Hành lang pháp lý cho khu công nghiệp tiếp tục được hoàn thiện.

Hành lang pháp lý cho khu công nghiệp tiếp tục được hoàn thiện.

Khu công nghiệp cần thêm trợ lực chính sách

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong tương lai gần, Luật Các khu công nghiệp (đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất xây dựng) sẽ làm rõ hơn các quy định, cơ chế khuyến khích phát triển các dự án khu công nghiệp, các mô hình mới và tăng cường thu hút đầu tư.

Nền tảng đã sẵn sàng

Mở đầu câu chuyện cùng người viết, TS. Vương Thị Minh Hiếu - Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, đến nay là tròn 2 năm Nghị định 35/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế có hiệu lực và điều đáng mừng là phản hồi từ cộng đồng nhà đầu tư rất tích cực.

Bà Hiếu cho biết, Nghị định 35/2022 mang một tinh thần hoàn toàn mới, theo hướng hoàn thiện quy trình đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp, khu kinh tế. Đặc biệt, nhiều quy trình, thủ tục còn rườm rà trước đó bị lược bớt.

Không những vậy, Nghị định còn mang lại sự cân bằng trong phát triển công nghiệp khi đảm bảo cân đối phát triển giữa các địa phương, tạo điều kiện cho các địa phương khó khăn thu ngắn khoảng cách phát triển với các địa phương có điều kiện thuận lợi. Ví dụ, không áp dụng quy định về tỷ lệ lấp đầy tối thiểu 60% với các khu công nghiệp hiện hữu trước khi mở thêm dự án mới.

Theo bà Hiếu, Nghị định 35/2022 được xem là bước tiến dài và tạo tiền đề, nền tảng cho việc phát triển các khu công nghiệp theo mô hình sinh thái. Thậm chí, trong khu vực, Việt Nam là nước “đi sớm” khi thể chế hóa điều này, trong khi nhiều quốc gia mới chỉ là các hướng dẫn, định hướng.

Cũng theo bà Hiếu, quá trình phát triển khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam đã qua 2 giai đoạn: Thí điểm chuyển đổi khu công nghiệp cũ sang mô hình sinh thái (Ninh Bình, Đà Nẵng, Cần Thơ) và hiện ở giai đoạn nâng cấp khu công nghiệp sinh thái ở các địa phương có thế mạnh phát triển khu công nghiệp (Hải Phòng, Đồng Nai, TP.HCM).

Đến hiện tại, Việt Nam đang dần hoàn thiện cơ chế, chính sách, tạo ra khuôn khổ pháp lý tương đối đầy đủ, trong đó có cả những điểm rất mới và theo xu hướng chung toàn cầu, chẳng hạn các tiêu chí về môi trường - xã hội - quản trị (ESG).

Đồng quan điểm, TS. Phạm Hồng Điệp - Phó chủ tịch Liên Chi hội Bất động sản công nghiệp Việt Nam (VIERA), Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Shinec (chủ đầu tư Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền - Hải Phòng) cho rằng, Nghị định 35/2022 ra đời đã tạo bước chuyển rõ nét, hầu hết các nhà đầu tư hạ tầng có sự sắp xếp chuẩn xác hơn so với Nghị định 82/2018/NĐ-CP trước đó khi chưa nêu rõ về chính sách, phân khúc bất động sản công nghiệp.

“Có thể nói, Nghị định 35/2022 đã tạo nên những chuyển biến tích cực trong đầu tư hạ tầng công nghiệp, trong đó miền Bắc có sự phát triển vượt bậc, một số địa phương đã nổi lên như những thị trường mới đầy tiềm năng như Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng, Quảng Ninh…”, ông Điệp cho hay.

Bà Vân Nguyễn - Giám đốc cấp cao Khối Thị trường giao dịch phía Bắc, JLL Việt Nam cũng đánh giá, Nghị định 35/2022 là bước tiến quan trọng trong quản lý, vận hành khu công nghiệp, cùng với đó mở ra các cơ hội tốt hơn cho việc chuyển đổi mô hình từ khu công nghiệp truyền thống sang mô hình sinh thái.

“Nghị định 35/2022 mang tính tổng hợp, bao trùm khá cao. Không chỉ đề cập, hướng dẫn chi tiết về phát triển, quản lý và vận hành khu công nghiệp ra sao, mà lần đầu tiên khu công nghiệp sinh thái, khu công nghiệp xanh được đề cập một cách chi tiết”, bà Vân nói và cho biết thêm, phát triển khu công nghiệp theo hướng xanh, sinh thái là xu hướng buộc phải trải qua và điều may mắn là Việt Nam đã nhận ra và có những bước đi cụ thể.

Cần “nâng tầm” Nghị định 35/2022

Chỉ sau 2 năm triển khai, Nghị định 35/2022 đã mang đến nhiều đổi thay cơ bản trên thị trường khu công nghiệp. Đây cũng là lý do khiến nhiều ý kiến cho rằng, đã đến lúc cần ban hành văn bản pháp luật cao hơn, tạo điều kiện hơn nữa cho sự phát triển của các khu công nghiệp, khu kinh tế, các mô hình mới.

Theo TS. Phạm Hồng Điệp, dù có nhiều đột phá, nhưng Nghị định 35/2022 vẫn tồn tại một số vấn đề cần được tháo gỡ, bởi dù sao nghị định là văn bản dưới luật và liên quan nhiều đến các sắc luật khác như Luật Môi trường, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở, Luật Các tổ chức tín dụng…, nên khi triển khai áp dụng còn chồng chéo và khó thực thi. Do đó, ông Điệp cho rằng, rất cần thiết ban hành một luật chuyên ngành về khu công nghiệp để tạo sự thống nhất và thuận lợi trong quá trình triển khai.

“Để thống nhất, tránh chồng chéo và dễ thực thi, chúng ta cần xây dựng Luật Các khu công nghiệp và có thể nâng từ Nghị định 35/2022 lên. Việc xây dựng cần có sự tham gia đóng góp, phản biện của nhiều bộ, ngành, chuyên gia… để ra luật một cách hệ thống, đầy đủ.

Trong đó, một vài điểm đáng lưu ý là bổ sung thêm các nội dung về kinh tế tuần hoàn (đây là động lực tăng trưởng GDP giai đoạn tới), hay tích hợp với các luật chuyên ngành, luật quy hoạch… Về cơ quan chủ trì, soạn thảo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư là đơn vị phù hợp nhất”, ông Điệp nêu quan điểm.

Cùng góc nhìn, bà Vân Nguyễn cho rằng, hiện là lúc nghĩ đến việc có một luật riêng để quản lý, hỗ trợ phát triển cho các dự án khu công nghiệp một cách bài bản, quy củ và hiệu quả.

Theo chuyên gia JLL Việt Nam, vẫn có những tồn tại làm cản trở sự phát triển mạnh mẽ của các khu công nghiệp, các mô hình khu công nghiệp mới như giải phóng mặt bằng, tốc độ thực hiện, quy trình cấp phép, thiếu năng lượng, nhân sự chất lượng…

Do đó, những điều này nên được luật hóa, từ đó tạo định hướng để các nhà phát triển hạ tầng khu công nghiệp, các nhà đầu tư thứ cấp biết và làm theo.

Chia sẻ thêm về câu chuyện xây dựng chính sách, TS. Vương Thị Minh Hiếu cho hay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang tham mưu để Chính phủ xây dựng hành lang pháp lý xuyên suốt trong phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế. Hy vọng sẽ tạo ra hành lang pháp lý hoàn thiện và đầy đủ, tạo điều kiện cho lĩnh vực bất động sản công nghiệp phát triển hơn nữa.

Định hướng của Chính phủ trong việc xây dựng khung pháp lý cũng rất rõ ràng, đó là tạo điều kiện phát triển các mô hình khu công nghiệp sinh thái, chuyên ngành, công nghệ cao hay các khu kinh tế, từ đó nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư, nhất là vốn đầu tư xanh, tạo động lực tăng trưởng cho nền kinh tế.

“Chúng tôi cũng sẽ cố gắng tích hợp các yếu tố, lắng nghe và ghi nhận các kiến nghị, đề xuất, khi có dự thảo cũng sẽ xin ý kiến từ các bên liên quan để khi luật đi vào cuộc sống sẽ thực sự tạo nên những đổi thay, cổ vũ cho việc phát triển các khu công nghiệp hiện đại, bài bản, chuyên nghiệp, có thêm nhiều hơn các khu công nghiệp theo mô hình sinh thái, xanh, phát triển bền vững”, bà Hiếu nhấn mạnh.

Tin bài liên quan