Không ngại ngân hàng “bắt chẹt”

(ĐTCK-online) Luật Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sửa đổi sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào phiên họp tới, trước khi trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ Tư, Quốc hội khóa XII. Nếu được Quốc hội thông qua, Luật NHNN sửa đổi sẽ có hiệu lực vào tháng 6/2009.

Một trong những sửa đổi lớn nhất của Luật NHNN là NHNN sẽ chấm dứt việc công bố lãi suất cơ bản (LSCB) hàng tháng như hiện nay, tức là chính thức thực hiện tự do hóa lãi suất. Theo Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu, tự do hóa lãi suất theo chuẩn mực, thông lệ quốc tế là việc ngân hàng trung ương (NHTW) không can thiệp trực tiếp vào lãi suất trên thị trường tiền tệ và lãi suất hoạt động kinh doanh của các tổ chức tín dụng (TCTD). Lãi suất trên thị trường tiền tệ được hình thành và biến động theo quan hệ cung - cầu vốn. Sự can thiệp của NHTW chỉ thực hiện bằng công cụ gián tiếp tác động lên cung - cầu vốn để kiểm soát lãi suất thị trường phù hợp với mục tiêu của chính sách tiền tệ từng thời kỳ. Trong điều hành chính sách lãi suất, NHTW chỉ công bố các mức lãi suất áp dụng đối với các khoản cho vay của mình đối với các TCTD. Cơ cấu lãi suất bao gồm cả lãi suất cho vay và huy động vốn của các TCTD đối với nền kinh tế do các tổ chức này tự quyết định trên cơ sở cung - cầu về vốn và sự cạnh tranh để hình thành nên lãi suất thị trường.

 “NHTW các nước phát triển như Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ (FED), NHTW châu Âu (ECB), NHTW Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc… đã thực hiện tự do hóa lãi suất và đều điều hành thị trường tiền tệ theo hướng trên”, ông Giàu cho biết.

Theo ông Vũ Viết Ngoạn, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, việc bỏ LSCB là phù hợp, bởi trên thực tế trong điều kiện thị trường tiền tệ biến động mạnh như thời gian gần đây, không một TCTD nào căn cứ vào LSCB của NHNN để đưa ra lãi suất huy động vốn. Quan trọng hơn, việc bỏ LSCB cũng không sợ các TCTD “liên kết” để đẩy lãi suất cho vay lên quá cao do thị trường tài chính Việt Nam đã phát triển ở trình độ nhất định. Cụ thể, số lượng ngân hàng ngày càng nhiều đã tạo ra sự bình đẳng trong mối quan hệ giữa người gửi tiền - ngân hàng - người vay tiền.

“Việt Nam đã gia nhập WTO  và đang cố gắng để được công nhận là nước có nền kinh tế thị trường nên giá vốn (lãi suất) phải vận hành theo nguyên tắc thị trường. Sự can thiệp của NHNN chỉ mang tính định hướng và tạo khuôn khổ để các TCTD vận hành, chứ không thể tiếp tục ấn định LSCB cụ thể cho từng thời điểm một”, ông Ngoạn phát biểu.

Theo ông Ngoạn, lãi suất huy động và cho vay phụ thuộc vào tình hình cụ thể của nền kinh tế: nền kinh tế ổn định thì lãi suất thấp và ngược lại. Việc ổn định nền kinh tế là nhiệm vụ của các cơ quan quản lý nhà nước, từ Chính phủ tới các bộ, ngành chứ không chỉ là nhiệm vụ của NHNN. “Thị trường tài chính đã phát triển ở mức độ nhất định nên không sợ khách hàng bị ngân hàng chèn ép khi bỏ LSCB và tự do hóa lãi suất vì khách hàng có quyền giao dịch với bất cứ ngân hàng nào, kể cả ngân hàng nước ngoài”, ông Ngoạn nhấn mạnh.

Mặc dù đồng tình với quan điểm bỏ quy định hàng tháng NHNN công bố LSCB làm cơ sở để các TCTD công bố lãi suất huy động, nhưng nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng tỏ thái độ băn khoăn, bởi nếu tự do hóa hoàn toàn lãi suất sẽ dẫn tới tình trạng chạy đua lãi suất (như đã từng xảy ra), làm tổn hại tới nền kinh tế; trong khi NHNN lại mất một công cụ rất quan trọng là LSCB để kiểm soát.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển, thị trường tài chính nước ta vẫn thấp hơn rất nhiều so với mặt bằng chung của thế giới nên cần phải cân nhắc, tính toán cẩn trọng việc bỏ hay không bỏ LSCB. “Lãi suất là giá vốn, trong cơ chế thị trường, giá vốn luôn luôn biến động theo quan hệ cung - cầu tiền tệ, nhưng Nhà nước vẫn phải kiểm soát giá vốn chứ không hoàn toàn thả nổi. Nếu thả nổi dễ dẫn đến sự hỗn loạn”, ông Hiển lo ngại.

Hiện NHNN điều hành thị trường tiền tệ bằng 4 lãi suất khác nhau: LSCB, lãi suất tái cấp vốn, lãi suất chiết khấu và lãi suất trên nghiệp vụ thị trường mở, nhưng LSCB trên thực tế là lãi suất ảo, vì không một TCTD nào thực hiện nhưng thị trường tài chính vẫn hoạt động bình thường. Chính vì vậy, theo ông Đinh Văn Nhã, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách thì việc bỏ lãi suất ảo (LSCB) không ảnh hưởng đến thị trường tài chính, vì NHNN vẫn điều hành lãi suất thị trường bằng các công cụ gián tiếp như lãi suất chiết khấu, tái chiết khấu, thực hiện các nghiệp vụ trên thị trường mở và các quy định về dự trữ bắt buộc. Đây là 4 công cụ quan trọng nhất đã và đang được NHTW nhiều nước sử dụng. Trên thực tế, NHNN cũng đang sử dụng các công cụ này rất hữu hiệu trong việc điều hành thị trường tiền tệ cũng như hoạt động ngân hàng theo cơ chế thị trường.

“Chúng ta không lo khi bỏ LSCB thì NHNN sẽ không điều hành lãi suất nữa vì vẫn còn các công cụ gián tiếp khác để  khống chế hoạt động vay và cho vay của các TCTD”, ông Nhã phân tích.

Tuy nhiên, theo ông Nhã, NHNN cần phải nghiên cứu thêm và đưa ra các căn cứ thực sự thuyết phục về việc bỏ LSCB thì Quốc hội mới có thể thông qua đề nghị này. Bởi chắc chắn nhiều đại biểu Quốc hội sẽ không tán thành việc bỏ LSCB vì lo ngại tự do hóa hoàn toàn lãi suất sẽ dẫn tới tình trạng mất kiểm soát mỗi khi thị trường tiền tệ biến động mạnh và lo ngại các TCTD “bắt chẹt” người đi vay do nền kinh tế vẫn đang trong tình trạng “đói vốn”.