Dự thảo Luật Hỗ trợ DNNVV đã đề xuất việc thành lập 3 quỹ, bao gồm Quỹ Bảo lãnh tín dụng DNNVV, Quỹ Phát triển DNNVV và Quỹ Đầu tư khởi nghiệp sáng tạo tại địa phương. Tuy nhiên, góp ý về Dự thảo Luật, nhiều quan điểm cho rằng, không nên thành lập quá nhiều quỹ hỗ trợ, bởi nguồn lực có hạn.
Tuy nhiên, cho lý giải của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thì không sợ có quá nhiều quỹ hỗ trợ DNNVV. Theo Bộ trưởng, ban đầu, Dự thảo Luật đề xuất xây dựng 4 quỹ, nhưng sau đó tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Ban soạn thảo đã trình các cơ quan Quốc hội bỏ quỹ đầu tư mạo hiểm.
“Bây giờ còn 3 quỹ, nhưng thực chất hai quỹ đã và đang hoạt động. Chỉ bổ sung một quỹ mới là Quỹ Đầu tư khởi nghiệp sáng tạo tại địa phương. Vì sao đề nghị quỹ này là bởi vì đây là quỹ hết sức cần thiết để cổ vũ, khuyến khích cho hoạt động đổi mới sáng tạo. Có thêm quỹ này cũng là để tạo thêm các kênh cung cấp vốn hỗ trợ cho doanh nghiệp, cũng như tăng tính cạnh tranh giữa các quỹ hiện nay. Chúng tôi cho rằng 3 quỹ cũng là hợp lý và cũng theo các mục tiêu của chúng ta. Xin Quốc hội chấp nhận cho”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Trước đó, khi đọc báo cáo thẩm tra Dự thảo Luật Hỗ trợ DNNVV, ông Vũ Hồng Thanh, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng cho biết, Dự thảo Luật chỉ quy định về ba quỹ, trong đó có hai quỹ đã được thành lập và hoạt động. Tuy nhiên, hiệu quả hoạt động của hai quỹ này còn hạn chế, vì vậy cần kiện toàn tổ chức và mô hình hoạt động để hỗ trợ DNNVV hiệu quả hơn.
Cụ thể, đến nay đã có 27 quỹ được thành lập tại các địa phương, tuy nhiên hiệu quả hoạt động chưa cao. Tính đến giữa năm ngoái, các quỹ này có tổng vốn điều lệ thực có ước khoảng 1.462 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách nhà nước cấp là 1.318,4 tỷ đồng, vốn góp của các tổ chức, hiệp hội ngành nghề là 143,6 tỷ đồng.
Lũy kế doanh số bảo lãnh của các Quỹ Bảo lãnh tín dụng từ năm 2002 đến 30/6/2016 ước khoảng trên 4.161 tỷ đồng, tổng số dư bảo lãnh khoảng 361 tỷ đồng. Tổng số tiền các Quỹ Bảo lãnh tín dụng đã phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ thay cho DNNVV ước khoảng 137,95 tỷ đồng.
“Năng lực tài chính của Quỹ Bảo lãnh tín dụng tại các địa phương còn hạn chế, vốn hoạt động bảo lãnh tín dụng thấp, một số quỹ chưa đáp ứng đủ vốn điều lệ theo quy định của pháp luật hiện hành; quy mô còn nhỏ, số dư trích lập dự phòng rủi ro của quỹ thấp chưa đảm bảo bù đắp chi phí khi có rủi ro xảy ra, nguồn thu từ phí bảo lãnh thấp không đảm bảo để thực hiện nhiệm vụ, trong khi rủi ro bảo lãnh cao nên hoạt động của quỹ còn gặp nhiều khó khăn”, ông Thanh cho biết.
Trong khi đó, Quỹ phát triển DNNVV được thành lập năm 2013 và thực hiện cho vay DNNVV đáp ứng tôn chỉ mục đích của quỹ. Tuy nhiên, mô hình hoạt động của quỹ còn mới, chưa có khung pháp lý cụ thể, quy định rõ ràng, đến nay quỹ mới thực hiện cho vay được rất ít.
Cụ thể, tuy có vốn điều lệ quy định là 2.000 tỷ đồng, nhưng đến nay, mới có 837,25 tỷ đồng vốn điều lệ được cấp. Hiện số DNNVV hoàn thiện đầy đủ hồ sơ để vay vốn là 100 DNNVV, với nhu cầu là trên 600 tỷ đồng. Tuy nhiên, tổng số vốn hỗ trợ thực tế Quỹ đã ủy thác cho ngân hàng để giải ngân cho DNNVV chỉ là 110 tỷ đồng.
Còn với Quỹ Đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, theo ông Vũ Hồng Thanh, để đạt được mục tiêu đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế, Nhà nước cần có chính sách khuyến khích đầu tư vào các ngành nghề lĩnh vực mới, dựa trên tri thức và đổi mới sáng tạo. Do đó, rất cần tạo ra khung pháp lý để khuyến khích các nguồn vốn chủ yếu của xã hội và tư nhân đầu tư cho các lĩnh vực này.
“Dự thảo Luật quy định về Quỹ Đầu tư khởi nghiệp sáng tạo. Đây là quỹ mới, thực chất là quỹ rủi ro mạo hiểm đã hoạt động thành công ở nhiều quốc gia trên thế giới. Việc thành lập quỹ này có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo”, ông Thanh nói và cho biết, Dự thảo Luật quy định mang tính nguyên tắc, tạo hành lang pháp lý để thực hiện chủ trương xã hội hóa nguồn lực hỗ trợ DNNVV, Quỹ này tập trung hỗ trợ DNNVV khởi nghiệp sáng tạo.
Quy định của Dự thảo Luật nhằm công nhận và khuyến khích khu vực tư nhân góp vốn hợp pháp thành lập Quỹ Đầu tư khởi nghiệp sáng tạo của tư nhân để đầu tư, tài trợ cho các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân khởi nghiệp sáng tạo. Căn cứ khả năng ngân sách, vốn đầu tư từ nguồn ngân sách địa phương không quá 30% tổng vốn đầu tư vào doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.
Liên quan đến việc hình thành các quỹ hỗ trợ DNNVV, đại biểu Lê Anh Tuấn (Hà Tĩnh) cho rằng, cần đánh giá chính xác toàn diện tính hiệu quả của các quỹ đã được thành lập, từ đó có cơ sở thực tiễn xem xét việc có nên hay không nên thành lập thêm loại hình quỹ mới.
“Trường hợp thành lập mới Quỹ Đầu tư khởi nghiệp sáng tạo thì đề nghị cần làm rõ các vấn đề pháp lý về chu trình hoàn vốn, trình tự thủ tục pháp lý về thoái vốn của quỹ khi doanh nghiệp được đầu tư thành công, cơ chế xử lý khi doanh nghiệp được đầu tư từ quỹ mà bị phá sản”, ông Tuấn nói.