Cho phép phá sản ngân hàng rất khó, nhưng là yêu cầu để hệ thống tránh sự bất ổn

Cho phép phá sản ngân hàng rất khó, nhưng là yêu cầu để hệ thống tránh sự bất ổn

Không thể mãi “không phá sản” ngân hàng

(ĐTCK) Thông điệp sẽ cho phá sản ngân hàng được lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước phát đi ngay lập tức nhận được sự ủng hộ của không ít người trong giới phân tích bởi làm điều này khó, nhưng đây lại là nguyên tắc của thị trường.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế thừa nhận, ngay tại Mỹ, để cho một ngân hàng phá sản không phải là chuyện dễ dàng chứ chưa nói đến Việt Nam. TS. Hiếu cho biết, các bước dẫn đến phá sản một ngân hàng thông thường bắt đầu từ việc Cơ quan thanh tra của Mỹ sẽ đặt ngân hàng vào tầm ngắm trên cơ sở chấm điểm tín nhiệm giảm dần trong một số năm liên tiếp. Tiếp theo, đánh giá các chỉ tiêu nguồn vốn, đặc biệt là sự suy giảm của nguồn vốn tự có, tỷ lệ an toàn vốn CAR...

Nhiều đoàn thanh tra vào kiểm tra chứ không phải chỉ riêng mỗi cơ quan thanh tra của ngân hàng trung ương, mỗi đoàn thanh tra độc lập và thống nhất với nhau về biện pháp xử lý. Tỷ lệ an toàn vốn từ 8% trở lên là ở mức tốt; 8-5% là mức phải bổ sung vốn; 5-3% là về mức báo động, cơ quan thanh tra sẽ có biện pháp mạnh: đóng cửa hay tiếp quản; còn nếu CAR về từ 3-0% thì bất kỳ lúc nào cũng có thể cho phá sản.

Thời gian từ lúc bắt đầu đưa ngân hàng vào “tầm ngắm” đến phả sản kéo dài trong khoảng một năm.

“Việc tiến hành phá sản ngân hàng tại Việt Nam sẽ khó khăn hơn do vướng mắc ở nhiều khâu, nhưng điều này trong thời gian tới chắc chắn sẽ được tiến hành nhằm phù hợp với cơ chế kinh tế thị trường”, TS. Hiếu nhận định.

Trao đổi với ĐTCK, Tổng giám đốc một ngân hàng cho rằng, để phá sản các TCTD yếu kém sở hữu một tỷ trọng nợ xấu lớn nên là một trong những yêu cầu ưu tiên thời gian tới. Bởi hệ thống ngân hàng có tính liên thông, nên nếu Việt Nam có được một hệ thống ngân hàng với các thành viên lành mạnh thì sự bất ổn trong hệ thống rất khó xảy ra.

"Việc tiến hành phá sản ngân hàng tại Việt Nam sẽ khó khăn hơn do vướng mắc ở nhiều khâu, nhưng điều này trong thời gian tới chắc chắn sẽ được tiến hành nhằm phù hợp với cơ chế kinh tế thị trường" -  TS. Nguyễn Trí Hiếu.

Theo báo cáo Chương trình đánh giá khu vực tài chính (FSAP) do Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) công bố tháng 8/2014, thì tác động của nợ xấu hệ thống ngân hàng là rất lớn. Nếu các ngân hàng không thể xử lý sớm nợ xấu đồng nghĩa với việc vốn tín dụng đang hoặc đọng tại hàng tồn kho hoặc bị sử dụng sai mục đích không thể thu hồi, dẫn đến thiếu vốn để tiếp tục quay vòng cấp cho nền kinh tế.

Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của việc phải thực hiện trích lập dự phòng rủi ro cho nợ xấu, lợi nhuận của các ngân hàng vì thế giảm đi, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của các cổ đông.

Cũng theo báo cáo này, hệ thống ngân hàng Việt Nam có đặc điểm là mức độ sở hữu chéo cao giữa các ngân hàng với nhau và giữa các ngân hàng, doanh nghiệp.

“Cơ cấu cổ đông phức tạp đã gây ra những quan ngại sâu sắc về xung đột lợi ích và hoạt động cho vay bên có quan hệ/liên quan nhằm tài trợ cho các dự án thiếu minh bạch. Cơ cấu này cũng dẫn đến tình trạng phóng đại vốn do cho vay mua cổ phần lẫn nhau và đã tạo điều kiện lách các quy định an toàn như giới hạn tập trung tín dụng”, báo cáo này viết.

Nhắc lại cảnh báo này để thấy rằng, tại sao ngành ngân hàng phải ưu tiên xử lý nợ xấu cũng như sở hữu chéo. Vấn đề này dường như đã tạm giải quyết, nhưng NHNN vẫn bày tỏ quan điểm “chưa yên tâm” và vẫn có những thông điệp mãnh mẽ được phát đi khi đề cập về những nhiệm vụ cho giai đoạn tới.

“Thị trường có quyền hy vọng về câu chuyện phá sản các TCTD, con đường phải đi, không có cách nào khác hơn để phù hợp với xu hướng, có lẽ sẽ được đề cập đến trong giải pháp cơ cấu lại hệ thống các TCTD giai đoạn tiếp theo”, một lãnh đạo NHNN cho biết.

Tin bài liên quan