Đứng trên quan điểm cá nhân, tôi có một số nhìn nhận như sau:
Thứ nhất, biện pháp thắt chặt tài chính và tín dụng được áp dụng là đúng đắn, nhưng theo tôi, Chính phủ không nên cắt hàng loạt dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, vì như thế nó sẽ làm ngưng trệ quá trình phát triển về lâu dài cho kinh tế. Theo tôi, Chính phủ nên nhanh chóng hoàn thiện cơ sở hạ tầng bằng việc gia tăng đầu tư và có biện pháp giám sát tiến độ cũng như chế tài đối với các đơn vị không thực hiện đúng hoặc sai phạm. Có như vậy thì các công trình sẽ được hoàn thành nhanh chóng, giảm thiệt hại và lãng phí.
Thứ hai, việc cấm kinh doanh vàng miếng là hợp lý, nhưng phải tạo ra một thị trường thay thế để người dân có kênh đầu tư và tìm kiếm tài sản trú ẩn an toàn trước lạm phát và những bất ổn, thảm họa… Nên chăng, Chính phủ thành lập sàn giao dịch hàng hóa giống như Sở giao dịch hàng hóa Chicago (Chicago Mercantile Exchange), để các cá nhân hay tổ chức có thể giao dịch mọi loại hàng hóa từ vàng, dầu thô, cà phê… Nếu như Việt Nam có sàn giao dịch này thì bài toán cung cầu về hàng hóa sẽ được giải quyết đơn giản hơn nhiều.
Thứ ba, việc cấm thị trường ngoại tệ tự do là đúng và cần thiết, nhưng theo tôi, cần có hướng mở cho đối tượng có nhu cầu như: du học sinh, chữa bệnh, du lịch, công tác, nhập khẩu hàng hóa thiết yếu… Nếu không có hướng mở thì thị trường ngầm sẽ hoạt động, Nhà nước càng khó quản lý hơn. Theo tôi, Chính phủ nên công khai đối tượng đuợc phép mua ngoại tệ và yêu cầu các NHTM bán cho các đối tượng này khi có trạng thái ngoại tệ dương, nếu không đủ thì NHNN đảm bảo cung ứng đủ cho các NHTM. Có như thế, guồng máy kinh tế và hành chính sẽ vận hành trơn tru, tránh gây tâm lý bất ổn cho người dân. Khi đó, người dân hay DN sẽ yên tâm khi bán ngoại tệ cho các ngân hàng khi có, vì khi cần thì họ biết chắc là sẽ được đáp ứng. Còn nếu NHNN không có đủ ngoại tệ, thì biện pháp kết hối đối với các DN nhà nước tạm thời có thể thực hiện, nhưng cũng phải đảm bảo ngoại tệ cho các DN này khi họ cần trong tương lai. Biện pháp khác có thể thực hiện được là cho phép thực hiện các nghiệp vụ như mua bán có kỳ hạn (Future) hay hoán đổi ngoại tệ (currency swap) bằng cách dùng những ngoại tệ khác như: Euro; đô la Úc, bảng Anh, yên Nhật… để hoán đổi lấy USD trên thị trường quốc tế. Ngoài ra, chúng ta còn có thể sử dụng các ngoại tệ khác trong trao đổi thương mại quốc tế để giảm áp lực và phụ thuộc quá nhiều vào USD. Về lâu về dài, thị trường ngoại hối cần đi theo hướng này, tức là thiết lập thị trường tiền tệ để đáp ứng nhu cầu của người dân, DN và nhà đầu tư.
Để xây dựng những thị trường nói trên, Nhà nước cần có những chuyên gia được đào tạo mang tầm quốc tế. Theo tôi, ngoài việc chú trọng và nâng cao công tác giáo dục, đào tạo, Nhà nước cũng cần có chính sách thu hút nhân tài, đặc biệt là tận dụng những người đã được đào tạo bài bản ở các nước phát triển.
Cuối cùng, theo tôi, các biện pháp hay chính sách kinh tế cần có thời gian ít nhất 6 tháng mới có tác dụng, chẳng hạn Nghị quyết 11 vừa ban hành trong tháng 3, thì đến tháng 9 mới thấy rõ tác dụng. Vì vậy theo tôi, Chính phủ không nên vội đưa ra các biện pháp dồn dập, thắt chặt quá cỡ khác, nếu không chúng ta sẽ bóp nghẹt sự phát triển của nền kinh tế và phải cần khá nhiều thời gian và công sức để lấy lại động lực tăng trưởng.