“Nhà nước không khuyến khích những việc làm như thế. Nếu Nhà nước chấp thuận thì lần sau các chủ đầu tư khác cũng làm sai”, ông Nghị nói.
Trước đó, dư luận Hà Nội và cả nước đã bày tỏ sự bất bình khi chủ đầu tư Dự án cao ốc số 8B Lê Trực tự ý điều chỉnh tăng chiều cao vượt khoảng 16 m, tương đương 5 tầng và xây dựng thêm tầng 19 tại một vị trí rất gần Quảng trường Ba Đình.
Vậy là quyết định về việc này đã rõ, chủ đầu tư cũng đã có động thái “tự xử lý”, dù quan sát tại hiện trường cả một dự án to đùng chỉ có vài ba công nhân đục đục đẽo đẽo phần sai phạm. Nhưng câu hỏi đặt ra là từ “đề xuất hiến tặng” này cho thấy điều gì?
Trong suốt một thời gian dài, việc “phạt cho tồn tại” trong lĩnh vực quản lý trật tự xây dựng đô thị tại Hà Nội diễn ra một cách phổ biến. Việc “sống chung với sai phạm” đã từng được nhiều chủ đầu tư dự án bất động sản thực hiện thành công, mà trường hợp Dự nhà chung cư N04B1 (Khu đô thị mới Dịch Vọng) là một ví dụ điển hình.
Năm 2014, người dân Tòa nhà N04B2 (Khu đô thị mới Dịch Vọng) đã gửi đơn khiếu nại đến cơ quan chức năng về việc CTCP Phát triển Đô thị Từ Liêm (Lideco) - chủ đầu tư Dự nhà chung cư N04B1 (tòa nhà bên cạnh nhà N04B2) đã tăng chiều cao xây dựng từ 11 tầng theo quy hoạch ban đầu lên thành 17 tầng và 2 tầng kỹ thuật. Tuy nhiên, vụ việc sau đó đã được chủ đầu tư dàn xếp ổn thỏa và Dự án vẫn được xây dựng vượt thêm nhiều tầng so với quy hoạch ban đầu.
Tại những dự án khác như Chung cư Yên Hòa - Thăng Long (Chủ đầu tư Công ty TNHH Thăng Long), Dự án Sky City 88 Láng Hạ (Chủ đầu tư Công ty TNHH HANOTEX), Trụ sở CTCP Tư vấn và Đầu tư Xây dựng CICC Hà Nội, Tòa nhà LOD số 38 Trần Thái Tông (Chủ đầu tư CTCP Hợp tác Lao động Nước ngoài - LOD, đơn vị nhận chuyển nhượng dự án là Tập đoàn Phúc Lộc)… cũng từng bị người dân khiếu nại về những vi phạm trong chấp hành trật tự xây dựng nhưng chưa được xử lý thỏa đáng.
Theo báo cáo của Thanh tra Xây dựng TP. Hà Nội, chỉ trong nửa năm của năm 2014, qua kiểm tra 7.696 công trình xây dựng, đã phát hiện 1.157 trường hợp vi phạm. Tuy nhiên, số công trình buộc phải phá dỡ là khá khiêm tốn.
Trong một động thái cứng rắn được cho là nhắm đến việc xử lý một cách có hệ thống những công trình xây dựng sai phép, ngày 25/11 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đã ký Công văn số 2779/BXD-HĐXD gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường quản lý trật tự xây dựng đô thị.
Theo đó, để khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý đô thị, Bộ Xây dựng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và chính quyền đô thị các cấp tăng cường quản lý xây dựng theo giấy phép được cấp và quản lý thực hiện quy hoạch đô thị đã được phê duyệt; tránh tình trạng điều chỉnh quy hoạch đô thị tùy tiện làm phát sinh cơ chế “xin - cho” trong việc cấp giấy phép xây dựng.
Đồng thời, tiến hành kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về cấp phép xây dựng và quản lý xây dựng theo giấy phép đối với các công trình đang xây dựng trên địa bàn, xử lý nghiêm và dứt điểm các trường hợp vi phạm trong quản lý trật tự xây dựng đô thị theo đúng quy định của pháp luật.
Văn bản trên được ban hành, bởi theo Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng, công tác quản lý trật tự xây dựng nhiều đô thị hiện vẫn còn thiếu quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị, quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị dẫn đến lúng túng trong thực hiện cấp phép xây dựng; đặc biệt đã có những công trình xây dựng không phép hoặc sai phép, không tuân thủ các chỉ tiêu về quy hoạch, kiến trúc theo giấy phép xây dựng, làm ảnh hưởng đến không gian kiến trúc cảnh quan đô thị và gây bức xúc trong nhân dân.
Bài học 8B Lê Trực là rất cần thiết với các các chủ đầu tư. Nhưng có lẽ sẽ “đẹp” hơn rất nhiều khi xử lý nghiêm từ khi tiền kiểm. Tránh để khi công trình đã chình ình ra rồi mới “cắt tỉa”, vừa tốn công, vừa tốn của, lại tạo ra những luồng dư luận không hay trong xã hội.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com