Cần thêm 100.000 ha đất công nghiệp
Theo dự thảo báo cáo quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, với mục tiêu nâng tỷ trọng công nghiệp trong GDP vào năm 2030 đạt trên 40%, dự báo cả nước cần bố trí khoảng 200.000-220.000 ha đất khu công nghiệp (bao gồm cả đất khu công nghiệp trong các khu kinh tế), tập trung chủ yếu tại các vùng kinh tế trọng điểm.
Còn theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến cuối tháng 6/2021, cả nước có tổng cộng 394 khu công nghiệp với tổng số 80.900 ha đất đã hình thành trên tổng số 562 khu công nghiệp với tổng diện tích đất 121.900 ha thuộc quy hoạch khu công nghiệp trên cả nước. Như vậy, trong 10 năm tới, Việt Nam sẽ cần khoảng 80.000-100.000 ha đất khu công nghiệp mới.
Theo bà Huỳnh Bửu Trân, Giám đốc điều hành CTCP Tập đoàn KCN Việt Nam, đây là một con số vô cùng lớn trong bối cảnh đất đai ngày một khan hiếm như hiện nay, đặc biệt là đất nằm trong các khu vực có kết nối giao thông và hạ tầng thuận lợi. Do đó, các định hướng quy hoạch mới cần chú trọng nghiên cứu nhu cầu của nhà đầu tư để có kế hoạch thu hút vốn FDI phù hợp và hiệu quả.
“Lấy ví dụ, ở phía Bắc, tỉnh Bắc Ninh dù thu hút vốn FDI và phát triển khu công nghiệp tốt, nhưng nguồn đất rất khan hiếm. Để chuẩn bị thêm quỹ đất làm khu công nghiệp, địa phương này buộc phải lấy đất canh tác nên tốn kém nhiều thời gian, chi phí. Trong khi đó, Bắc Giang có lợi thế hơn do quỹ đất còn nhiều, cho dù khoảng cách về trung tâm xa hơn so với Bắc Ninh. Còn ở phía Nam, chẳng hạn tại Tây Ninh, dù có nhiều khu công nghiệp được quy hoạch nhưng nhu cầu của nhà đầu tư ngoại vào địa phương này chưa nhiều nên chưa khai thác hết tiềm năng phát triển công nghiệp”, bà Trân nêu dẫn chứng.
Ở góc nhìn khác, bà Vũ Thị Thu Hằng, Giám đốc kinh doanh CTCP Đầu tư phát triển TNI Holdings Vietnam đánh giá, hiện nay, trong bối cảnh sắp xếp điều tiết lại chuỗi cung ứng toàn cầu, Việt Nam được đánh giá là điểm đến đầu tư an toàn, hiệu quả, nên việc đảm bảo quỹ đất khu công nghiệp đón đầu là vô cùng quan trọng.
Bà Hằng cho biết, từ đầu năm 2021 đến nay, Việt Nam đã phê duyệt 35 dự án khu công nghiệp tại nhiều địa phương trên cả nước và để đảm bảo đủ quỹ đất khu công nghiệp phục vụ nhu cầu gia tăng trong thời gian tới, các dự án mới cần được quy hoạch theo lộ trình cụ thể, bài bản cho từng địa phương, tránh việc phát triển ồ ạt, chạy theo xu thế.
Về câu chuyện quy hoạch tổng thể, theo bà Hằng, trước tiên cần đặt mục tiêu nâng cao tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp, cụm công nghiệp đã và đang hoạt động, tiếp đó là các giải pháp cải thiện điều kiện hạ tầng giao thông kết nối vùng với khu công nghiệp, phát triển công nghiệp kết hợp phát triển đô thị bền vững…
“Bên cạnh đó, cần có tiêu chí lựa chọn nhà đầu hạ tầng có kinh nghiệm, đủ năng lực để bảo đảm tiến độ và chất lượng thi công, tránh tình trạng bê trễ kéo dài, gây lãng phí tài nguyên đất; cải thiện môi trường đầu tư và thể chế, chính sách đầu tư thông qua sửa đổi, cải tiến những điều luật đã lỗi thời, tạo điều kiện cho nhà đầu tư tham gia một cách hiệu quả nhất”, bà Hằng khuyến nghị.
Các khu công nghiệp tương lai cần phải đảm bảo được các tiêu chí sống chung với dịch. Ảnh: Dũng Minh |
Chiến lược "vết dầu loang"
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu đánh giá, xu hướng dịch chuyển sản xuất từ bên ngoài vào Việt Nam sẽ giúp lĩnh vực bất động sản công nghiệp bứt phá mạnh mẽ trong thời gian tới, nên cần có chính sách quy hoạch bài bản tại nhiều thành phố, vùng miền. Trong đó, cần đảm bảo chính sách kích thích, quy hoạch phù hợp với thực tế, tính khả thi cao; các khu công nghiệp được quy hoạch phải đủ quy mô để đáp ứng nhu cầu sản xuất của các nhà đầu tư lớn.
Theo ông Hiếu, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 chưa được khống chế hoàn toàn, các khu công nghiệp tương lai cần phải đảm bảo được các tiêu chí sống chung với dịch, tức là vừa đảm bảo nơi ăn chốn ở cho người lao động, vừa đảm bảo an toàn sản xuất - kinh doanh và giải pháp tốt nhất là phát triển song hành các khu công nghiệp với các khu đô thị vệ tinh đi kèm tiện nghi hạ tầng xã hội và giao thông.
“Riêng với câu chuyện quy hoạch các khu công nghiệp, các nhà hoạch định chính sách nên cân nhắc chiến lược ‘vết dầu loang’, tính từ các trung tâm trong bán kính 50-100 km, sau đó mở rộng dần ra. Chẳng hạn, với Hà Nội thì các tỉnh Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Bắc Giang, Phú Thọ… sẽ là các vùng đệm phát triển khu công nghiệp hiệu quả”, ông Hiếu đề xuất.
Còn theo bà Huỳnh Bửu Trân, về mặt chiến lược, tất cả các quy hoạch đô thị, hạ tầng, khu - cụm công nghiệp cần phải đồng bộ và có lộ trình thực hiện hợp lý, đi kèm với kế hoạch tái định cư cho người dân, cùng với đó là đẩy mạnh áp dụng công nghệ hiện đại trong quản lý, vận hành (ở cấp Nhà nước) với hướng dẫn cụ thể và rõ ràng, trong đó chú trọng yếu tố môi trường và phát triển bền vững.
Cũng góp ý về tiếp cận quy hoạch khu công nghiệp thời gian tới, bà Vũ Thị Thu Hằng nhìn nhận, đã đến lúc cần quy hoạch lại hệ thống khu công nghiệp trên toàn quốc dựa trên cơ sở phát huy lợi thế so sánh của từng địa phương để lựa chọn mô hình phát triển khu công nghiệp và cơ cấu đầu tư, cơ cấu ngành nghề công nghiệp phù hợp. Theo đó, Nhà nước cần kiểm soát chặt chẽ việc thành lập mới và mở rộng khu công nghiệp theo đúng quy hoạch, có phương thức lựa chọn nhà đầu tư hạ tầng có kinh nghiệm, tiềm lực tài chính để triển khai dự án hạ tầng có hiệu quả.
“Việt Nam không nên trải đều phát triển khu công nghiệp ở tất cả các địa phương, nhất là ở những vùng miền hạn chế về cơ sở hạ tầng, thiếu các ngành công nghiệp và hệ thống dịch vụ hỗ trợ, đặc biệt là thiếu nguồn nhân lực chất lượng. Thay vào đó, cần tập trung nâng cao chất lượng hạ tầng giao thông, dịch vụ khu công nghiệp tại các thị trường trọng điểm, từ đó phát triển dần ra các thị trường vệ tinh”, bà Hằng khuyến nghị.