Nơi ấm áp, chỗ quạnh hiu
Tại Bình Dương, trong bối cảnh tình hình kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, tình hình thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp tại thủ phủ công nghiệp phía Nam này vẫn đạt kết quả tích cực.
Đại diện Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bình Dương (BDIZA) cho biết, trong 5 tháng đầu năm 2024, đầu tư trong nước thu hút được 1.058 tỷ đồng, đạt 96,25% kế hoạch năm; đầu tư nước ngoài thu hút được 525 triệu USD, tăng 75% so với cùng kỳ năm trước và đạt 43,75% kế hoạch năm. Trong đó, cấp mới 58 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 270,1 triệu USD; 210 lượt dự án điều chỉnh tăng thêm vốn hơn 254,2 triệu USD.
Lũy kế đến nay, các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã thu hút được 3.135 dự án, bao gồm 2.453 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký 29,7 tỷ USD và 682 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký gần 95.000 tỷ đồng.
Hay tại Bà Rịa - Vũng Tàu, lượng vốn FDI đăng ký toàn tỉnh trong quý I/2024 đã bằng cả năm 2023, qua đó đem lại cơ hội kinh doanh lớn cho các doanh nghiệp khu công nghiệp nơi đây, trong đó có Công ty cổ phần Sonadezi Châu Đức - nhà phát triển khu công nghiệp hàng đầu địa phương này.
Cụ thể, kết thúc quý I/2024, Sonadezi Châu Đức đạt doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ 216 tỷ đồng, tăng 3,4 lần so với cùng kỳ năm trước và lợi nhuận sau thuế đạt 65 tỷ đồng, tăng 5,5 lần. Năm 2024, Sonadezi Châu Đức đặt kế hoạch kinh doanh với chỉ tiêu doanh thu hơn 881 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hơn 228 tỷ đồng và chia cổ tức ở mức 10%. Hai mảng kinh doanh chính đem lại doanh thu lớn cho Công ty là cho thuê đất công nghiệp và kinh doanh bất động sản.
Để hoàn thành kế hoạch kinh doanh đề ra, đại diện Sonadezi Châu Đức cho biết, năm 2024 sẽ tiếp tục tập trung đẩy mạnh công tác tiếp thị thu hút đầu tư cho thuê đất công nghiệp. Bên cạnh đó, Công ty khẩn trương hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật Khu dân cư Sonadezi Hữu Phước - giai đoạn 2, đồng thời hoàn tất thủ tục pháp lý và triển khai xây dựng hạ tầng phân kỳ Khu đô thị phía Bắc để tạo thêm sản phẩm đưa vào tiếp thị kinh doanh.
Là khu vực thu hút mạnh vốn đầu tư, song không phải khu công nghiệp nào ở phía Nam cũng “đắt khách”, mà trường hợp của tỉnh Tây Ninh là minh chứng. Hiện tại, trên địa bàn tỉnh có 6 khu công nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với tổng diện tích đất 3.959 ha. Trong đó, có 5 khu công nghiệp đã được cấp phép thành lập và hoạt động, bao gồm Khu công nghiệp Trảng Bàng, Khu công nghiệp Chà Là, Khu công nghiệp Phước Đông, Khu công nghiệp Thành Thành Công, Khu chế xuất và công nghiệp Linh Trung III.
Tổng diện tích đất của 5 khu công nghiệp này là 3.383,07 ha; diện tích đất công nghiệp có thể cho thuê là 2.540,1 ha; đã cho thuê 1.709,87 ha, đạt tỷ lệ lấp đầy 67%. Diện tích đất công nghiệp có thể mời gọi đầu tư ngay là khoảng 350 ha (trong đó, lô đất có diện tích lớn nhất khoảng 50 ha).
Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có 1 khu công nghiệp vừa được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư (Khu công nghiệp Hiệp Thạnh) và 2 khu kinh tế cửa khẩu là Mộc Bài (quy mô 21.284 ha) và Xa Mát (quy mô 34.197 ha).
Theo Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh Tây Ninh, trong quý I/2024, tổng vốn thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu đạt 59,38 triệu USD, giảm 26% so với cùng kỳ.
Hiện nay, có nhiều nhà đầu tư đang tìm hiểu môi trường đầu tư tại các khu công nghiệp ở Tây Ninh, trong đó có 3 nhà đầu tư đang làm thủ tục đăng ký cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn khoảng 33 triệu USD. Dẫu vậy, tỷ lệ lấp đầy tại các khu công nghiệp trên địa bàn vẫn ở mức thấp.
Cần phát triển đồng bộ
Nhiều chủ đầu tư khu công nghiệp tại Việt Nam thường có tâm lý “chờ đợi”. Tâm lý này cản trở việc đầu tư hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ…, từ đó ảnh hưởng tới khả năng thu hút khách thuê của khu công nghiệp.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Hà Xuân Thanh - Giám đốc Truyền thông một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang có nhu cầu tìm thuê đất công nghiệp cho hay, khách thuê có nhiều tiêu chí đánh giá trước khi đưa ra lựa chọn địa điểm bỏ vốn, trong đó các tiêu chí quan trọng nhất là vị trí, quỹ đất và quy hoạch định hướng phát triển của các khu công nghiệp.
Tuy nhiên, đa phần các địa phương và chủ đầu tư phát triển hạ tầng khu công nghiệp trong nước lại ưu tiên yếu tố lấp đầy, mà chưa thực sự chú trọng tới các yếu tố được cho là quan trọng hơn như cơ cấu ngành nghề, công nghệ, môi trường và xã hội… của dự án nên hiệu quả đầu tư chưa cao như kỳ vọng.
Ngoài ra, nhiều chủ đầu tư khu công nghiệp tại Việt Nam thường có tâm lý “chờ đợi”, khi nào tìm được nhà đầu tư thứ cấp thì mới đầu tư hạ tầng dùng chung trong khu công nghiệp. Trong khi đó, khách thuê nước ngoài luôn muốn mặt bằng, hạ tầng kỹ thuật… phải hiện hữu thì mới quyết định đầu tư.
“Tâm lý này cản trở việc đầu tư hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ…, từ đó ảnh hưởng tới khả năng thu hút khách thuê, hậu quả là nhiều khu công nghiệp không đảm bảo tỷ lệ lấp đầy”, ông Thanh nói.
Chỉ ra lĩnh vực tiềm năng, ông Thomas Rooney - Quản lý cấp cao Bộ phận Cho thuê công nghiệp, Savills Việt Nam cho rằng, lĩnh vực công nghiệp bán dẫn đang tác động trực tiếp đến bất động sản khu công nghiệp nhờ việc gia tăng nhu cầu về nhà xưởng đáp ứng tốt yêu cầu cơ sở hạ tầng, dịch vụ của các nhà sản xuất lớn. Minh chứng là những năm gần đây, nhiều “ông lớn” trong ngành bán dẫn thế giới như Samsung, Qualcomm, Infineon, Amkor… đã đến Việt Nam xây dựng nhà máy, mở rộng hệ thống sản xuất, lắp ráp có giá trị lên tới hàng tỷ USD.
Theo chuyên gia Savills, có nhiều lý do khiến Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn với các doanh nghiệp bán dẫn quốc tế nói riêng, nhà đầu tư nước ngoài nói chung, từ đó mang đến cơ hội cho bất động sản khu công nghiệp. Dù vậy, vẫn còn nhiều thách thức về cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực… cần được xử lý để thúc đẩy sự phát triển bền vững của lĩnh vực này.
Lấy dẫn chứng, ông Thomas Rooney cho hay, một trong những vấn đề nổi cộm liên quan tới cơ sở hạ tầng khu công nghiệp tại Việt Nam hiện nay là đường dây truyền tải điện và hệ thống cung ứng điện chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu, nhất là trong những thời điểm cao điểm sản xuất. Ngành công nghiệp bán dẫn luôn cần lượng điện khổng lồ, nên để đáp ứng được nhu cầu điện rất lớn này, Việt Nam cần đẩy nhanh phát triển các dự án hạ tầng năng lượng quy mô lớn.
Về nguồn nhân lực, dù có lực lượng trong độ tuổi lao động lớn với 52,4 triệu lao động từ 15 tuổi trở lên (theo số liệu của Tổng cục Thống kê tính đến cuối quý I/2024 ), nhưng theo ông Thomas Rooney, Việt Nam hiện vẫn thiếu kỹ sư trình độ cao để phục vụ phát triển ngành công nghiệp bán dẫn. Thực tế cho thấy, không có nguồn nhân lực chất lượng sẽ dẫn đến hạn chế dòng vốn đầu tư từ các tập đoàn sản xuất lớn. Do đó, giải được bài toán nguồn nhân lực cho lĩnh vực này sẽ giúp nâng cao vị thế của Việt Nam trong các điểm đến đầu tư, thu hút các tập đoàn công nghệ lớn dịch chuyển sản xuất cũng như tăng cường đầu tư vào Việt Nam.
“Chính phủ và các nhà phát triển khu công nghiệp trong nước cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa để phát huy những tiềm năng vốn có, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng và đào tạo nguồn nhân lực, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển bền vững của lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp tại Việt Nam”, ông Thomas Rooney nhấn mạnh.