Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga phát biểu tại phiên họp.
Tiếp tục phiên họp thứ 11, sáng ngày 12/5 Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi).
Dự thảo này sẽ sửa đổi, bổ sung cụ thể hóa những vấn đề về cải tiến, đổi mới công tác chuẩn bị, tiến hành kỳ họp, về quy trình, thủ tục xem xét, quyết định các nội dung tại kỳ họp đã được thực tiễn kiểm nghiệm chứng minh là đúng đắn và phù hợp trong việc tổ chức kỳ họp (cả thường lệ và bất thường) nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả kỳ họp nói chung.
Việc này cũng nhằm đáp ứng kịp thời hơn yêu cầu thực tiễn, nhất là trong điều kiện chưa kịp sửa đổi, bổ sung các quy định khác có liên quan.
Tại tờ trình, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề xuất 25 vấn đề mới để sửa đổi, bổ sung Nội quy năm 2015.
Một số điểm mới đáng chú ý như bổ sung hình thức lấy ý kiến đại biểu Quốc hội bằng phiếu điện tử qua phần mềm cài đặt trên thiết bị di động để phù hợp đổi mới, cải tiến đã được triển khai trong việc lấy phiếu xin ý kiến. Quy định rõ trách nhiệm cơ quan chủ trì gửi, thu phiếu xin ý kiến, tập hợp, tổng hợp kết quả phiếu xin ý kiến của Tổng Thư ký Quốc hội.
Dự thảo cũng bổ sung quy định về tranh luận, thảo luận tại phiên họp toàn thể: Nếu đại biểu Quốc hội có ý kiến khác với ý kiến của đại biểu Quốc hội đã phát biểu trước đó thì được quyền đăng ký tranh luận; thời gian tranh luận không quá 3 phút.
Nghi thức tuyên thệ cũng cụ thể hơn theo hướng quy định rõ thủ tục tuyên thệ, vị trí tiến hành tuyên thệ, người chứng kiến lễ tuyên thệ.
Thẩm tra sơ bộ Dự thảo Nghị quyết, Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đề nghị việc sửa đổi lần này phải đáp ứng được các mục tiêu, quan điểm như sau.
Một là, bảo đảm tăng cường tính dân chủ, pháp quyền, tính chủ động trong hoạt động của Quốc hội, tăng cường tính tranh luận trong các phiên họp, cuộc họp.
Hai là, phát huy trí tuệ, tinh thần đổi mới sáng tạo của đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan.
Ba là, bảo đảm các quy trình, thủ tục làm việc của Quốc hội tại kỳ họp được xây dựng khoa học, chặt chẽ, logic, sát thực tiễn, khả thi, có tính chuyên nghiệp cao.
Bốn là, tăng cường tính công khai, minh bạch trong các hoạt động của Quốc hội tại kỳ họp; đưa hoạt động của Quốc hội ngày càng gắn bó, gần gũi với Nhân dân.
Về những vấn đề còn có ý kiến khác nhau, liên quan đến thời gian phát biểu của đại biểu tại phiên họp toàn thể, có ý kiến đề nghị vẫn giữ quy định thời gian phát biểu là 7 phút như Nội quy hiện hành để đại biểu Quốc hội có thể trình bày thấu đáo quan điểm của mình. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị sửa đổi quy định thời gian phát biểu là 5 phút, vì đây vấn đề đổi mới đã được áp dụng tại nhiều kỳ họp trong nhiệm kỳ Quốc hội gần đây, đã giúp cho mỗi phiên họp có nhiều đại biểu Quốc hội được phát biểu hơn.
Về vai trò của Chủ tọa, có ý kiến đề nghị trường hợp có nhiều đại biểu Quốc hội đăng ký thảo luận thì đề nghị quy định Chủ tọa, người điều hành phiên họp có quyền linh hoạt điều hành giảm thời gian phát biểu của đại biểu để tạo điều kiện cho nhiều đại biểu tham gia phát biểu. Dự thảo Nghị quyết đang thể hiện theo hướng này.
Ý kiến khác đề nghị Chủ tọa, người điều hành phiên họp chỉ có quyền điều hành theo đúng thứ tự đăng ký phát biểu, tranh luận. Trường hợp cần rút ngắn hoặc kéo dài thời gian phát biểu hoặc giải trình thì Chủ tọa cần đề nghị Quốc hội cho phép mới thực hiện, vì việc ra quyết sách tại kỳ họp phải được trải qua một quá trình xem xét bình đẳng, dân chủ, các bên phải phải được bày tỏ chính kiến và được lắng nghe.
Với kinh nghiệm 6 nhiệm kỳ làm đại biểu Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng, không nên rút ngắn thời gian phát biểu vì 5 phút là quá ngắn để đại biểu có thể lập luận đầy đủ vấn đề cần nói.
Trước đây thời gian phát biểu của đại biểu từng được quy định là 20 phút, hiện tại vẫn nên giữ 7 phút, nếu đại biểu nào đã đăng ký mà không còn thời gian phát biểu thì gửi ý kiến cho đoàn thư ký tổng hợp, bà Nga nêu quan điểm.
Đồng tình, Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho rằng nếu giảm thời gian phát biểu thì đại biểu khó có thể diễn đạt hết ý của mình. Mặt khác, không chỉ ở hội trường mà đại biểu có nhiều tầng nấc để tham gia ý kiến như ở các cuộc họp uỷ ban, ở tổ... nên cũng không cần giảm thời gian để có nhiều đại biểu phát biểu hơn phát biểu ở phiên toàn thể.
Cũng quan tâm đến vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho rằng, những phiên thảo luận ở hội trường nên coi trọng chất lượng. Vì thế nếu điều hành theo hướng các đoàn đại biểu Quốc hội đều có tiếng nói thì đại biểu chuyên trách ở Trung ương, chuyên gia hay có xu hướng "nhường" cho đại biểu công tác ở địa phương lên tiếng, dễ dẫn đến nhiều nội dung trùng lặp.Bên cạnh đó, theo ông Vinh những phiên thảo luận ít đại biểu đăng ký (thực chất có phiên chỉ có 1-2 đại biểu đăng ký phát biểu) thì có thể để cho đại biểu phát biểu đến 10 - 15 phút chứ không nên cứng nhắc 7phút.
Có đại biểu dành cả tháng để chuẩn bị ý kiến thảo luận tại hội trường nên cũng cần có thời gian phát biểu thoả đáng, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thuý Anh nêu quan điểm.
Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thì yêu cầu quan trọng nhất của lần sửa đổi này là làm sao rút ngắn thời gian mà vẫn đảm bảo nâng cao chất lượng của các kỳ họp Quốc hội.
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thống nhất thời gian phát biểu là không quá 7 phút và cần quy định rõ môt số trường hợp để chủ toạ có thể điều hành linh hoạt, Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ khi gút lại phiên thảo luận.
Ông Mẫn đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện dự thảo, nếu đủ điều kiện sẽ trình Quốc hội thông qua ở kỳ họp thứ tư và chỉ sửa những nội dung đã chín, đã rõ, thực tiễn đã chứng minh.