Như vậy, nếu tính 5 phiên bản Nghị quyết 19/NQ-CP trước đây - “tiền thân” của Nghị quyết 02/NQ-CP, dù đã có không ít cải thiện, nhất là trong hai năm trở lại đây, song chặng đường vượt lên thứ hạng trung bình, trung bình khá ở cả bình diện khu vực và quốc tế của Việt Nam về môi trường kinh doanh, về năng lực cạnh tranh thực sự còn rất chông gai.
Việt Nam hiện xếp thứ 69/190 trên Bảng Xếp hạng về môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới (WB); thứ 77/140 về năng lực cạnh tranh trên Bảng Xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF).
Trong khu vực ASEAN, Việt Nam đang đứng thứ 5 về môi trường kinh doanh, thứ 7 về năng lực cạnh tranh.
Đi vào cụ thể các chi tiết đánh giá xếp hạng, thì nhiều chỉ số còn ở nhóm cuối bảng, như chỉ số Giải quyết phá sản doanh nghiệp năm 2018 đứng ở vị trí 133/190; chỉ số Giao dịch thương mại qua biên giới ở vị trí 100/190…
Đặc biệt, các chỉ số liên quan tới công nghệ, sáng tạo nhằm thích nghi với nền sản xuất mới trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 của Việt Nam năm 2018 đều giảm điểm trên cả hai bảng xếp hạng của WB và WEF...
Vấn đề là, từ năm 2016, Nghị quyết số 19/2016/NQ-CP đã phân công trách nhiệm của bộ, ngành làm đầu mối theo dõi từng bảng xếp hạng quốc tế và chịu trách nhiệm từng chỉ số cụ thể, nhưng nếu nhìn vào kết quả, việc thực thi của các bộ, ngành chưa đạt. Điều đáng nói là nhiều chỉ số ảnh hưởng gián tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh chưa được quan tâm đúng mức; hoặc có cải cách, song chưa thực chất, còn hình thức. Những chỉ số được cải thiện mạnh nhất phần lớn do sức ép mạnh từ cộng đồng doanh nghiệp hoặc chỉ đạo trực tiếp của cấp trên...
Hệ quả là chi phí cơ hội, chi phí không chính thức của doanh nghiệp trong khởi sự kinh doanh, trong hoạt động, cũng như chi phí về thời gian, tiền bạc của người dân khi tiếp cận các dịch vụ công có giảm, nhưng vẫn còn nhiều. Không ít nơi, ít lúc, doanh nghiệp, người dân vẫn bị gây khó dễ, nhũng nhiễu bởi những quy định còn nặng tính cục bộ của một số cơ quan công quyền và một bộ phận công chức, viên chức.
Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và cạnh tranh quốc tế ngày càng tăng, các quốc gia, nền kinh tế đều nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh và chú trọng đổi mới, thì bất cứ sự chậm trễ nào trong cải cách sẽ khiến thứ hạng trung bình của Việt Nam về môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh càng khó cải thiện, thậm chí không loại trừ khả năng tụt hạng.
Rõ ràng, mục tiêu tăng thứ hạng trên thế giới, vào nhóm 4 quốc gia dẫn đầu trong khu vực ASEAN đòi hỏi sự nỗ lực hơn trước rất nhiều, của cả Chính phủ, của từng bộ, ngành, địa phương và đặc biệt là của những người đứng đầu.
Trong năm 2019, Thủ tướng Chính phủ cho biết sẽ trực tiếp chỉ đạo việc đánh giá lại một số vấn đề, như tư duy và hình thành chính sách phát triển do Chính phủ đề xuất; những yếu kém cố hữu của nền kinh tế, cách thức khắc phục những dự án thua lỗ kéo dài, các giá trị kiến tạo phát triển, sự liêm chính, thực trạng và tiềm năng đích thực của các ngành kinh tế có tính chủ lực nhằm kiến tạo sức bật mới cho sự phát triển… Người đứng đầu Chính phủ đã gọi tên các đầu việc ưu tiên của mình. Có lẽ các tư lệnh ngành, địa phương cùng cần có hành động tương tự.
Môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh của Việt Nam chỉ có thể vượt qua thứ hạng trung bình khi Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan quản lý nhà nước không chấp nhận thứ hạng trung bình khi thực hiện công việc của mình.