Không thể không tăng giá bán lẻ điện?

0:00 / 0:00
0:00
Năm 2023, giá bán lẻ điện bình quân đã 2 lần tăng tổng cộng 7,5%, nhưng Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vẫn báo lỗ. “Trong bối cảnh này, không tăng giá bán lẻ điện không được”, PGS-TS. Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) bình luận.
 PGS-TS. Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính).

PGS-TS. Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính).

Sau một thời gian giữ giá để kiểm soát lạm phát và hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn do đại dịch, năm 2023, EVN đã 2 lần tăng giá bán lẻ điện bình quân và dự kiến tiếp tục tăng giá điện trong năm nay?

Theo quy định, hằng năm, sau khi kiểm tra giá thành sản xuất - kinh doanh điện của EVN, giá bán điện bình quân được xem xét, điều chỉnh theo biến động khách quan thông số đầu vào của tất cả các khâu từ phát điện, truyền tải, phân phối - bán lẻ điện đến điều hành, quản lý ngành và dịch vụ phụ trợ hệ thống điện. Trường hợp các thông số đầu vào giảm thì phải giảm ngay giá bán điện. Trường hợp các thông số đầu vào tăng làm giá bán điện bình quân tăng từ 3% trở lên so với giá hiện hành, thì giá điện được phép điều chỉnh tăng, nhưng khoảng cách giữa 2 lần tăng tối thiểu là 6 tháng.

Giá bán lẻ điện bình quân còn phải tuân theo Khung giá mức bán lẻ điện bình quân do Thủ tướng Chính phủ quy định. Trong giai đoạn 2016-2020, giá bán lẻ điện bình quân thực hiện theo khung giá này, nên bất chấp giá đầu vào tăng, giá bán lẻ điện không được vượt khung, thậm chí nhiều thời gian phải giảm để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, tổ chức vượt qua khó khăn do Covid-19.

Phải đến đầu tháng 2/2023, Thủ tướng Chính phủ mới ban hành Quyết định 02/2023/QĐ-TTg về khung giá bán điện mới, nên năm 2023, EVN đã 2 lần tăng giá điện bán lẻ, mức tăng tổng cộng là 7,5%. Dù vậy, EVN vẫn bị lỗ, nên năm nay buộc phải tăng giá điện bán lẻ.

Luật pháp đã cho phép, EVN lại kinh doanh độc quyền, nên giá điện bán lẻ có thể tiếp tục “được điều chỉnh tăng” trong nhiều năm nữa, đến khi EVN hết lỗ lũy kế?

Quyết định 24/2017/QĐ-TTg về cơ chế điều chỉnh mức giá điện bình quân cho phép EVN được tăng giá bán lẻ từ 3% đến dưới 5%. Trong trường hợp EVN tăng từ 5% đến dưới 10% (vẫn nằm trong khung giá và khoảng cách giữa 2 lần tăng tối thiểu là 6 tháng), thì phải được sự đồng ý của Bộ Công thương. Quy định là như vậy, nhưng thực tế, EVN không thể tự ý điều chỉnh giá điện, dù chỉ là 0,1%, mà phải được sự đồng ý của Bộ Công thương, Bộ Tài chính, thậm chí phải được sự chấp thuận của Chính phủ.

Được biết, đến hết năm 2023, EVN lỗ lũy kế khoảng 17.000 tỷ đồng, giảm 9.000 tỷ đồng so với năm 2022. Nếu không tăng giá bán lẻ điện, thì không có nguồn tài chính để tái đầu tư, tiếp tục sản xuất, phân phối điện, bảo đảm yêu cầu phục vụ phát triển kinh tế và sinh hoạt của người dân.

Nhưng người tiêu dùng làm sao biết được chính xác là EVN có bị lỗ thật hay không?

EVN là doanh nghiệp độc quyền, nhưng độc quyền nhà nước, chứ không phải độc quyền doanh nghiệp, nên được kiểm tra, giám sát chặt chẽ chi phí đầu ra, đầu vào, doanh thu, hao hụt được phép, biến động tỷ giá do phải nhập khẩu nguyên liệu đầu vào để sản xuất như than, khí gas, dầu... Toàn bộ hoạt động của EVN đều được kiểm toán bởi một trong những tổ chức kiểm toán uy tín nhất thế giới (hiện là Deloitte).

EVN kinh doanh độc quyền, nên Nhà nước phải kiểm soát, giám sát rất chặt chẽ để bảo vệ quyền và lợi ích của Nhà nước, người tiêu dùng, doanh nghiệp, cả nền kinh tế và cũng bảo đảm để EVN phát triển thì mới tăng được sản lượng điện, chất lượng điện phục vụ nền kinh tế, người tiêu dùng, doanh nghiệp. Vì vậy, ngay cả khi có báo cáo kiểm toán được kiểm toán bởi công ty kiểm toán hàng đầu thế giới, các cơ quan quản lý nhà nước như Bộ Công thương, Bộ Tài chính, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp vẫn phải kiểm tra, rà soát lại. Chưa kể, cũng như các tập đoàn, tổng công ty nhà nước nước, ngân hàng thương mại, EVN là một trong những đầu mối thường xuyên được Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán.

Theo ông, năm nay giá điện sẽ tăng mấy lần và tăng bao nhiêu để EVN hết lỗ?

Nền kinh tế nước ta theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Với ngành điện, đầu vào hoàn toàn theo cơ chế thị trường, nhưng đầu ra thì Nhà nước phải kiểm soát. Theo kết quả kiểm toán của Deloitte, năm 2023, giá bán lẻ điện bình quân phải tăng 13-15%, thì EVN mới đủ bù đắp chi phí, nhưng Nhà nước chỉ cho phép tăng tổng cộng 7,5% và phải chia làm 2 lần để “giảm sốc”.

Còn năm nay, giá điện tăng mấy lần, tăng bao nhiêu, sẽ được các bộ, ngành nghiên cứu, tính toán để vừa bảo đảm cho EVN giảm được lỗ lũy kế, có nguồn tài chính để tái đầu tư, nâng cao chất lượng điện năng, vừa bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tăng khả năng cạnh tranh của nền kinh tế, thu hút đầu tư trong và ngoài nước, phù hợp với khả năng chi trả của người dân.

Để ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, phù hợp với sức chi trả của người dân, mỗi năm tăng giá điện “nhỏ giọt” vài lần, theo ông đến khi nào giá điện mới ngừng tăng?

Trong thực tế và trong kinh tế học, thì giá hàng hóa, dịch vụ không bao giờ ngừng tăng. Ngay cả những nền kinh tế hùng mạnh nhất thế giới như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc, Anh quốc..., ngoại trừ những thời kỳ đặc biệt mới diễn ra giảm phát, còn lại đều lạm phát, mức lạm phát thông thường khoảng 2-3%, nên ngân hàng trung ương các nước đều lấy mặt bằng giá cả hàng hóa, dịch vụ tăng khoảng 2% là lạm phát mục tiêu hàng năm.

Theo nguyên lý và thực tế trên, thì đầu vào của sản xuất, phân phối điện hàng năm đều tăng, ít nhất cũng 2-3%. Chưa kể, hàng năm, phải điều chỉnh lương tối thiểu vùng và cũng như tất cả doanh nghiệp trong mọi ngành khác, chi phí lương cho người lao động của EVN tăng, nên giá điện chỉ có tăng, cơ hội giảm giá chỉ là hãn hữu, nhất thời.

Tin bài liên quan