thu hồi đất, UBND tỉnh Nam Định cho biết, đã có nhà đầu tư mới đàm phán với chủ KCN và các tổ chức tín dụng liên quan.
Điều trớ trêu là lối thoát này nhiều khả năng khó trở thành hiện thực nếu chiểu theo quan điểm của Bộ Tài chính tại Công văn số 7837/BTC-TCND ngày 29/6/2018. Theo đó, trong trường hợp Công ty Hoàng Anh chưa hoàn thành nghĩa vụ được đảm bảo hoặc chưa thay thế bằng biện pháp bảo đảm khác, thì bên thế chấp tài sản không có quyền định đoạt tài sản thế chấp.
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư, hiện các tài sản đảm bảo cho khoản vay từ VFC chưa hoàn thành, nên Công ty Hoàng Anh không có quyền quyết định tự nguyện trả lại Dự án cùng tài sản trên đất như phương án của UBND tỉnh Nam Định.
“SBIC, VFC, Công ty Hoàng Anh đang khẩn trương làm việc với UBND tỉnh Nam Định để thống nhất phương án xử lý KCN Mỹ Trung để tổng hợp, báo cáo và xin ý kiến của Bộ Giao thông - Vận tải và các cấp có thẩm quyền, tránh tình trạng tài sản để lâu có thể xảy ra việc mất mát, làm thất thoát tài sản của Nhà nước”, lãnh đạo SBIC cho biết.