Nhiều chủ đầu tư đã bắt đầu lên kế hoạch giới thiệu sản phẩm ra thị trường. (Ảnh minh họa).
Hàng tồn kho tăng mạnh
Dù chịu ảnh hưởng từ Covid-19, nhưng kết quả kinh doanh của một số doanh nghiệp bất động sản vẫn đầy triển vọng. Tuy nhiên, lượng hàng tồn kho lại tăng mạnh.
Báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2021 của Tập đoàn Đất Xanh cho thấy, hàng tồn kho của Đất Xanh ghi nhận 11.141 tỷ đồng, tăng 9%. Chiếm phần lớn là 10.212 tỷ đồng bất động sản dở dang phân bổ tại các dự án: Gem Riverside (1.563 tỷ đồng), Gem Sky World (3.302 tỷ đồng), La Maison (555 tỷ đồng), Phố Mơ (383 tỷ đồng)...
Đất Xanh cũng đã đẩy hết tồn kho bất động sản dở dang 1.199 tỷ đồng của dự án Opal Boulevard, thay vào đó là ghi nhận thêm 118 tỷ đồng tồn kho bất động sản thành phẩm từ dự án này.
Về khoản tồn kho thành phẩm, trong kỳ Công ty cũng ghi nhận thêm 102 tỷ đồng từ Dự án Gem Sky World và 109 tỷ đồng từ Dự án Khu dân cư Yên Thanh, bên cạnh các dự án An Viên, Sunview, Luxgarden hay Khu dân cư nút giao thông Phó Đức Chính và Ngô Quyền có tồn kho giữ nguyên so với giá trị đầu năm.
Chi phí xây dựng cơ bản dở dang tại thời điểm 30/9 là 645,6 tỷ đồng, không tăng so với con số 645,3 tỷ đồng đầu năm, bao gồm chi phí tại Dự án Opal Tower, Dự án Sân Golf và khu biệt thự sinh thái, cùng chi phí dự án khác.
Tương tự, tính đến 30/9/2021, Công ty cổ phần Đầu tư Nam Long ghi nhận giá trị tổng tài sản là 24.116 tỷ đồng, tăng 77% so với đầu năm. Đáng chú ý, lượng hàng tồn kho ở mức rất cao với 17.654 tỷ đồng, cao gấp gần 3 lần so với hồi đầu năm 2021. Trong đó tập trung lớn nhất là ở các dự án: Izumi, Southgate, Akari, Paragon Đại Phước và Waterpoint.
Tại Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển bất động sản An Gia, tổng tài sản cuối quý III ghi nhận xấp xỉ 11.830 tỷ đồng, tăng hơn 21% so với đầu năm. Trong đó, hàng tồn kho chiếm 7.221 tỷ đồng, tương ứng 61% tổng giá trị tài sản và tăng khoảng 26% so với đầu năm. Trong kỳ, Công ty cũng ghi nhận thêm 1.097 tỷ đồng tồn kho tại Dự án The Standard.
Một số doanh nghiệp khác cũng có tồn kho tăng như DRH Holding, Khải Hoàn Land, Nhà Khang Điền…
Không quá lo ngại
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, bà Trần Thùy Linh, Phó giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng địa ốc Đức Linh cho biết, lượng hàng tồn kho bất động sản tăng lên trong trường hợp xấu sẽ trở thành gánh nặng cho doanh nghiệp nói riêng và cho nền kinh tế nói chung. Song, trong thời điểm hiện nay, đó không phải là tồn kho, mà chỉ là sản phẩm chưa bán hoặc đang trong quá trình chuẩn bị tung ra thị trường của các doanh nghiệp địa ốc.
“Nếu chỉ nhìn vào báo cáo tài chính của một doanh nghiệp bất động sản và thấy con số hàng tồn kho là cả ngàn tỷ đồng, nhiều người cho rằng doanh nghiệp đó đang lâm vào khủng hoảng nặng nề là hoàn toàn nhầm. Bởi lẽ, đặc thù ngành nghề này là hàng tồn kho có những đặc điểm riêng không giống như các ngành sản xuất hay tiêu dùng khác”, bà Linh nói.
Một thực tế trên thị trường hiện nay là nguồn cung các dự án bất động sản mới ngày càng ít, những sản phẩm tốt, được phát triển bởi những doanh nghiệp uy tín vẫn luôn được nhà đầu tư săn đón.
Đơn cử, tại Dự án The Peak Garden (quận 7, TP.HCM) của Tập đoàn Hưng Lộc Phát, nhận được sự quan tâm lớn từ nhà đầu tư dù chỉ mới công bố ra thị trường vài ngày. Hay như Dự án Moonlight Centre Point (quận Bình Tân, TP.HCM) của Tập đoàn Hưng Thịnh cũng thu hút được sự quan tâm rất lớn từ các nhà đầu tư, chỉ trong thời gian ngắn, 600 căn hộ thuộc 2 block của dự án đã có chủ ngay từ khi mở bán trên kênh online.
Tập đoàn An Gia cũng tham gia vào “đường đua” trong thời gian những tháng cuối năm 2021. Đại diện doanh nghiệp này cho biết, sẽ tiếp tục triển khai kế hoạch hoàn tất bán hàng, xây dựng và bàn giao sản phẩm của các dự án Sky89 (TP.HCM) và The Sóng (Bà Rịa - Vũng Tàu).
Dự báo về thị trường trong thời gian tới, ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc Nghiên cứu & Phát triển DKRA Vietnam cho rằng, giao dịch trên thị trường trong quý IV/2021 sẽ sôi động hơn vì cuối năm là thời điểm nhiều người tìm mua nhà đất, nhưng sẽ không xảy ra sốt nóng. Bước sang năm 2022, áp lực tăng giá sẽ rất lớn bởi các lý do chính đã bắt đầu xuất hiện từ quý I/2021 như chi phí vật liệu xây dựng tăng, chi phí đầu vào tăng.
Đặc biệt, từ quý II/2022, khi kinh tế phát triển trở lại, Việt Nam hoàn thành mục tiêu tiêm chủng toàn dân cho cả trẻ em, thì bất động sản sẽ càng có đà tăng giá.
Bà Dương Thùy Dung, Giám đốc cấp cao CBRE Việt Nam cho biết, giai đoạn từ nay đến cuối năm 2021, nhiều chủ đầu tư đã bắt đầu lên kế hoạch giới thiệu sản phẩm ra thị trường. Dự kiến tháng 1/2022, người mua có thể đến tham dự các sự kiện giới thiệu hoặc mở bán dự án của chủ đầu tư, điều này giúp thị trường bất động sản đón tín hiệu tươi sáng về cả nguồn cung và giao dịch.