Góp phần bảo vệ môi trường theo cách riêng
Theo số liệu từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, mỗi năm tại Việt Nam có khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa ra môi trường. Việc xử lý và tái chế rác thải nhựa còn nhiều hạn chế khi có đến 90% rác thải nhựa được xử lý theo cách chôn, lấp hoặc đốt và chỉ có 10% được tái chế.
Trong bối cảnh đó, Công ty cổ phần Nhựa tái chế Duy Tân (DUYTAN Recycling) đã lựa chọn con đường khó khi quyết định đầu tư xây dựng nhà máy nhựa tái chế rộng 65.000 m2 tại Long An. Công ty không ngần ngại cử đội ngũ nhân sự chuyên ngành đến các nước tìm kiếm công nghệ tái chế phù hợp, kết nối mạng lưới thu mua vỏ chai đã qua sử dụng, xây dựng nhà máy sản xuất thân thiện với môi trường…
Tính đến thời điểm này, đây là nhà máy đầu tiên tại Việt Nam ứng dụng công nghệ tái chế Bottle to Bottle - mỗi chai nhựa đã qua sử dụng sẽ được tái chế thành các hạt nhựa tạo ra một vòng lặp chai nhựa mới giúp giảm sử dụng nguồn nguyên liệu hóa thạch.
Trong 9 tháng đầu năm 2023, nhà máy đã thu gom và tái chế 16.500 tấn rác thải nhựa (tương đương 1,27 tỷ chai). Số lượng chai nhựa đã được xử lý tái chế không chỉ cung cấp nguyên liệu cho các công ty đối tác nhãn hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) lớn tại Việt Nam, mà còn xuất khẩu sang 12 quốc gia, bao gồm Hoa Kỳ và châu Âu, với sản lượng xuất khẩu 7.500 tấn.
Tiêu chuẩn bao bì thân thiện môi trường
Hội nghị lần thứ 27 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27) cho rằng, biến đổi khí hậu đã gây ra nhiều vấn đề cho một số quốc gia trong những năm gần đây. Vì vậy, các quốc gia cần phải quan tâm làm sao để phát triển xanh và thân thiện với môi trường hơn.
Chia sẻ tại Hội nghị Phát triển bền vững với chủ đề “Con đường màu xanh” do Forbes Việt Nam tổ chức, ông Lê Anh, Giám đốc phát triển bền vững của DUYTAN Recycling cho rằng, xu thế bao bì đúng hiện nay xoay quanh 3 cụm từ: tiết chế, tái sử dụng và sử dụng được nhiều lần. Qua đó, việc sử dụng nhựa và các sản phẩm tái chế sẽ giúp kinh tế tuần hoàn được áp dụng và nhân rộng hơn nữa. Chính vì vậy, giải pháp ưu tiên phát triển bao bì của các nhà sản xuất hiện nay chính là sử dụng chất liệu tái chế với thiết kế thân thiện với môi trường.
Ủng hộ từ người tiêu dùng và các công ty bao bì
DUYTAN Recycling luôn coi phát triển xanh và bền vững là kim chỉ nam trong mọi hoạt động của mình. Không chỉ tập trung đầu tư xây dựng nhà máy tái chế, Công ty còn tích cực tham gia các hoạt động, diễn đàn uy tín về kinh tế xanh, đóng góp sáng kiến liên quan đến phát triển bền vững. Công ty hợp tác với những doanh nghiệp hàng đầu như Coca Cola, Nestlé, Lavie, Unilever, Suntory Pepsico để thiết lập mô hình kinh tế tuần hoàn, cũng như là thành viên chính thức của Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam) và Hiệp hội Tái chế chất thải Việt Nam (VWRA).
Năm 2023, DUYTAN Recycling đã ký kết biên bản ghi nhớ chương trình hợp tác cùng Unilever và Lavie trong việc thu gom và tái chế nhựa nhằm thúc đẩy kinh tế tuần hoàn. Quan hệ hợp tác giữa các bên là bước tiến quan trọng trong việc thúc đẩy sử dụng nhựa tái sinh trong sản xuất bao bì của các công ty đa quốc gia, từ đó gia tăng hoạt động tái chế và tạo vòng tuần hoàn cho rác thải nhựa.
Hiện nay, ngành tái chế và kinh tế tuần hoàn được tích cực khuyến khích thông qua việc thực thi Luật Bảo vệ môi trường 2020 và Trách nhiệm Mở rộng của nhà sản xuất (EPR). Dự kiến, đến năm 2024, EPR chính thức được áp dụng cho nhóm sản phẩm có tiềm năng tái chế, đặc biệt là ngành bao bì. Ngành công nghiệp tái chế đạt tiêu chuẩn cao sẽ có nhiều hơn các cơ hội hoạt động tái chế vì môi trường.
Tuy nhiên, đây là một hành trình dài và để xây dựng kinh tế tuần hoàn, cần sự đóng góp, hợp tác đồng bộ và nhất quán từ các công ty sản xuất bao bì và cả người tiêu dùng. Cần thúc đẩy các giải pháp thay thế thân thiện với môi trường cho nhựa và các mô hình kinh doanh sáng tạo để hỗ trợ cho việc tái sử dụng và tái chế. Điều này không chỉ giúp giải quyết bài toán môi trường, hay chi phí sản xuất, mà còn giúp tạo ra giá trị từ nhựa đã qua sử dụng. Quan trọng nhất là điều đó sẽ mở đường cho một tương lai bền vững hơn.