Không thể vỗ bằng một bàn tay

Không thể vỗ bằng một bàn tay

(ĐTCK) Đã lác đác có những tín hiệu sáng đến từ nỗ lực tháo gỡ nút thắt của thị trường bất động sản tại nhiều địa phương trên cả nước. 

Tại TP.HCM, thị trường bất động sản lớn nhất và cũng là khu vực thời gian qua bị kêu ca nhiều nhất về việc tắc nguồn cung, những điểm nghẽn đang dần được khơi dòng. Chẳng hạn, với 124 dự án bị vướng pháp lý và nằm bất động từ lâu, thông tin mới nhất cho thấy, hiện chỉ còn 26 dự án đang làm thủ tục điều chỉnh quy hoạch, phần lớn các dự án đã hoàn tất thủ tục để triển khai.

Thông tin cụ thể hơn, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường TP.HCM cho biết, tính đến tháng 10/2019, đã có 60 dự án hoàn tất các thủ tục; 12 dự án đã được cấp phép xây dựng; 17 khu đất đang cấp giấy chứng nhận đầu tư...

Như vậy, hứa hẹn năm 2020, ít nhất cũng có vài chục dự án bất động sản có thể ra mắt tại thị trường, con số rất lạc quan nếu so với 5 - 7 dự án từ đầu năm đến nay.

Người đứng đầu ngành tài nguyên - môi trường Thành phố cũng cung cấp một thông tin lạc quan là, nếu trước đây làm dự án theo trình tự gửi ra các bộ, ngành Trung ương, mất khoảng 2 năm, bây giờ Chính phủ đồng ý phân cấp cho TP.HCM thì thủ tục chỉ mất khoảng 6 tháng.

Một số dự án cụ thể cũng đã được đưa ra “chẩn bệnh” để kê đơn!

Chẳng hạn như nhóm 3 dự án Khu tứ giác Bến Thành, quận 1, TP.HCM của Bitexco; Diamond Lotus Lakeview của Phúc Khang Corporation; Dự án chung cư cao tầng tại số 28/9 đường Trần Trọng Cung của Phú Mỹ Hưng... vừa được tháo gỡ nhiều nút thắt trầm kha để có thể sớm trở lại.

Ở nhiều địa phương khác, chính quyền cũng đang vào cuộc để tháo gỡ các nút thắt, hỗ trợ thị trường bất động sản và cũng là cách để trợ lực cho nguồn thu ngân sách địa phương.

Lần đầu tiên tại Đà Nẵng, và cũng là đầu tiên trên cả nước, một dự án condotel đã được gỡ khó bằng việc cho phép chuyển đổi quy hoạch để trở thành một đô thị biển phức hợp gồm cả biệt thự, nhà phố, chung cư sở hữu lâu dài và condotel.

Đó là Dự án Khu nghỉ dưỡng và nhà ở cao cấp The Empire, được biết đến rộng rãi hơn với tên gọi Cocobay Đà Nẵng.

Trao đổi với người viết, và nói công khai tại Hội nghị khách hàng tổ chức hôm 16/11 vừa qua, ông Nguyễn Đức Thành, Chủ tịch Empire Group đã hơn một lần bày tỏ sự cám ơn chính quyền Đà Nẵng, Bộ Xây dựng và nhiều cơ quan khác đã “linh hoạt”, quyết đoán giải quyết để có thể đưa dự án trở lại.

“Nếu các đơn vị đó không quyết đoán thì chủ đầu tư có quyết tâm đến đâu cũng không thể đưa dự án trở lại, và cũng không biết bám víu vào đâu để giải quyết quyền lợi cho khách hàng trong tương lai”, ông Thành nói.

Để giải cứu các dự án từng có vết ở nhiều địa phương, cơ quan quản lý và chủ đầu tư đã tìm được tiếng nói chung. Nhưng còn một bên nữa không thể không tính đến, đó là các khách hàng cũ - những người đã bỏ tiền vào khi dự án còn đang hanh thông và có thể phải chịu thiệt thòi nhất định khi dự án “có chuyện”.

Không ai có thể yêu cầu họ chịu thiệt thêm nữa, bởi “đồng tiền liền khúc ruột”. Nhưng sự chia sẻ với chủ đầu tư là điều các khách hàng nên tính đến, vì quyền lợi của chính mình. Bởi rõ ràng, những dự án mới trở lại cũng như “bệnh nhân” đang… ăn trả bữa. Con đường mới đã có, nhưng sẽ còn rất nhiều tốn kém tiền bạc, công sức để có thể tự nó sinh lợi và mang đến nguồn thu chính đáng cho nhà đầu tư, hoặc sản phẩm bất động sản đẹp như kỳ vọng của người mua để ở.

Nếu làm găng, dự án thêm một lần nữa rơi vào vòng xoáy bê trễ thì… “trạng chết chúa cũng băng hà”, tất cả các bên đều chịu thiệt.

Nhìn rộng ra toàn thị trường bất động sản, sự suy trầm trên tất cả các vùng miền là điều mà bất cứ thành viên thị trường nào cũng nhìn thấy. Nhưng trong khi các chủ đầu tư le lói hy vọng vào sự hồi phục với sự vào cuộc của các địa phương, thì dự thảo khung giá đất tăng đột biến của Bộ Tài nguyên - Môi trường lại như một gáo nước lạnh. Tại TP.HCM, Hà Nội…, khung giá đất tăng khoảng gấp đôi so với khung giá cũ. Có nghĩa là, cộng thêm hệ số K tại các địa phương này, ở một số khu vực trung tâm, giá đất tương ứng để người dân thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước lên tới cả tỷ đồng mỗi m2.

Những người dân có đất chưa làm sổ đỏ, những chủ đầu tư chưa thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng… như ngồi trên đống lửa. Và xa hơn, tiền đất tăng sẽ áp vào giá nhà, khiến khả năng tạo lập nhà ở của người dân càng trở nên xa vời.

Do đó, việc tăng quá cao, quá đột ngột khung giá đất trước mắt có thể giúp ngân sách thêm nguồn thu, nhưng về lâu dài là lợi bất cập hại.

Hai câu chuyện nói trên khác về chủ thể, nhưng thực tế lại cùng một vấn đề. Để tái hoàn thiện các dự án từng có khó khăn như Cocobay Đà Nẵng, hay kích hoạt toàn thị trường địa ốc trở lại quỹ đạo phát triền bình thường thì chủ đầu tư không thể tự “vỗ bằng một bàn tay”, mà cần sự chia sẻ, chung sức của tất cả các bên liên quan.

Và chỉ khi dự án hay thị trường hồi phục trở lại, quyền lợi của mỗi bên mới được đảm bảo một cách chắc chắn.   

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan