Nợ xấu ngành ngân hàng sớm đạt được mục tiêu kiểm soát dưới 3% và nhiều người cho rằng, bất động sản hồi phục là điều kiện tốt cho việc xử lý nợ xấu. Nhận định của ông về vấn đề này như thế nào?
Việc tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát về mức 3% hiện nay được xem là thành quả sau quá trình các ngân hàng tích cực bán nợ xấu cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC). Vấn đề còn lại là các NHTM phải ra sức đẩy mạnh việc xử lý, thu hồi nợ xấu.
Thị trường bất động sản hồi phục, ấm dần là điều kiện tác động tích cực lên quá trình này bởi các ngân hàng có thể đẩy nhanh hơn việc phát mãi tài sản đảm bảo là bất động sản, chuyển nhượng dự án để thu hồi nợ.
Tuy nhiên, theo tôi, nguồn cung trên thị trường bất động sản sẽ ngày càng lớn khi các chủ đầu tư đua nhau triển khai dự án. Giá bất động sản nhiều nơi cũng được “thổi” phồng, tạo giá “ảo”, không chú trọng nhiều đến thanh khoản.
Trong khi đó, với thị trường bất động sản, thanh khoản luôn quan trọng hơn giá bán. Nếu thanh khoản chưa cao, trong khi giá bán được đẩy lên sẽ dễ dẫn đến tình trạng đóng băng. Vì vậy, bất động sản ấm lên là điều kiện tốt để xử lý nợ xấu, nhưng không nên kỳ vọng quá nhiều.
Vốn tín dụng ngân hàng đang được đẩy mạnh vào bất động sản liệu có nhiều rủi ro, thưa ông?
Việc các ngân hàng ngày càng rộng cửa cho vay bất động sản là một dấu hiệu tích cực cho thị trường này. Mặt bằng lãi suất giảm dần đã tạo điều kiện thuận lợi không chỉ cho ngân hàng trong việc tăng trưởng dư nợ tín dụng, mà còn cho cả khách hàng có nhu cầu vay vốn mua nhà để ở.
Bên cạnh đó, hiện cũng có không ít ngân hàng rót vốn hỗ trợ cho các chủ đầu tư dự án. Đặc biệt với những dự án triển khai dở dang trước đây vì cạn vốn, nhưng có đầu ra khả thi, việc cho vay của ngân hàng là hợp lý để tăng trưởng dư nợ tín dụng và có điều kiện thu hồi được khoản nợ cũ.
Với những dự án mới, nếu ngân hàng ồ ạt rót vốn mà thiếu sự kiểm soát chặt dòng tiền sẽ dễ dẫn đến rủi ro. Bởi các những dự án mới đòi hỏi chủ đầu tư phải có vốn tự có ở một tỷ lệ nhất định, sau đó mới được huy động vốn từ khách hàng mua căn hộ. Tuy nhiên, trên thực tế, không phải chủ đầu tư nào cũng có khả năng về vốn tự có để triển khai nên phải nhờ đến ngân hàng.
Vì vậy, cho vay đối với chủ đầu tư bất động sản, các nhà băng phải thận trọng để tránh lặp lại tình trạng vỡ “bong bóng” tín dụng bất động sản, kéo theo nợ xấu. Mặt khác, tín dụng ngân hàng chảy vào bất động sản quá nhiều so với lĩnh vực sản xuất, kinh doanh sẽ không tốt, bởi sản xuất, kinh doanh là lĩnh vực trọng yếu của nền kinh tế.
Vậy theo ông, nợ xấu lĩnh vực bất động sản đến thời điểm này không còn đáng ngại?
So với 2 năm trước, nợ xấu lĩnh vực bất động sản hiện nay đã ổn định hơn. Các NHTM tỏ ra thận trọng hơn trong cho vay và tăng trưởng dư nợ tín dụng bất động sản cũng ở mức phù hợp.
Số liệu thống kê của NHNN cho thấy, tính đến cuối tháng 6/2015, tín dụng bất động sản tăng 10,89%, chiếm tỷ trọng 8,3%, chỉ tăng so với 7,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đồng thời, tín dụng này chủ yếu đổ vào lĩnh vực xây dựng nhà ở và cho thuê, không phải đổ vào kinh doanh bất động sản nên không quá rủi ro.
Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn và hạn chế tối đa rủi ro trong quá trình cung ứng vốn cho bất động sản, các ngân hàng nên lựa chọn kỹ các dự án cho vay mới hạn chế được nợ xấu.
Đầu ra của nợ xấu sẽ tốt hơn trong năm tới và VAMC sẽ xử lý được nợ “gom” về?
Thông tư 14/2015/TT-NHNN vừa được ban hành cho phép VAMC phát hành trái phiếu mới, nhưng thực tế cũng không có sự khác biệt nhiều so với trái phiếu đặc biệt.
Điểm khác biệt lớn nhất là VMAC sẽ mua lại nợ xấu theo cơ chế thị trường. Điều này giúp linh hoạt hơn trong định giá, giá cả mua - bán nợ được định hình rõ hơn. Từ đó, vai trò của VAMC được nâng cấp. VAMC có thể mua nợ xấu theo cơ chế thị trường, sau đó bán lại với giá cao hơn, nhưng cũng có thể chịu lỗ.
Quyền hạn của VAMC được nâng lên, tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc nợ xấu được xử lý triệt để. Thông tư 14 tuy đã tháo gỡ một số vấn đề qua việc xử lý nợ của VAMC, nhưng chưa đáp ứng được những yêu cầu của thị trường. Bởi việc mua - bán phải được thực hiện trên cơ sở mua đứt bán đoạn.
VAMC kỳ vọng năm 2016, bất động sản ấm lên sẽ đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu, nhất là khi lượng nợ xấu VAMC đã “gom” về từ các NHTM rất lớn, vào khoảng 200.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, chúng ta phải hiểu rằng, với những dự án khả thi, có đầu ra thì khi bất động sản ấm lên, các ngân hàng đã có thể tự phát mãi, đẩy hàng để thu hồi nợ, thay vì phải nhờ đến VAMC.
Mặt khác, để giải quyết được bài toán đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu, kể cả khi thị trường bất động sản ấm lên, đòi hỏi cả con nợ và chủ nợ phải hy sinh về giá bán.