Phía sau mỗi hoạt động của DN là hàng trăm, hàng ngàn cổ đông

Phía sau mỗi hoạt động của DN là hàng trăm, hàng ngàn cổ đông

Không thể làm ngơ khi doanh nghiệp giải trình... cho vui

(ĐTCK) Minh bạch hóa TTCK là điều mà tất cả các thành viên thị trường và cơ quan quản lý cùng mong muốn (hoặc ít nhất thể hiện sự mong muốn ấy trong các phát biểu chính thức).

Thế nhưng, khi trực tiếp nhìn vào cách ứng xử của các bên trước những sai phạm tại DN được báo chí phanh phui, thị trường cảm nhận được dường như có một sự… dễ dãi, và đôi khi là bất lực trong cách ứng xử của cả DN lẫn các bên có liên quan.

Chuyện của CTCP Dược phẩm Cửu Long (DCL)

Trong vòng 1 tuần, Báo Đầu tư Chứng khoán đã đăng 3 bài viết phản ánh nhiều nghi vấn sai phạm của CTCP Dược phẩm Cửu Long (mã DCL). Những nội dung liên quan đến nghi ngờ trực tiếp về chất lượng báo cáo tài chính DN, từ câu chuyện thực chất chất lượng các khoản phải thu, đến nghi vấn mua bán lòng vòng để tránh trích lập dự phòng nợ phải thu quá hạn… làm thay đổi cán cân lãi - lỗ của DN, hay nghi vấn rút tiền qua hệ thống phân phối cũng đã được nêu ra.

Thế nhưng, đáp lại phản ánh của dư luận, Dược Cửu Long chỉ có một công văn phản hồi theo kiểu… cho vui về những nghi vấn sai phạm.

Bất kể một người nào có hiểu biết về lĩnh vực tài chính, kế toán, hay thậm chí một NĐT theo sát DN cũng hiểu rằng, một giao dịch vòng tròn khép kín chỉ diễn ra trong ngày không thể nào đóng vai trò “điều hòa nguồn tài chính, thuyên chuyển hàng hóa và giúp Công ty giảm chi phí tài chính” như cách giải trình của DCL.

Thế nhưng, sau phản hồi đó của DN - một phản hồi được đánh giá là “có cũng như không”, Sở GDCK TP. HCM cũng chưa có yêu cầu giải trình thêm. Cơ quan quản lý đến nay vẫn im lặng, dù những người cung cấp chứng cứ có mở lời “sẵn sàng hợp tác với cơ quan quản lý có chức năng thanh tra kiểm tra để làm rõ vụ việc”.

Đến câu chuyện CTCP Đầu tư và Thương mại VNN (VNN)

Sau phản ánh của Đầu tư Chứng khoán về nghi vấn giả mạo Nghị quyết ĐHCĐ của VNN, Sở GDCK Hà Nội đã có yêu cầu DN giải trình về những nội dung mà bài báo phản ánh. Tuy nhiên, tương tự câu chuyện của Dược phẩm Cửu Long, VNN cũng có một giải trình mang ý nghĩ… cho có.

Một điều dễ hiểu là, không thể có chuyện một Nghị quyết ĐHCĐ gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội lại xuất hiện do… sai sót của một số nhân viên VNN như Ban lãnh đạo Công ty đã trình bày. Bởi để có một Nghị quyết này, cần con dấu, chữ ký của rất nhiều người, trong đó có chính ông Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Trần Khắc Hùng! Bản thân nội dung báo cáo quản trị bán niên 2014 của VNN cũng cho thấy, nửa đầu năm 2014, VNN chỉ họp HĐQT một lần, và nội dung họp này không hề liên quan gì đến vấn đề bổ sung ngành nghề kinh doanh.

Câu chuyện đáng nói ở đây không phải là việc bổ sung ngành nghề kinh doanh gây hại như thế nào đến lợi ích tài chính của cổ đông, mà nhà đầu tư có quyền đặt câu hỏi, một việc như vậy mà Ban lãnh đạo Công ty cũng đã làm trái, phớt lờ mọi quy định pháp luật, thì những hoạt động khác của DN liệu có đáng tin cậy?

Một điểm nữa khiến dư luận quan tâm là vai trò của các bên có liên quan, từ đơn vị cấp phép đến cơ quan quản lý niêm yết và cơ quan quản lý thị trường đến đâu trong trường hợp này? Không lẽ, sự việc VNN sẽ chấm dứt ở đây chỉ nhờ một lời giải thích rất… vô nghĩa và phớt lờ mọi quy định pháp lý?

Cơ quan quản lý ở đâu?

Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, một số nhân sự đang làm việc tại Sở GDCK cho biết, theo quy định hiện hành, Sở chỉ có thể đóng vai trò là cơ quan giám sát công bố thông tin, yêu cầu giải trình, chứ không có chức năng thẩm tra, yêu cầu xác minh làm rõ. Đây là lý do khiến tồn tại những giải trình rất… vô nghĩa của DN như trên.

Trong khi đó, tại đầu cơ quan quản lý cấp cao hơn, Đầu tư Chứng khoán cũng đang ghi nhận những khúc mắc của chính cơ quan này, liên quan đến quá trình thanh tra nghi vấn sai phạm của DN. Một số sai phạm đã được đưa vào tầm ngắm, nhưng rất tiếc, đến nay vẫn trong tình trạng để đó, vì vướng quy trình, thủ tục.

Phía sau một DN niêm yết, dù là quy mô nhỏ hay lớn, đều là hàng trăm, thậm chí hàng nghìn cổ đông. Ý nghĩa của sự minh bạch thông tin, không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến các cổ đông, mà ảnh hưởng đến niềm tin – điều quyết định sự tồn tại và phát triển của TTCK. Vì thế, nếu không có sự thay đổi trong tư duy lãnh đạo của DN, cơ chế chính sách và hành động kịp thời của cơ quan hữu quan, niềm tin của NĐT sẽ ngày càng theo biểu đồ đi xuống vì những vụ việc này.

Tin bài liên quan