Cuối năm 2014 và đầu năm 2015, trên thị trường xuất hiện thông tin Saigonbank sẽ sáp nhập vào một ngân hàng khác, cụ thể là Vietcombank. Bởi vậy, trong ĐHCĐ thường niên 2015 diễn ra ngày 24/4, các cổ đông kỳ vọng sẽ được biết cụ thể về việc sáp nhập này. Thế nhưng, những gì diễn ra tại Đại hội kiến cổ đông Saigonbank bất ngờ, HĐQT Saigonbank vẫn chưa trình chủ trương sáp nhập, cho dù nợ xấu tăng cao, lợi nhuận thấp.
Theo BCTC hợp nhất năm 2014 của Saigonbank, Ngân hàng đạt 230 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong năm qua, tỷ lệ nợ xấu chiếm dưới 5% tổng dư nợ; cổ tức năm 2014 chia ở mức 3,5%. Vốn điều lệ của Saigonbank đạt 4.000 tỷ đồng, tăng 920 tỷ đồng so với năm 2013. Theo kế hoạch trình ĐHCĐ năm 2015, Saigonbank đặt mục tiêu nâng tổng tài sản lên 19.300 tỷ đồng cuối năm 2015; tăng trưởng huy động vốn 24%: tín dụng tăng 7%; nợ xấu dưới 3% trên tổng dư nợ. Tuy nhiên, điều đáng chú ý là chỉ tiêu lợi nhuận 2015, Saigonbank chỉ đưa ra ở mức 50 tỷ đồng trước thuế, giảm 78% so với thực hiện năm 2014.
Được biết, cổ đông lớn của Saigonbank hiện nay ngoài Thành ủy (UBND TP. HCM), cũng chính là Vietcombank. SaigonBank là NHTM cổ phần đầu tiên ra đời sau giải phóng, với nguồn vốn chính được cấp từ NHNN, sau chuyển cho Ban Tài chính quản trị Thành ủy TP. HCM và một số ngân hàng quốc doanh, trong đó có Vietcombank. Các thế hệ lãnh đạo của SaigonBank phần lớn xuất thân từ Vietcombank. Bà Trần Thị Việt Ánh, Tổng giám đốc Saigonbank hiện tại đã từng nhiều năm công tác tại Vietcombank.
Mặc dù không nằm trong danh sách tái cấu trúc bắt buộc theo yêu cầu của NHNN đưa ra, song với quy mô vốn điều lệ còn khiêm tốn cùng sức cạnh tranh trên thị trường hạn chế, Saigonbank phải từng bước đẩy mạnh quá trình tái cấu trúc trong những năm gần đây để có thể tồn tại.
Theo đó, nhóm biện pháp cơ cấu lại hoạt động của SaigonBank đưa ra gồm: tái cấu trúc danh mục vốn đầu tư, tăng hiệu quả kinh doanh từ việc khai thác các tài sản ngân hàng hiện có. Hình thành các bộ phận nghiên cứu thị trường và phát triển sản phẩm dịch vụ ngân hàng theo đối tượng khách hàng; đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ và tăng dần tỷ trọng thu nhập phi tín dụng trong cơ cấu thu nhập.
Đồng thời, tích cực triển khai các giải pháp hạn chế và giảm dần nợ xấu, đẩy mạnh xử lý nợ theo đề án đã được NHNN thông qua. Tuy nhiên, với mức vốn điều lệ hiện nay chỉ trên 3.000 tỷ đồng và nợ xấu vẫn là mối quan tâm lớn của Saigonbank thì việc tái cơ cấu là một vấn đề khó.
Theo kế hoạch đưa ra cho năm 2015, Saigonbank tiếp tục tăng vốn điều lệ lên 4.000 tỷ đồng (tăng 920 tỷ so với năm 2014). Đây là kế hoạch đã được Saigonbank đưa ra cho năm ngoái, nhưng đến nay vẫn chưa thể triển khai. Phát biểu tại ĐHCĐ Saigonbank ngày 24/4, Cục trưởng Cục II Cơ quan Giám sát NHNN, ông Nguyễn Văn Dũng cho rằng, một khi đã đưa ra kế hoạch tăng vốn trong năm nay, Saigonbank phải có giải pháp để đạt được.
Việc Saigonbank sáp nhập vào Vietcombank như thông tin đưa ra được xem là giải pháp khả thi nhất cho nhà băng này, nhất là khi nợ xấu tăng cao. Ngược lại, gánh nặng xử lý nợ xấu nếu sáp nhập SaigonBank, với Vietcombank là rất nhỏ. Trong khi đó, cái lợi mà Vietcombank có được sẽ lớn hơn nhiều, đó là mạng lưới chi nhánh, đội ngũ nhân viên và số lượng khách hàng khá lớn.
Một lãnh đạo cấp cao trong ngành ngân hàng cho rằng, nếu không tính đến chuyện sáp nhập, Saigonbank khó có thể tự đứng vững trong tương lai xa khi ngành ngân hàng đang đẩy mạnh tái cơ cấu và chủ trương của NHNN đưa ra là giảm số lượng ngân hàng xuống còn 20 đơn vị trong hệ thống vào cuối năm 2017. Mặt khác, với thông tin sáp nhập vào Vietcombank, là một ngân hàng lớn, có thương hiệu và uy tín trên thị trường hiện nay, giá cổ phiếu Vietcombank cũng đang ở mức khá cao so với Saigonbank, thì việc sáp nhập sẽ giúp cổ đông của Saigonbank có lợi, quan trọng là tỷ lệ chuyển đổi ở mức nào. Vì thế, theo vị lãnh đạo này, Saigonbank nên xem xét để tính chuyện sáp nhập.
Trong thương vụ sáp nhập SaigonBank -Vietcombank, cơ quan quản lý cũng khuyến khích cả 2 bên tự tìm hiểu, tự lên phương án tái cơ cấu. Tại cuộc họp ĐHCĐ bất thường của Vietcombank cuối năm 2014, Vietcombank một lần nữa đề nghị cổ đông chấp thuận chủ trương sáp nhập thêm với một ngân hàng khác. Tuy tại thời điểm đó chưa hé lộ tên ngân hàng sáp nhập, nhưng ai cũng có thể dự đoán được chính là Saigonbank.
Thế nhưng, diễn biến trên đã đi theo chiều hướng ngược lại. Không chỉ phía Saigonbank chưa trình cổ đông về phương án sáp nhập mà trong kỳ ĐHCĐ thường niên năm nay, Vietcombank cũng chưa trình cổ đông phương án sáp nhập cụ thể ngân hàng nào. Trong 5 TCTD mà Vietcombank sở hữu cổ phần, ngân hàng này sẽ phải thoái vốn theo quy định của Thông tư 36.
Ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Vietcombank cho biết, về kế hoạch sáp nhập một tổ chức tín dụng khác, tại ĐHCĐ bất thường tháng 12 năm ngoái, Ngân hàng đã xin ý kiến cổ đông cho chủ động tìm kiếm, hợp nhất, sáp nhập với TCTD khác khi có điều kiện. Đến thời điểm này, do phải tìm hiểu thêm nên vẫn chưa có phương án nào cụ thể. Khi chính thức tìm được đối tác, HĐQT sẽ thông báo cổ đông sau.