Không thể tuột tay cơ hội phục hồi du lịch

0:00 / 0:00
0:00
Đợt Covid-19 lần 3 khiến phần lớn doanh nghiệp du lịch Việt Nam kiệt sức. Bởi thế, ngành du lịch không thể để tuột tay cơ hội phục hồi thị trường nội địa khi mùa cao điểm đang tới gần.
Ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng ban Thư ký Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB)

Ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng ban Thư ký Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB)

Đó là nhận định của ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng ban Thư ký Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB).

Thưa ông, Covid-19 tái phát đúng dịp Tết Tân Sửu 2021 khiến hoạt động du lịch ảnh hưởng như thế nào? Liệu ngành kinh tế xanh có thể phục hồi trong năm nay?

Thông thường, lượng khách đặt tour, dịch vụ dịp Tết Nguyên đán và những ngày Xuân rất lớn. Vậy nhưng, Covid-19 tái phát tại Hải Dương và Quảng Ninh rồi lan sang một số địa phương đã khiến 80 - 90% du khách hủy booking cả ở những điểm đến chưa xuất hiện ca nhiễm Covid-19. Phần lớn doanh nghiệp du lịch vốn đã lao đao từ trước, lại phải chịu thêm cú đánh bồi chí mạng này, dẫn đến kiệt sức.

TAB và cá nhân tôi nhận định, 2021 tiếp tục là năm khó khăn với ngành du lịch. Có thể, phải đến năm 2022, thậm chí năm 2023, ngành kinh tế xanh mới phục hồi bằng thời điểm hoàng kim năm 2019, trước khi Covid-19 ập đến.

Nguồn lực kiệt quệ, thị trường phập phù, teo tóp theo từng đợt “sóng thần” Covid-19, vậy những giải pháp nào có thể giúp các doanh nghiệp du lịch tăng “sức đề kháng”, lấy lại phong độ, thưa ông?

Hiện, nhiệm vụ “hồi sức” cho doanh nghiệp du lịch đang rất bức thiết. Hơn ai hết, chúng tôi hiểu những áp lực, tổn thất mà các doanh nghiệp du lịch đang phải gồng gánh.

TAB đã tổng hợp ý kiến đề xuất của một số doanh nghiệp lớn thuộc Hội đồng cùng một số doanh nghiệp vừa và nhỏ ngoài TAB. Các đề xuất này tập trung vào 4 nhóm vấn đề.

Thứ nhất, về hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp du lịch. Nhiều doanh nghiệp đề xuất Chính phủ giao các bộ, ngành nghiên cứu điều chỉnh tiêu chí để doanh nghiệp du lịch, hàng không dễ dàng tiếp cận gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng. Đồng thời, hỗ trợ, bảo lãnh cho các doanh nghiệp đủ điều kiện được tiếp cận nguồn vốn vay lãi suất thấp của các ngân hàng. Mức lãi suất cần giảm xuống 4% để cứu các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

TAB cũng đề xuất giảm thuế VAT từ 10% xuống 5% đến hết năm 2021; giảm 80% số tiền doanh nghiệp lữ hành ký quỹ; giảm thuế đất cho doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lưu trú…

Bên cạnh đó, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ casino hay golf mong muốn được tạm thời giảm thuế tiêu thụ đặc biệt và thí điểm cho người Việt Nam tham gia một số loại hình của casino, để doanh nghiệp có khách hàng.

Thứ hai, là hỗ trợ trực tiếp cho người lao động ngành du lịch, như: giảm, giãn đóng phí bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm hưu trí, bảo hiểm thất nghiệp… dựa trên mức thu nhập thực tế của người lao động, kéo dài thời gian hỗ trợ lao động ngành du lịch bị giảm thu nhập hoặc mất việc làm.

Thứ ba, là các biện pháp, chính sách của Chính phủ nhằm phục hồi du lịch nội địa, như: kéo dài thời gian miễn hoặc giảm 50% giá vé tham quan các khu, điểm du lịch; xây dựng bản đồ số du lịch; ban hành bộ hướng dẫn thực hành du lịch an toàn… Đặc biệt, phải đảm bảo kiểm soát tốt dịch bệnh để nắm lấy cơ hội phục hồi thị trường nội địa. Bởi, mùa cao từ dịp 30/4, 1/5 đến 2/9 đã rất gần.

Thứ tư, là các giải pháp phục hồi du lịch quốc tế. Khi người dân toàn cầu cơ bản đã tiêm vắc-xin phòng Covid-19 và Việt Nam khống chế được đại dịch, thì mới có thể đón khách quốc tế trở lại. Bước đầu, sẽ thực hiện theo hướng lựa chọn thị trường, đàm phán song phương với từng nước, học tập kinh nghiệm của nước ngoài.

Mùa cao điểm đón khách du lịch quốc tế thường bắt đầu từ tháng 10. Hiện, Thái Lan và Singapore - những đối thủ “nặng ký” nhất của du lịch Việt Nam - đã đưa ra rất nhiều chính sách, dự kiến mở cửa đón du khách quốc tế có “hộ chiếu vắc-xin” hoặc “bảo chứng” đã được tiêm chủng Covid-19.

Do đó, ngành du lịch Việt Nam cần đẩy mạnh marketing để thu hút du khách quốc tế, khi chúng ta được thế giới đánh giá rất cao về khả năng kiểm soát Covid-19. Đồng thời, nhanh chóng xây dựng kịch bản, lộ trình, kế hoạch đón khách nước ngoài song song với phòng, chống dịch. Việc này phải làm ngay, vì lượng khách quốc tế tuy chỉ bằng 1/4 khách nội địa, nhưng nguồn thu lại rất lớn. Nếu chậm chân, sẽ không còn cơ hội để phục hồi thị trường quan trọng này.

“Hộ chiếu vắc-xin” đang được nhiều quốc gia xem như giải pháp quan trọng để mở biên, từng bước phục hồi hoạt động du lịch quốc tế. Theo ông, Việt Nam có nên học tập kinh nghiệm này?

Thời điểm này, rất nhiều chuyên gia, cơ quan về du lịch ở các nước nhận định, phải làm sao để cả điểm đến và du khách quốc tế yên tâm khi mở biên. Vì thế, nhiều nước chỉ đón những du khách đã được tiêm chủng Covid-19. Đó có thể là xác nhận điện tử, giấy xác nhận, “hộ chiếu vắc-xin”… với thời gian đủ 28 ngày. Ngoài ra, một số nước còn yêu cầu thêm, trong vòng 3 ngày trước khi du khách rời nước họ để đi du lịch, phải kiểm tra PCA cho kết quả âm tính với Covid-19.

Để tìm được biện pháp đầy đủ, hiệu quả nhất, Việt Nam cần thành lập một nhóm hoặc tổ chức gồm nhiều chuyên gia từ các ngành khác nhau như y tế, ngoại giao, công an, quốc phòng, văn hóa - thể thao - du lịch… để bàn thảo và đưa ra tiêu chí mở cửa đón khách du lịch quốc tế.

Vừa qua, TAB đã làm việc với Cục Du lịch Singapore để học tập kinh nghiệm. Chúng tôi nhận thấy, Singapore chia ra 3 - 4 dòng khách khác nhau. Họ xếp Việt Nam ở mức được ưu tiên cao nhất. Tức là, du khách Việt Nam tới Singapore không phải cách ly 14 ngày, chỉ phải cách ly 3 ngày đầu và làm test nhanh với Covid-19 (tự chi tiền xét nghiệm). Nếu kết quả dương tính, khách phải quay trở về Việt Nam ngay. Có lẽ, Việt Nam sẽ phải học tập những kinh nghiệm này.

Tuy nhiên, không thể khẳng định “hộ chiếu vắc-xin” sẽ là biện pháp tốt, hữu hiệu để mở biên đón du khách quốc tế. Bởi, sự dị thường của Covid-19 có thể khiến mọi thứ thay đổi nhanh chóng. Điều quan trọng nhất là mọi quyết định, chính sách, chiến lược và sản phẩm phải dựa trên kết quả khảo sát, nghiên cứu, đánh giá từ thực tiễn mới đạt hiệu quả cao nhất và hạn chế rủi ro thấp nhất.

Tin bài liên quan