Không phải công ty chứng khoán nào cũng được hưởng lợi dù thị trường sôi động

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ủy ban Chứng khoán Nhà nước hiện đã cấm các công ty chứng khoán (CTCK) huy động tiền từ khách hàng, vì vậy một số CTCK sẽ cần tìm kiếm nguồn vốn thị trường để hỗ trợ hoạt động kinh doanh, đặc biệt là các công ty không có mối liên kết chặt chẽ với ngân hàng.

Cùng với sự sôi động của thị trường chứng khoán trong thời gian qua và bối cảnh các yếu tố vĩ mô thuận lợi, hoạt động kinh doanh nhóm công ty chứng khoán được đánh giá sẽ có nhiều cải thiện năm 2024. Tuy nhiên, rủi ro vẫn ở mức cao với một số công ty chứng khoán trên thị trường.

Chia sẻ về bức tranh toàn cảnh ngành chứng khoán năm 2024 tại nhiều khía cạnh, ông Phan Duy Hưng, Giám đốc phân tích cao cấp Khối Xếp hạng và Nghiên cứu, mảng các Định chế Tài chính, VIS Rating cho biết, tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản bình quân (ROAA) của ngành sẽ cải thiện 50-70 điểm cơ bản so với năm trước, đạt mức 4,8%-5% trong năm 2024, nhờ tăng trưởng lợi nhuận đầu tư công cụ có thu nhập cố định (fixed income) và cho vay ký quỹ, đặc biệt là các CTCK quy mô lớn.

Ông Phan Duy Hưng, Giám đốc phân tích cao cấp Khối Xếp hạng và Nghiên cứu, mảng các Định chế Tài chính, VIS Rating

Ông Phan Duy Hưng, Giám đốc phân tích cao cấp Khối Xếp hạng và Nghiên cứu, mảng các Định chế Tài chính, VIS Rating

“Nhóm CTCK lớn sẽ được hưởng lợi bởi 2 lý do. Thứ nhất, đối với hoạt động đầu tư, CTCK lớn đầu tư nhiều vào các tài sản thu nhập cố định (fixed income) như trái phiếu, đầu tư chứng chỉ tiền gửi, tiền gửi. Trong môi trường lãi suất thấp như hiện nay, các công ty có thể vay ngân hàng để đẩy mạnh hoạt động đầu tư trái phiếu, chứng chỉ tiền gửi, từ đó gia tăng lợi nhuận.

Bên cạnh đó, với mảng cho vay margin, CTCK lớn có lợi thế về quy mô vốn lớn, tập khách hàng lớn dẫn tới có khả năng đẩy mạnh cho vay margin so với trung bình ngành, từ đó tác động tốt lên lợi nhuận”, ông Hưng chia sẻ.

Đối với mảng môi giới, tăng trưởng lợi nhuận mảng này ở mức khiêm tốn, lý do chính là các CTCK gặp áp lực cạnh tranh về phí, dẫn tới biên lợi nhuận gộp của mảng này sẽ ngày càng bị thu hẹp, đặc biệt với các công ty chứng khoán nước ngoài.

Ngoài ra, với chất lượng tài sản của các công ty chứng khoán, với việc tốc độ trái phiếu chậm trả gốc/lãi phát sinh mới chậm lại, chất lượng tài sản của các CTCK sẽ dần ổn định.

Nhóm các công ty chứng khoán đang có tỷ lệ cho vay margin ở mức cao

Nhóm các công ty chứng khoán đang có tỷ lệ cho vay margin ở mức cao

“Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy rủi ro vẫn ở mức cao với một số CTCK tập trung đầu tư vào hoạt động bảo lãnh phát hành và phân phối trái phiếu. Có 2 lý do, thứ nhất, các công ty này trong danh mục đầu tư tập trung khá nhiều vào các sản phẩm rủi ro cao như đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, đầu tư cổ phiếu chưa niêm yết tập trung vào một số khách hàng lớn, gây ra rủi ro tập trung cho danh mục và rủi ro sự kiện cho các công ty chứng khoán này.

Ngoài ra, việc bảo lãnh và phân phối trái phiếu thường đi kèm cam kết mua lại cho nhà đầu tư, từ đó tạo ra rủi ro ngoại bảng cho các công ty chứng khoán”, ông Hưng chia sẻ.

Tỷ lệ đòn bẩy của các CTCK năm 2204 sẽ tăng nhẹ do các công ty có thể tận dụng việc vay vốn ngân hàng với lãi suất thấp để tài trợ cho các hoạt động kinh doanh chính là margin và đầu tư. Tuy nhiên, rủi ro đòn bẩy tăng được giảm bớt nhờ kế hoạch tăng vốn mới. Từ đó giúp nguồn vốn và thanh khoản của các CTCK ở mức độ ổn định.

“Chúng tôi có lưu ý là gần đây Uỷ ban Chứng khoán đã cấm các CTCK huy động tiền từ các nhà đầu tư. Tới ngày 30/6/2024, các CTCK sẽ phải tìm kiếm nguồn vốn thị trường mới thay cho nguồn vốn từ khách hàng. Đặc biệt, chúng tôi nhận thấy, các CTCK không có sự liên kết với ngân hàng sẽ gặp rủi ro cao hơn”, ông Hưng cho biết.

Tin bài liên quan