Không sợ cổ phiếu bị cắt margin

Không sợ cổ phiếu bị cắt margin

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thời gian này, không ít cổ phiếu bị loại khỏi danh sách được giao dịch ký quỹ (margin) vẫn nhận được sự quan tâm của nhà đầu tư.

Cổ phiếu lớn cũng bị cắt margin

Trong danh sách 88 cổ phiếu không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ tính đến ngày 9/9, có một số cổ phiếu đầu ngành, hoặc nổi bật trong ngành như PLX, HVN, DXG, MSH…

Các cổ phiếu này không được cấp margin chủ yếu do doanh nghiệp có lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm bị âm, hoặc báo cáo chưa được chấp thuận toàn bộ từ đơn vị kiểm toán.

Kết quả kinh doanh các doanh nghiệp niêm yết nửa đầu năm đã phản ánh bức tranh màu xám đối với nhiều nhóm ngành.

Chỉ có 4/19 ngành theo phân cấp ICB cấp 2 có kết quả tương đối khả quan, trong khi các nhóm ngành khác ngập chìm trong khó khăn bởi đại dịch Covid-19 gây ra đối với nền kinh tế.

Cụ thể, nhóm ngành hóa chất, tài nguyên cơ bản, y tế... ghi nhận doanh thu tăng trưởng và lợi nhuận sau thuế dương; nhiều ngành khác như dầu khí, kinh doanh dịch vụ ghi nhận tăng trưởng âm; ngành dịch vụ, du lịch, bất động sản có kết quả kinh doanh giảm sút.

Từ bức tranh lợi nhuận 6 tháng đầu năm và chiếu theo các quy định về việc cấp mã margin, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã đưa ra danh sách cổ phiếu mà các công ty chứng khoán không được phép cho vay ký quỹ.

Dòng tiền không tháo chạy

Bà Nguyễn Ngọc Lan, Phó tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Agribank cho biết, trong những giai đoạn thị trường tăng điểm trước đây, chẳng hạn năm 2017, khi giá cổ phiếu tăng cao, vòng quay cổ phiếu lớn và lượng margin “căng”, thì cắt margin bất ngờ sẽ khiến giá cổ phiếu đó nói riêng, thị trường nói chung bị tác động tiêu cực.

Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, thông thường các cổ phiếu bị cắt margin đều trải qua giai đoạn xấu, hoặc có thông tin tiêu cực từ trước.

Dư nợ margin trên thị trường ước tính hơn 45.000 tỷ đồng, tập trung vào nhóm cổ phiếu vốn hoá lớn và vừa.

Ví dụ, cổ phiếu MSH giảm giá khi có tin đối tác phá sản, cổ phiếu PLX đi xuống khi giá dầu lao dốc.

Vì thế, khi quyết định cắt margin được công bố thì giá cổ phiếu đã giảm về mức hợp lý và lượng margin giờ đây nhìn chung không cao nên không gây tác động nhiều.

Trong khi đó, không ít cổ phiếu có vị thế lớn trong ngành với khối tài sản có giá trị, vì vậy không gặp áp lực bán mạnh trên thị trường.

Tất nhiên, hoạt động cắt giảm margin có thể sẽ gây xáo trộn dòng tiền ngắn hạn, tùy thuộc vào trạng thái margin của từng cổ phiếu, khả năng thu xếp tài chính của nhà đầu tư nếu muốn giữ trạng thái danh mục và diễn biến của thị trường chung.

Theo Công ty Chứng khoán VPS, khả năng tháo chạy của dòng tiền khỏi các cổ phiếu bị cắt margin khó xảy ra.

Nhà đầu tư không còn lo ngại như trước, mà đánh giá trị cốt lõi của doanh nghiệp, tìm hiểu khó khăn mà doanh nghiệp gặp phải, lượng hóa các rủi ro để đưa ra quyết định nắm giữ, giảm tỷ trọng hay thoát khỏi vị thế với từng trường hợp cụ thể.

Hơn nữa, do thị trường sớm nhìn nhận bức tranh kinh doanh của nhiều doanh nghiệp khó khăn do tác động của Covid-19 nên danh sách cắt margin được công bố không gây bất ngờ.

Đơn cử, chuyển động của mã HVN cho thấy, khi có thông báo của HOSE về việc cắt margin ngày 1/9 thì cả 7 phiên giao dịch sau đó giá cổ phiếu này vẫn dao động trên ngưỡng 26.000 đồng/cổ phiếu.

Đối với thị trường chứng khoán nói chung, trong điều kiện thị trường khả quan thì việc cắt giảm các mã được phép margin sẽ không ảnh hưởng nhiều tới diễn biến của chỉ số.

Ngược lại, nếu thị trường có xu hướng giảm thì mức độ tác động mạnh hơn do các cổ phiếu có nguy cơ bị giải chấp. Trong đó, cổ phiếu nhóm vốn hóa trung bình ít bị ảnh hưởng hơn nhóm bluechips.

… Nhưng vẫn nên thận trọng

Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán VPS lưu ý, bị loại khỏi danh sách margin là tín hiệu cảnh báo nhà đầu tư hãy thận trọng đối với các doanh nghiệp đang gặp khó khăn, hoặc có tình hình kinh doanh đi xuống bởi câu chuyện quản trị rủi ro.

Tuy nhiên, có những doanh nghiệp chỉ gặp khó khăn tạm thời, kết quả kinh doanh đi xuống nhưng sau đó hồi phục. Do vậy, nhà đầu tư nên tìm hiểu thêm câu chuyện bên trong doanh nghiệp, chất lượng tài sản, giá trị nội tại như thế nào để có cách ứng xử phù hợp với cổ phiếu.

Trước đây, các doanh nghiệp như VIS, PPC, PVT, DHC... có những giai đoạn khó khăn nên giá cổ phiếu xuống thấp, hoặc bị loại khỏi danh sách margin, nhưng sau đó có bước chuyển mình tăng giá mạnh.

Các mã bị cắt margin do doanh nghiệp kinh doanh yếu kém và giá cổ phiếu xuống thấp thường xảy ra đối với nhóm cổ phiếu chu kỳ như dầu khí, hóa chất, bất động sản trong giai đoạn suy thoái, khi bước vào giai đoạn phục hồi thì giá cổ phiếu có xu hướng đi lên.

Ông Bùi Nguyên Khoa, Trưởng nhóm vĩ mô - thị trường, Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) cho rằng, quy chế hướng dẫn giao dịch ký quỹ chứng khoán ngoài việc cung cấp tiện ích cho thị trường cũng cần hướng tới bảo vệ nhà đầu tư và thị trường chứng khoán.

Trong quá trình lượng hóa cổ phiếu của doanh nghiệp tốt, minh bạch cùng với những quy định cứng thì cũng khó tránh việc một số cổ phiếu tốt vì các lý do khác nhau rơi vào diện không được cấp margin.

Các cấp độ cảnh báo được chia thành nhiều nhóm và trường hợp với dạng nhắc nhở vi phạm, cảnh báo, kiểm soát, kiểm soát đặc biệt, tạm ngừng giao dịch và hủy niêm yết bắt buộc có liên quan đến việc cấp margin.

Các cổ phiếu tốt sẽ sớm quay lại trạng thái được cấp margin sau khi khắc phục được lỗi vi phạm.

Anh Lê Văn Đức, nhà đầu tư tại Hà Nội cho biết, việc loại bỏ margin đối với cổ phiếu của các doanh nghiệp yếu kém, kinh doanh thua lỗ là bức rào ban đầu để hạn chế rủi ro đối với nhà đầu tư khi lựa chọn cổ phiếu.

Nhưng tùy thuộc vào mã cổ phiếu cũng như nhu cầu vay vốn, khẩu vị rủi ro của nhà đầu tư mà công ty chứng khoán có cách xử lý linh hoạt, hợp lý.

“Cổ phiếu bị cắt margin, nhưng công ty chứng khoán vẫn có thể áp dụng cơ chế linh hoạt với nhà đầu tư. Tỷ lệ cổ phiếu đang được cho vay và khả năng thu hồi vốn nếu trường hợp xấu xảy ra sẽ quyết định đến việc công ty áp dụng cơ chế riêng cho mỗi trường hợp”, anh Đức nói.

“Vết sẹo” margin khó lặp lại

Tháng 10/2019, HOSE công bố danh sách các mã chứng khoán không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ (margin) quý IV/2019 với lý do báo cáo tài chính 6 tháng 2019 không phải là ý kiến chấp nhận toàn phần của tổ chức kiểm toán, trong đó có cổ phiếu của một số doanh nghiệp lớn như PLX, HAG, BHN. Trong phiên giao dịch ngày 4/10, sau khi có thông tin về việc cắt giảm margin, giá cổ phiếu PLX giảm 3,3%, tương đương tổng vốn hóa giảm hơn 2.300 tỷ đồng.

Trước đó, một số cổ phiếu khác có giá giảm mạnh sau thông tin bị cắt margin như MSN năm 2014, hay PVX năm 2012…, cộng với áp lực giải chấp khiến giá giảm từ 30 - 40% chỉ trong 1 tháng.

Hiện tại (tháng 9/2020), dư nợ margin trên thị trường ước tính hơn 45.000 tỷ đồng, tập trung vào nhóm cổ phiếu vốn hoá lớn và vừa. Đối với nhóm cổ phiếu vốn hoá nhỏ, nhiều công ty chứng khoán đã cắt giảm rất mạnh số mã cũng như tỷ lệ được margin, sau “cú sốc” FTM. Diễn biến khá ổn định của thị trường hiện nay được nhận định không đáng lo ngại cho một đợt giải chấp (nếu có) đối với những cổ phiếu bị cắt margin trong quý III/2020.

Tin bài liên quan