Mục tiêu quan trọng nhất là cần hài hòa lợi ích của các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh trong nước, người tiêu dùng và các doanh nghiệp sử dụng xăng dầu trong nước là đầu vào.
Cả nước hiện có 33 đầu mối để nhập khẩu xăng dầu tại Việt Nam thực hiện theo Nghị định 83 của Chính phủ. Trong 3 tháng vừa qua, các đầu mối này cũng đã gặp rất nhiều khó khăn khi giá xăng đầu đã điều chỉnh giảm 8 lần liên tiếp và mới đây chỉ điều chỉnh tăng nhẹ. Theo đánh giá của Bộ Công thương, nếu hạn chế, hay cấm nhập khẩu xăng dầu thì 33 doanh nghiệp đầu mối này sẽ bị ảnh hưởng.
Ngoài ra, nếu Việt Nam cấm nhập khẩu tức là cấm các nước khác xuất khẩu xăng dầu, sẽ dẫn tới các tác động tiêu cực, khiến các nước cũng có thể xem xét cấm lại các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam xuất khẩu.
Dẫn thực tế năm 2019 Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn phải bảo dưỡng 1,5 tháng, đồng thời lại bị sự cố kéo dài hơn 1 tháng, Bộ Công thương đã phải yêu cầu doanh nghiệp đầu mối khẩn trương nhập khẩu từ nước ngoài để bù đắp, ông Hải khẳng định, cần phải cân nhắc, hài hoà lợi ích nhiều bên, trong đó có việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, tránh việc phụ thuộc vào một vài đầu mối có thể dẫn đến thiếu hụt nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước.