Nghị định số 74/2017NĐ-CP của Chính phủ quy định cơ chế, chính sách đặc thù đối với Khu CNC Hòa Lạc có ý nghĩa như thế nào đối với hoạt động thu hút đầu tư vào Khu, thưa ông?
Trong thời gian gần đây, Khu CNC Hòa Lạc đã đạt được các kết quả đáng khích lệ trong nhiều lĩnh vực.
Trong đó, công tác giải phóng mặt bằng cơ bản đáp ứng yêu cầu về đầu tư hạ tầng bằng nguồn vốn ODA của Chính phủ Nhật Bản cũng như thu hút đầu tư vào Khu CNC Hòa Lạc; công tác xây dựng các văn bản pháp luật đang dần được hoàn thiện.
Đặc biệt, ngày 20/6/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định số 74/2017NĐ-CP quy định cơ chế, chính sách đặc thù đối với Khu CNC Hòa Lạc với những nguyên tắc ưu đãi nhất, thuận lợi nhất để tháo gỡ các khó khăn hiện tại, thu hút nguồn lực xã hội đầu tư vào Khu CNC Hòa Lạc.
Tiếp đó, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 32/2018/TT-BTC thực hiện một số điều của Nghị định 74/2017NĐ-CP.
Đây là những tiền đề rất tốt để Khu CNC Hòa Lạc thu hút hàng loạt dự án đầu tư lớn có chất lượng ở trong nước và nước ngoài, đặc biệt là những dự án có vốn đầu tư lớn của nước ngoài với hàm lượng công nghệ cao, sử dụng đất tiết kiệm và có thời gian giải ngân vốn đầu tư nhanh.
Sau một năm Nghị định số 74/2017NĐ-CP được phê duyệt, thu hút đầu tư vào Khu CNC Hòa Lạc đã có những chuyển biến và đạt được những kết quả cụ thể như thế nào?
Từ đầu năm 2018 đến nay, Ban Quản lý Khu CNC Hòa Lạc đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 4 dự án, với tổng mức đầu tư 10.918 tỷ đồng trên diện tích 15,4 ha (bình quân 31,5 triệu USD vốn đầu tư/ha đất).
Có thể thấy, vốn đầu tư bình quân đối với 1 ha đất hiện nay tại Khu CNC Hòa Lạc tăng khá nhanh so với năm 2016 (khoảng 13 triệu USD/ha) và những năm trước đây (khoảng 7 - 10 triệu USD/ha).
Các dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cũng đang triển khai rất nhanh.
Ví dụ, Dự án Nhà máy Hanwha Aero Engines tại Việt Nam của Công ty TNHH Hanwha Techwin (Hàn Quốc) với tổng vốn đầu tư đăng ký 200 triệu USD (có kế hoạch mở rộng quy mô đầu tư, tăng tổng mức đầu tư lên 260 triệu USD từ năm 2021) đã khởi công xây dựng ngày 21/9/2017.
Hiện chủ đầu tư đã hoàn thiện việc xây dựng, đang lắp đặt máy móc, thiết bị và vận hành thử.
Bên cạnh đó, 2 dự án (trong tổng số 5 dự án đầu tư với tổng vốn 1 tỷ USD) của Tập đoàn NIDEC (Nhật Bản) có vốn đầu tư 400 triệu USD, vừa được cấp phép trong tháng 4/2018 cũng đang gấp rút hoàn thiện các thủ tục để có thể triển khai xây dựng và đưa nhà máy sản xuất vào hoạt động trong quý I/2019.
Bên cạnh đó, Ban Quản lý cũng đang tiếp nhận và xử lý hồ sơ dự án đầu tư và thương thảo với một số đơn vị tiềm năng trong nước và nước ngoài như:
Dự án Sản xuất các loại sơn công nghệ nano của Công ty TNHH Sơn KOVA với tổng vốn đầu tư trên 1.000 tỷ đồng; dự án của Công ty Mitsubishi Chemical với tổng vốn đầu tư 92 triệu USD; dự án của của một nhà đầu tư Nhật Bản với tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 300 triệu USD và hướng tới đạt mục tiêu thu hút 1 tỷ USD trong năm 2018.
Song song với hoạt động thu hút đầu tư, Ban Quản lý Khu CNC Hòa Lạc có kế hoạch gì để nâng cao chất lượng các dự án, sử dụng quỹ đất tiết kiệm, bảo đảm nhu cầu phát triển trong tương lai?
Ban Quản lý Khu CNC Hòa Lạc rất tự hào, trong vòng hơn một năm qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ba lần đến thăm và chỉ đạo phương hướng phát triển của Khu CNC Hòa Lạc.
Chính phủ và UBND TP. Hà Nội đã tích cực giải quyết những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách thu hút đầu tư cũng như khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, phát triển hạ tầng, đáp ứng tốt yêu cầu của các nhà đầu tư.
Trong thời gian tới, Ban Quản lý chủ trương xây dựng một số quy định để tiếp tục nâng cao chất lượng các dự án tại Khu để bảo đảm sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả, tránh lãng phí; tiến hành rà soát các dự án đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư vào Khu CNC Hòa Lạc, bảo đảm các dự án triển khai đúng tiến độ.
Đến thời điểm này, chúng tôi đã rà soát và thu hồi 19 dự án do chậm tiến độ hoặc không có khả năng triển khai đầu tư như đăng ký ban đầu, đồng thời giảm quy mô diện tích đất sử dụng của 2 dự án.