Câu hỏi từ thị trường
Với nỗ lực góp phần cải thiện khả năng thu hút vốn ngoại cho TTCK, Sở GDCK TP. HCM (HOSE) từng đề xuất triển khai giải pháp phát hành NVDR. Theo nghiên cứu của HOSE, NVDR là một giải pháp được triển khai thành công ở TTCK Thái Lan. NVDR ra đời xuất phát từ thực tế có một bộ phận không nhỏ NĐT nước ngoài không quan tâm đến quyền lợi biểu quyết tại DN, mà chỉ quan tâm đến lợi ích kinh tế, cụ thể là cổ tức hay chênh lệch giá cổ phiếu trên thị trường. Tính chất đặc thù của nhóm NĐT này không chỉ riêng có ở TTCK Việt Nam, mà ở nhiều TTCK trên thế giới.
Nhà quản lý đã để ngỏ khả năng triển khai NVDR trong thời gian qua, với lý do cần có thêm thời gian nghiên cứu thấu đáo trước khi triển khai ra thị trường, để đáp ứng đồng thời nhiều mục tiêu, chứ không đơn thuần là thu hút vốn đầu tư nước ngoài.
Tưởng chừng như NVDR đã khép lại, nhưng tại Hội thảo triển khai Nghị định 60/2015, do UBCK vừa tổ chức, câu chuyện này lại được mở ra khi DN đặt câu hỏi UBCK có cho phép triển khai NVDR để mở rộng không gian thu hút vốn ngoại hay không?
Vấn đề này được đặt ra xuất phát từ thực tế đa phần vốn của NĐT nước ngoài hiện tập trung đầu tư vào số ít cổ phiếu trên sàn, trong khi việc nới room theo quy định tại Nghị định 60/2015 còn phải đợi văn bản hướng dẫn chi tiết danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện, cũng như quy định về các ngành nghề mới phát sinh để làm cơ sở cho DN tham chiếu trong quá trình thực hiện quy định nới room, việc thu hút vốn ngoại chưa thể sớm có chuyển biến.
Kinh nghiệm triển khai NVDR thành công của Thái Lan cho thấy, nếu Việt Nam áp dụng giải pháp này thì sẽ hóa giải được phần nào bất cập vốn ngoại không thể chảy vào các cổ phiếu nằm trong danh mục khống chế tỷ lệ sở hữu của NĐT nước ngoài.
Phản hồi từ UBCK
Trước mối quan tâm trên của các DN và giới đầu tư, Phó Chủ tịch UBCK Nguyễn Thành Long, cho biết, NVDR là một giải pháp chỉ triển khai ở Thái Lan, nhằm mở rộng không gian thu hút vốn ngoại vào các DN mà pháp luật nước này hạn chế tỷ lệ sở hữu với đối tượng NĐT nước ngoài. Việc cho phép NĐT nước ngoài nắm giữ NVDR có thể phát sinh tình huống, chẳng hạn một DN mà NĐT ngoại đã sở hữu 49% vốn điều lệ, một nhóm NĐT nước ngoài khác sở hữu 30% vốn dưới hình thức NVDR, khi DN họp ĐHCĐ, 30% cổ phần này sẽ được phân bổ quyền biểu quyết cho những ai? Nếu không xử lý được vấn đề này, DN không thể triệu tập họp ĐHCĐ.
“Vì NVDR không giải quyết được thấu đáo các mục tiêu đặt ra, nên chúng ta không triển khai giải pháp này”, ông Long nói.
Ngoài khó khăn trên, hệ thống pháp lý hiện hành chưa mở ra cơ chế cho việc thành lập đơn vị đứng ra mua cổ phiếu trên thị trường và phát hành NVDR tương ứng cũng gây khó cho triển khai giải pháp này.
Liên quan đến đề xuất của giới đầu tư nên xem xét triển khai NVDR để giảm thiểu vướng mắc của danh mục 267 ngành nghề kinh doanh có điều kiện, ông Long lưu ý, không phải ngành nghề nào trong số 267 ngành nghề này cũng hạn chế tỷ lệ sở hữu áp dụng đối với NĐT nước ngoài.
Điều quan trọng là các DN hãy chủ động rà soát để biết được mình có được nới room hay không, nếu được thì tỷ lệ room tối đa đối với NĐT nước ngoài là bao nhiêu. Trong thẩm quyền của mình, UBCK sẵn sàng đồng hành với các DN để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai quy định về nới room khi Nghị định 60/2015 có hiệu lực từ ngày 1/9 tới.
Mặt khác, với nỗ lực của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng như các bộ ngành liên quan, sắp tới, các vướng mắc liên quan đến danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện sẽ được tháo gỡ. Điều này sẽ ngày càng tạo thuận lợi cho thực hiện quy định nới room.