“Chúng tôi đến diễn đàn này mang theo một dự báo đầy tham vọng nhưng có cơ sở đó là trong 20 năm tới, Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu số 1 của hàng hóa Việt Nam”, ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch Tập đoàn Tôn thép Hoa Sen nói và cho rằng, thị trường Hoa Kỳ sẽ đón nhận sản phẩm công nghiệp Việt Nam trong tương lai gần.
Tại hội thảo, ông Phạm Phú Ngọc Trai, Chủ tịch GIBC, CEO đầu tiên của Pepsico Việt Nam nói rằng, năm 2015 là một năm bận rộn mang tính quyết định cho tương lai của nền kinh tế Việt Nam, bởi đây là năm hình thành những khối tự do mậu dịch với sự tham gia của Việt Nam như Cộng đồng kinh tế ASEAN, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu, đặc biệt là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Đánh giá tác động của TPP, các chuyên gia kinh tế dự báo, Việt Nam sẽ là nước được hưởng lợi nhiều nhất trong số 12 nền kinh tế tham gia TPP khi có sự thay đổi GDP cao nhất. Gia nhập TPP, GDP của Việt Nam có thể tăng thêm 35,7 tỷ USD tới năm 2025.
“Một ví dụ cụ thể của những tác động thuận lợi là thuế suất bình quân với mặt hàng dệt may của Việt Nam vào thị trường Hoa Kỳ đang là 17,3% sẽ có cơ hội về 0% đối với một số mặt hàng nếu tham gia TPP”, ông Trai nói.
Theo số liệu của Hiệp hội Dệt may Việt Nam, tính đến hết tháng 4/2015, Việt Nam chiếm khoảng 10,16% tổng thị phần hàng dệt may mà Hoa Kỳ nhập khẩu. Trong khi đó, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu dệt may chủ lực của Việt Nam với 55% thị phần toàn ngành.
Ông Lê Quốc Ân, Trưởng ban cố vấn Hiệp hội Dệt may Việt Nam nhìn nhận, TPP có thể tạo ra đòn bẩy cho ngành dệt may Việt Nam phát triển bền vững.
“TPP được ký kết, Việt Nam có thể ký được nhiều đơn hàng hơn và khả năng thị phần xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ sẽ tăng gấp đôi con số hiện nay. Tuy nhiên, con số không phải là tất cả, quan trọng hơn là các doanh nghiệp có thể nâng cao khả năng cạnh tranh, kinh nghiệm và công nghệ. Đặc biệt là các doanh nghiệp dệt may còn có thể thu được chuỗi giá trị của ngành dệt may…”, ông Ân nói.
Thông tin từ hội thảo cho biết, tỷ phú thứ 200 của Mỹ, ông Wibur Ross đã quyết định đầu tư vào ngành dệt may Việt Nam.
Tuy nhiên, TPP không chỉ mở ra những cơ hội, mà đi kèm với đó còn có những thách thức. Theo ông Trai, TPP cấm sử dụng chính sách thương mại để bảo vệ ngành công nghiệp nội địa, do đó, các ngành công nghiệp sản xuất còn non trẻ tại các nước đang phát triển sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh lớn từ công ty nước ngoài vốn có năng lực cạnh tranh tốt hơn. Ở Việt Nam, theo thống kê, hiện có khoảng 600.000 doanh nghiệp, nhưng trong đó 80% là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, nên chắc chắn sẽ rất khó khăn khi phải “chơi” cùng một sân với những doanh nghiệp lớn.
“Ngoài ra, TPP cũng mang đến thách thức lớn đối với ngành nông nghiệp. Trong đó, ngành chăn nuôi được dự báo là khó khăn nhất khi các sản phẩm chăn nuôi của các nước tham gia TPP đều theo quy trình sản xuất công nghiệp, còn Việt Nam chủ yếu là nhỏ lẻ nên thiếu tính cạnh tranh”, ông Trai lo ngại và cho rằng, việc giảm thuế trong TPP cũng sẽ dẫn đến sự gia tăng nhanh chóng nguồn hàng nhập khẩu từ các nước thành viên TPP vào Việt Nam với giá thành rẻ, chất lượng, mẫu mã đa dạng. Nếu muốn bảo hộ sản xuất, Việt Nam chỉ có thể áp dụng hàng rào phi thuế quan ở mức hợp lý. Nếu rào cản kỹ thuật chưa có hoặc kém, các biện pháp dịch tễ kém hiệu quả, nguy cơ Việt Nam sẽ trở thành thị trường tiêu thụ các sản phẩm chất lượng thấp có khả năng xảy ra…
Theo ông Trai, TPP mở ra cơ hội tốt, nhưng không phải bất cứ sự đầu tư nào cũng đều mang lại thành công. Chính vì thế, các doanh nghiệp Việt Nam không nên nhìn TPP là tất cả, mà lợi thế từ các hiệp định thương mại khác mang lại cũng rất lớn.
“Các doanh nghiệp nên chú ý vào việc chuẩn bị đón nhận cơ hội và thách thức hơn là việc quan tâm khi nào Hiệp định chính thức được ký kết”, ông Trai nhìn nhận.